Thời gian 4 tháng chưa dài, tuy nhiên cũng giúp các trường rút ra được bài học cho triển khai giai đoạn kế tiếp.
Nỗ lực đưa chương trình mới vào thực tiễn cuộc sống
Năm học 2022 - 2023, Trường THPT Cát Bà (huyện Cát Bà, Hải Phòng) có 200 học sinh (HS) lớp 10. Triển khai Chương trình GDPT 2018 với cả thuận lợi và khó khăn đan xen, sau gần 1 học kỳ, thầy và trò cơ bản bắt nhịp với Chương trình, sách giáo khoa mới.
Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trung Thành, trong năm học này, triển khai Chương trình GDPT 2018 được nhà trường coi là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung nguồn lực, tâm sức. Thuận lợi chung là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, ban hành hướng dẫn kịp thời, đầy đủ của Bộ/sở GD&ĐT; đồng thuận của phụ huynh và xã hội.
Những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện đều được lãnh đạo sở GD&ĐT, phòng Giáo dục Trung học của sở đồng hành tháo gỡ, hỗ trợ. Với nhà trường, đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn kỹ trước khi triển khai. Tâm thế thầy cô đều sẵn sàng học tập, tự nghiên cứu, cập nhật nội dung mới. HS cơ bản tích cực học tập và tính đến nay chưa em nào có nguyện vọng đổi lựa chọn môn học.
“Như tại Trường THPT Cát Bà, chúng tôi gặp khó khăn trong phân công tổ chức Hoạt động giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp do đội ngũ thiếu, chuyên môn chưa phù hợp”, thầy Nguyễn Trung Thành chia sẻ.
Tất nhiên, lần đầu triển khai không tránh khỏi bỡ ngỡ, khó khăn. Vì mới nên chưa có kinh nghiệm, có những vấn đề còn bất cập, thầy cô đôi khi chưa biết làm thế nào là tối ưu nhất.
Chương trình mới đòi hỏi đổi mới phương pháp cũng phải căn cơ mới đáp ứng được yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa. Việc phải đổi mới cách dạy, đặc biệt là cách tổ chức lớp học để phát huy được phẩm chất, năng lực HS là thách thức không nhỏ với nhiều nhà giáo. Chưa kể đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu mới…
Theo kế hoạch, HS Trường THPT Cát Bà thực hiện bài kiểm tra cuối học kỳ vào tuần 18 (sau nghỉ Tết Dương lịch). Tính đến giữa kỳ, kết quả của HS có thấp hơn một chút so với chương trình cũ. Thầy Nguyễn Trung Thành cho rằng, chênh lệch này là bình thường khi cả thầy và trò trong giai đoạn đầu làm quen, bắt nhịp.
Chia sẻ thông tin tại tỉnh Hòa Bình, ông Hoàng Ngọc Ánh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT cho biết: Các trường THPT đều dành nguồn lực tốt nhất cho lớp 10 và việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cơ bản vào nền nếp. Thời điểm này, Hòa Bình chưa ghi nhận trường hợp nào muốn đổi môn học lựa chọn do công tác định hướng cho HS được làm sớm, làm kỹ. Sở GD&ĐT cũng ít nhận được ý kiến phản ánh từ cơ sở.
“Không phải do triển khai chương trình không gặp khó khăn, vướng mắc mà bởi trước khi vào năm học mới, sở GD&ĐT đã dành 2 ngày để các hiệu trưởng bày tỏ mọi vấn đề. Các khó khăn, vướng mắc được lường trước”. Nói điều này, ông Hoàng Ngọc Ánh cũng chia sẻ điều vướng nhất tại Hòa Bình hiện là đội ngũ. Trong đó có khó khăn chung là thiếu giáo viên Nghệ thuật. Với tiểu học thì khó tuyển giáo viên Tiếng Anh, Tin học.
Thiết bị dạy học cũng thiếu. HS Hòa Bình thích chọn các môn nhẹ nhàng như Địa lý, Giáo dục công dân, Công nghệ… nên nếu định hướng không kỹ dẫn đến mất cân đối trong tổ chức dạy học. Môn nhiều HS chọn học giáo viên sẽ quá tải và ngược lại. Nhiều trường THPT cũng vướng trong giai đoạn đầu triển khai Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp. Tuy nhiên, sau khi sở GD&ĐT mời Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) về tập huấn trực tiếp cho các nhà trường, việc triển khai đã chuyển biến tốt hơn.
Ảnh minh họa/ INT |
Quan trọng nhất là năng lực giáo viên
Từ một học kỳ triển khai, bài học được thầy Nguyễn Trung Thành chia sẻ để thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo chính là quan tâm đến đội ngũ. Thầy cô cần được tạo điều kiện và bản thân phải chú trọng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, học và tự học để đáp ứng yêu cầu chương trình mới. Cùng với vai trò trọng tâm là đội ngũ, công tác quản trị nhà trường cũng vô cùng quan trọng.
“Lãnh đạo nhà trường phải nghiên cứu kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để thực hiện tại đơn vị cho sát, đúng. Còn những nội dung như tăng cường đội ngũ, cơ sở vật chất tất yếu phải làm, có điều cần thời gian. Nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Bộ/sở GD&ĐT về tập huấn giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Đặc biệt, chúng tôi mong tiếp tục có chính sách tạo động lực để thầy cô yên tâm công tác, cống hiến”, thầy Nguyễn Trung Thành bày tỏ.
Với Hòa Bình, ông Hoàng Ngọc Ánh thông tin, sau sơ kết học kỳ I, sở GD&ĐT tổ chức hội nghị để nghe các hiệu trưởng phản ánh tình hình triển khai ở nhà trường. Từ đó, sở có định hướng, chỉ đạo, lưu ý triển khai trong thời gian tiếp theo. Với thiết bị dạy học, để khắc phục, sở đã chỉ đạo rà soát, sử dụng triệt để các đồ dùng hiện có. Đồng thời, vận động thầy cô tích cực sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo, tăng cường ứng dụng công nghệ.
“Có thể nói, yếu tố quan trọng nhất để triển khai tốt chương trình mới vẫn là đội ngũ. Bởi vậy, thầy cô cần tiếp tục được tập huấn kỹ, có ý thức nỗ lực để nâng cao năng lực, đặc biệt là kỹ thuật dạy học mới”, ông Hoàng Ngọc Ánh cho hay.
Bài học được Trường THPT Yên Thế (huyện Yên Thế, Bắc Giang) rút ra cũng liên quan đến đội ngũ. Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Hạnh cho rằng: Thực hiện Chương trình GDPT 2018, người dạy cần quan tâm hơn đến các HS; nắm bắt tâm lý, hướng dẫn dưới nhiều hình thức nhằm tạo cho các em tâm thế tiếp nhận nhiệm vụ tốt nhất. Thầy cô cũng cần tiếp cận phương tiện, hình thức, công cụ dạy học hiện đại; khai thác nguồn học liệu số hiệu quả nhằm phát huy tối đa năng lực tự chủ của người học, tạo sự sinh động, sôi nổi cho mỗi giờ học. Cùng với đó, bám sát mục tiêu chương trình để thiết kế kế hoạch bài dạy, bài giảng.