Rào cản lớn với nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông

GD&TĐ - Nghiên cứu khoa học kĩ thuật đối với HS trung học mang lại nhiều giá trị trong giáo dục. Tuy nhiên, để thôi thúc đam mê, phát hiện tài năng và giúp HS tạo ra những sản phẩm có giá trị thực tế, nhà trường, thầy cô và gia đình phải có sự quan tâm, định hướng phù hợp.

Nghiên cứu KHKT giúp HS được vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Ảnh: T.G
Nghiên cứu KHKT giúp HS được vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Ảnh: T.G

Thách thức từ thực tế

Không thể phủ nhận, với HS trung học, nghiên cứu khoa học kĩ thuật (NCKHKT) là hoạt động khá mới mẻ, đòi hỏi tư duy sáng tạo, thúc đẩy quá trình phát triển toàn diện của HS. Tuy nhiên, đây cũng là một nhiệm vụ học tập khiến các em thấy bỡ ngỡ và gặp khó khăn, thiếu hụt trong nhận thức và lúng túng trong cách làm.

Mặt khác, theo cô giáo Nguyễn Thị Dạ Ngân – Trường THPT Đồng Dậu, xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), việc phối hợp giữa nhà trường và các cơ quan NCKH chưa được chặt chẽ; nhiều trường còn thụ động hoặc chưa quan tâm đến việc này.

Bản thân trong đội ngũ GV nhiều người còn chưa có kinh nghiệm, ngại khó, sợ thêm việc nên thiếu sự nhiệt tình. Thậm chí nhiều thầy cô khá bỡ ngỡ, lúng túng trong công tác NCKH nên “ngại” hướng dẫn, giúp HS tìm tòi vấn đề. Nhiều phương pháp NCKH đòi hỏi kĩ thuật phức tạp, sự tỉ mỉ và cần ứng dụng kiến thức khoa học công nghệ nên rất khó cho HS trong quá trình nghiên cứu.

Cô giáo Hoàng Thanh Huyền – Trường THPT số 2 Bảo Thắng - huyện Bảo Thắng (Lào Cai) chia sẻ: Gia đình HS chủ yếu làm nông nghiệp, chưa hiểu hết tầm quan trọng, ý nghĩa của việc NCKHKT trong học tập nên thiếu sự hậu thuẫn, đồng tình ủng hộ nhất định.

Mặt khác, vì không có sự hỗ trợ từ phía gia đình nên công tác mua vật tư đến kinh phí làm thực nghiệm thiếu thốn. Nhiều dự án chỉ dừng lại ở mặt ý tưởng bởi khả năng thực thi là không thể và vượt ra ngoài tầm khả năng của HS, phụ huynh và nhà trường về mặt kinh phí…

Thực tế cũng cho thấy, khả năng trình bày dự án bằng tiếng Anh của HS còn hạn chế. Còn xảy ra tình trạng GV ôm đồm làm cả dự án, HS chỉ việc “diễn sâu” những gì được hướng dẫn mà không thực sự nghiên cứu, trải nghiệm.

Nhiều HS cũng không có sự chủ động để xin tư vấn từ các nhà khoa học trong các trường ĐH, viện nghiên cứu. Bản thân các em tự mày mò nên nhiều khi đi sai định hướng cần nghiên cứu ban đầu hoặc trong quá trình thực nghiệm gặp khó khăn nên không đạt được hiệu quả.

Về phía các nhà trường hiện nay, còn thiếu các điều kiện để nghiên cứu, đặc biệt là phòng thí nghiệm, dẫn đến nhiều dự án không thành công như mong đợi. Nguồn kinh phí để nghiên cứu các dự án khoa học còn hạn hẹp.

Nguồn kinh phí để nghiên cứu các dự án khoa học còn hạn hẹp. Ảnh minh họa/ INT
Nguồn kinh phí để nghiên cứu các dự án khoa học còn hạn hẹp.    Ảnh minh họa/ INT 

Giúp HS chiếm lĩnh khoa học

Thầy giáo Phạm Đức Khương – Trường THCS Hiệp Hòa, huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định: Để đạt được kết quả cao trong lĩnh vực NCKHKT cần có sự đầu tư, ủng hộ từ nhà trường, GV, gia đình… và sự nỗ lực của HS.

Theo thầy Khương, đối với GV cần là người đam mê, truyền lửa, có kiến thức tốt ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt khả năng hướng dẫn HS thực hiện dự án. Cần có tầm nhìn xa, dự đoán và quyết đoán trong công việc dựa trên vốn hiểu biết và kinh nghiệm của cá nhân từng trải qua.

Mặt khác, GV cần có kiến thức khoa học và ngoại ngữ để khai thác các tài liệu nước ngoài và có kĩ năng sử dụng CNTT thành thạo. Đặc biệt, GV cần tôn trọng ý tưởng và biến ý tưởng của HS thành hiện thực trong khả năng hướng dẫn. Cần có quyết tâm cao trong việc hướng dẫn các dự án… Đồng thời, cần có kĩ năng và kinh nghiệm trong việc phán đoán các câu hỏi mà BTC cuộc thi có thể hỏi. Đây là bước vô cùng quan trọng giúp HS bước đầu hình thành kĩ năng giao tiếp, trình bày trước đám đông, lựa chọn và khai thác thông tin hợp lý, chọn lọc để báo cáo phù hợp.

Người hướng dẫn cần có mối quan hệ tốt với các cơ sở, CLB, trung tâm nghiên cứu và ứng dụng để tìm được sự chia sẻ, hỗ trợ. Có như vậy, khi GV bắt tay vào thực hiện hướng dẫn dự án cho HS mới có nhiều cơ hội thành công.

Với nhà trường và gia đình, cần tạo mọi điều kiện về kinh phí để thực hiện. Có chính sách khuyến khích, động viên, thưởng cho HS và người hướng dẫn khi đạt kết quả cao trong các cuộc thi KHKT.

Theo cô giáo Nguyễn Thị Dạ Ngân, để nhân rộng hoạt động NCKH ở HS trung học, cần thực hiện tốt hàng loạt vấn đề. Trước hết, lập kế hoạch khả thi triển khai hoạt động NCKH; Nâng cao nhận thức và hiểu biết về NCKH đối với HS, PHHS, GV. Về phía nhà trường cần tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm kiếm ý tưởng và tổ chức các cuộc thi cấp trường. Làm tốt công tác thi đua khen thưởng; Vấn đề kinh phí và cơ sở vật chất đầu tư cho hoạt động NCKH cũng cần được giải quyết kịp thời phù hợp. Đặc biệt cần tăng cường công tác phối hợp 3 trụ cột là: Gia đình – nhà trường – chuyên gia.

Trong quá trình đổi mới giáo dục, thúc đẩy NCKHKT trong HS trung học là vô cùng cần thiết. HS biết vận dụng kiến thức trong sách vở vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống, làm quen với NCKH, tạo ra sân chơi bổ ích, trí tuệ… Bên cạnh đó, NCKH còn giúp các em khỏi bỡ ngỡ khi bước vào cổng trường ĐH và bắt đầu việc nghiên cứu của mình một cách tự tin, chuyên sâu hơn.

NCKH góp phần thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục trong trường trung học. Dạy học không còn thụ động, người thầy đóng vai trò định hướng và HS là những người trực tiếp, chủ động trong quá trình học tập của mình.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ