Phát động thành lập CLB nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông

GD&TĐ - Hôm nay (9/12), tại TP Bắc Giang, trong khuổn khổ “Hội thảo Phát triển văn hoá đọc trong nhà trường và cộng đồng”, Bộ GD&ĐT tổ chức Lễ phát động thành lập Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông trên toàn quốc. 

Phát động thành lập CLB nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát động CLB NCKH trong các trường Phổ thông
 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát động CLB NCKH trong các trường Phổ thông
Phương pháp, kỹ thuật và dạy học tích cực không tách rời văn hóa đọc
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ: Thực hiện Nghị quyết số 29 của T.Ư Đảng Khóa XI về đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT theo định hướng phát triển năng lực học sinh, giáo viên giáo dục phổ thông đang thực hiện đổi mới đồng bộ về hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo và rèn luyện phương pháp tự học; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Trong quá trình giáo dục, giáo viên không phải là người dạy học như trước mà là người định hướng, tổ chức cho học sinh học, học sinh tự chủ chiếm lĩnh và vận dụng tri thức mới. Thực hiện điều đó, học sinh phải hoạt động với nhiều tư liệu giáo khoa, trao đổi, tranh luận với nhau và với giáo viên.
Vì thế, văn hóa đọc nói chung, văn hóa đọc trong nhà trường nói riêng là yêu cầu bắt buộc và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với chất lượng và hiệu quả hoạt động học của học sinh theo các phương pháp kỹ thuật và dạy học tích cực. 
Phương pháp “Bàn tay nặn bột” ở Tiểu học và THCS đã được Bộ GD&ĐT triển khai từ năm 2011 – 2012 là một ví dụ. Bản chất của phương pháp này là tổ chức hoạt động học dựa trên tìm tòi, nghiên cứu; học sinh chiếm lĩnh được kiến thức kỹ năng dựa trên các hoạt động trải nghiệm và tư duy khoa học, trong đó việc nghiên cứu, đọc các tài liệu khoa học của học sinh là một yêu cầu bắt buộc trong tiến trình sư phạm của phương pháp.
Nhu cầu học tích cực của học sinh hiện đã vượt ra ngoài phạm vi nhà trường

Thứ trưởng khẳng định: Với việc thực hiện các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, hoạt động học của học sinh đã vượt ra ngoài phạm vi của nhà trường và lớp học để đến với gia đình và cộng đồng.  

Cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn dành cho học sinh trung học từ năm học 2012 – 2013 đến nay đã thu hút hàng trăm ngàn học sinh tham gia. 

Các “dự án” của học sinh tham gia dự thi và chia sẻ qua internet đã thúc đẩy học sinh vận dụng kiến thức trong thực tiễn; tăng cường khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh.
Từ năm học 2012 – 2013 triển khai thí điểm Giáo dục thông qua di sản nhằm đổi mới hình thức tổ chức dạy học, tăng cường hoạt động trải nghiệm sáng tạo của học sinh và phát huy giá trị của các di sản vật thể, phi vật thể của quốc gia và từng địa phương; Mô hình trường học gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương đã đem lại những kết quả tích cực, có tác dụng gắn kết nhà trường, gia đình và doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục, đồng thời góp phần phân luồng học sinh sau THCS...
Đặc biệt, từ năm học 2011 – 2012 triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh THCS, THPT và Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh Trung học (VSEF) và cử học sinh tham dự Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (Intel ISEF) và các cuộc thi, hội trợ, triển lãm quốc tế về sáng tạo KHKT.
Các cuộc thi này coi trọng phát huy ý tưởng mới và rèn luyện năng lực sáng tạo, phong cách làm việc khoa học của học sinh nói chung và chất lượng Cuộc thi khoa học kỹ thuật nói riêng.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đã khuyến khích các nhà trường tăng cường dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn nói chung, trong đó dạy học tích hợp Khoa học – Công nghệ - Kỹ thuật – Toán (STEM) theo xu hướng quốc tế hiện nay cũng đã được nhiều nhà trường bước đầu thực hiện.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế đó, CLB nghiên cứu khoa học kỹ thuật đã bắt đầu được hình thành ở một số trường phổ thông, tạo sân chơi cho học sinh có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu khoa học; giúp đỡ học sinh trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học, sản phẩm khoa học vào thực tiễn. 

Cùng với việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng và nhà trường, Bộ GD&ĐT khuyến khích thành lập các CLB dựa trên sự tự nguyện, phù hợp với khả năng, nguyện vọng của học sinh và phù hợp với chủ trương đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông.

Để học sinh làm quen với CLB Nghiên cứu khoa học
Để hoạt động hiệu quả, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu các CLB cần được tổ chức chặt chẽ, có ban chủ nhiệm và chương trình hoạt động phù hợp và hiệu quả. 
Hình thức hoạt động cần đa dạng, có thể gồm các phiên họp chính thức; các buổi tọa đàm, hội thảo; các hoạt động thực hành, tiếp cận thực tế; các hoạt động ngoại khóa....
Lúc đầu, các em học sinh đăng kí tham gia CLB sẽ không khỏi bỡ ngỡ và chưa thể hiểu hết ý nghĩa, cũng như cách thức làm nghiên cứu khoa học. Vì thế, việc trang bị những kĩ năng giúp các em có thể bắt tay vào nghiên cứu là hết sức cần thiết.
Trong thời gian đầu, cùng với việc tổ chức các hoạt động để học sinh làm quen với công tác nghiên cứu khoa học (có thể tổ chức thành khóa học mở đầu); nên tổ chức mỗi tuần một buổi trao đổi, tọa đàm nhằm bổ sung cho các em các khả năng: giao tiếp, thuyết trình, tư duy và làm việc theo nhóm. 
Đây là những kỹ năng không thể thiếu trong công tác nghiên cứu khoa học và các mặt của cuộc sống.
Bên cạnh đó, để khuyến khích và tăng cường hiệu quả hoạt động của các CLB, các nhà trường cần thực hiện tốt việc đánh giá học sinh theo tinh thần mới, trong đó cần coi trọng việc đánh giá thông qua một dự án học tập, sản phẩm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật .... thay cho các bài kiểm tra hiện hành.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ