Nắm bắt cơ hội
Giáo dục đại học đang trong bối cảnh chuyển đổi số, điều này tạo ra nhiều thách thức cũng như cơ hội cho người học. Các trường tích cực ứng dụng công nghệ và dạy học kết hợp (blended learning) vào trong chương trình đào tạo của mình để nhằm cá nhân hóa lộ trình đào tạo cho từng sinh viên.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam - Trưởng khoa Các Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) - ứng dụng công nghệ sẽ giúp sinh viên học mọi nơi, mọi lúc, chỉ cần máy tính hoặc thiết bị thông minh kết nối mạng.
Sinh viên có thể tích cực chủ động học cái mình cần vào bất cứ thời gian nào mình muốn. Nội dung học tập tập trung vào những kỹ năng đa dạng thông qua dạy học thực tế ảo, dạy học qua trò chơi, dạy học mô đun để người học có thể phát triển năng lực học tập suốt đời.
Trong quá trình chuyển đổi này, nhà trường và các chương trình đào tạo sẽ phải tự đổi mới để định hướng nhu cầu và đáp ứng nhu cầu của người học.
Trong bối cảnh ấy, để bắt nhịp ở môi trường mới, PGS.TS Trần Thành Nam lưu ý các tân sinh viên cần chuẩn bị tinh thần để tham gia tích cực vào các hoạt động học tập. Đó là chủ động lên kế hoạch học tập theo lộ trình hợp lý ngay từ năm đầu tiên để đảm bảo tiến độ thời gian và các điều kiện cá nhân; rèn luyện theo kế hoạch đặt ra và tự đánh giá các năng lực bản thân đạt được so sánh với mục tiêu sau khi tốt nghiệp.
Trong quá trình học tập, sinh viên cũng cần chuẩn bị những kỹ năng để hợp tác cùng các sinh viên khác trong lớp giải quyết các nhiệm vụ nhóm, làm các báo cáo hoạt động cá nhân; đặt các câu hỏi truy vấn giảng viên sau khi nghiên cứu tài liệu; thảo luận thuyết trình bên ngoài lớp học về các nội dung môn học thậm chí tham gia hướng dẫn cho các sinh viên khóa dưới.
Theo dự báo, đến năm 2030, sẽ có khoảng 20 triệu người lao động sẽ bị thay thế bởi robot.
Đưa thông tin này, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng: Các tân sinh viên cần phải thay đổi tư duy của việc vào đại học không phải là thời gian để xả hơi, cũng không phải là học tập kiểu “cày cuốc” lấp đầy kiến thức, mà là giai đoạn để suy nghiệm về cách tiếp cận, phương pháp giúp khai mở tư duy, hình thành năng lực phản biện sáng tạo.
“Để đón nhận những cách tiếp cận và phương pháp mới, tân sinh viên cũng cần tự trang bị cho mình năng lực ngoại ngữ và năng lực công nghệ thông tin cơ bản để tự tìm kiếm các khóa học online phù hợp với mục đích của mình.
Nên nhớ, vào đại học, giảng viên sẽ đóng vai trò huấn luyện viên, người định hướng và truyền cảm hứng. Sinh viên sẽ là những vận động viên. Sự chủ động nỗ lực rèn luyện hàng ngày sẽ quyết định cá nhân sinh viên có đạt huy chương vàng trong cuộc đua trường đời sau khi tốt nghiệp hay không” – PGS Trần Thành Nam chia sẻ.
4 lưu ý quan trọng
Phạm Ngọc Mai, lớp Quản trị kinh doanh 01-K63 (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), từ thực tế học đại học đã đưa ra những lời khuyên đáng chú ý với các tân sinh viên.
Lưu ý đầu tiên là sự tự giác và cầu tiến trong học tập. Theo đó, để học tập tốt, trước tiên các tân sinh viên cần tham gia đầy đủ các buổi học trên lớp. Có thể không hiểu hết mọi thứ thầy cô giảng trên lớp ngay, nhưng về nhà cần chủ động tìm hiểu những vấn đề chưa nắm rõ, hoặc ghi chú lại vấn đề muốn tìm hiểu.
Đọc tài liệu cũng là một cách học hiệu quả, bởi nó mang lại nhiều kiến thức, đồng thời cũng giúp cải thiện cách tập hợp kiến thức. Đối với sinh viên, phần lớn phải dành thời gian để tự học, tự nghiên cứu chứ không phải theo cách “thầy đọc, trò chép”. Do vậy, vấn đề tự giác trong việc học cần được thực hiện nghiêm túc nếu bạn muốn đạt kết quả cao.
Lưu ý thứ 2 là chọn không gian học, thời gian học hiệu quả. Đối với nhiều sinh viên, chỗ để học tập khá quan trọng trong quá trình tự học.
Với sinh viên Trường ĐH Bách khoa, thư viện Tạ Quang Bửu là nơi học tập lý tưởng với không gian yên tĩnh, rộng rãi và đầy đủ tài liệu để nghiên cứu. Ngoài ra, không gian học tập sáng tạo CoStudying cũng là nơi học tập lý tưởng của sinh viên sau những buổi lên lớp, đặc biệt phù hợp cho những buổi sinh hoạt nhóm…
Lưu ý thứ 3 là học nhóm. Học nhóm giúp cải thiện học tập rất nhiều. Thường là các nhóm bạn học với nhau, người biết sẽ giảng lại cho người chưa biết giúp cả hai nắm chắc kiến thức hơn và giải quyết vấn đề tốt hơn, phát triển kỹ năng làm việc nhóm.
Cùng với đó, làm việc nhóm sẽ giải quyết nhiều vấn đề, nảy sinh ý tưởng mới và tìm được những đồng đội chung chí hướng. Nếu học tập và làm việc cùng những người có chung mục đích ắt hẳn sẽ thành công, bởi “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.
Lưu ý cuối cùng là cân bằng giữa học tập và các hoạt động khác. Đại học là một môi trường năng động, vì vậy không thiếu các câu lạc bộ, tổ chức Đoàn, hội… Sinh viên cần phải cân bằng được thời gian hoạt động với thời gian học tập của mình, tránh dành nhiều quá thời gian cho các hoạt động mà xao nhãng việc học.
Tuy nhiên, là sinh viên thì nên tham gia vào các hoạt động tập thể để rèn luyện kỹ năng mềm và phát triển sở thích của từng người.