Thay đổi thời gian thi, trường chủ động kéo dài thời gian ôn tập

GD&TĐ - Dù phương án tổ chức thi THPT quốc gia mới là dự thảo, nhưng tại các trường THPT, kế hoạch tổ chức học, ôn tập hướng tới kỳ thi này đã sẵn sàng. Hầu hết các trường đều không ngần ngại kéo dài thời gian ôn tập cho học sinh đến tận cuối tháng 6.  

Thay đổi thời gian thi, trường chủ động kéo dài thời gian ôn tập

Thầy Dương Mạnh Trí - Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Hòa (Bắc Giang): Dự kiến duy trì ôn tập đến tháng 7

Thầy Dương Mạnh Trí 

Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ dự thảo quy chế tổ chức thi THPT quốc gia và đồng tình với những điểm mới như lùi thời gian thi, giao trường ĐH chủ trì các cụm thi, miễn thi ngoại ngữ, sử dụng thang điểm 20…

Theo dự thảo, thời gian thi vào tháng 7 là hợp lý vì kỳ thi lần đầu tiên tổ chức với sự đổi mới về cách thức tổ chức, cấu trúc đề thi, nên nhà trường, học sinh sẽ có những bỡ ngỡ nhất định. Việc có thêm thời gian tạo điều kiện để trường ôn tập thêm cho học sinh, giúp các em tự tin hơn trước kỳ thi này.

Tôi cũng rất đồng tình với các tính theo thang điểm 20 và việc để trường ĐH chủ trì các cụm thi nhằm đảm bảo công bằng, nghiêm túc, khách quan. 

Có điều, với sự công bằng như vậy, tôi cho rằng, không nhất thiết phải phân biệt thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp hay thí sinh có xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Về phía Trường THPT Hiệp Hòa, ngay từ đầu năm đã chủ động tuyên truyền về kỳ thi THPT quốc gia, trong đó lưu ý, kỳ thi này chắc chắn sẽ chặt chẽ hơn nên công tác học tập, ôn thi phải tốt hơn.

Nhà trường đã cho học sinh đăng ký môn tự chọn và tạo điều kiện để các em có thể thay đổi nguyện vọng, đăng ký lại môn thi. Việc ôn tập cũng dự kiến kéo dài đến tháng 7 để chuẩn bị cho học sinh hành trang tri thức tốt nhất.

Với các giáo viên, nhà trường yêu nắm chắc cấu trúc đề, dạy học sinh có kỹ năng thật tốt. Dù không thực hiện tăng tiết, nhưng học sinh của trường được phép đăng ký học phụ đạo để bổ trợ kiến thức. 

Đồng thời, trường cũng lưu ý học sinh không nên đến lò luyện thi, vì với cách thức thi mới, không ai giúp đỡ các em tốt hơn là những giáo viên dạy trực tiếp.

Trong học kỳ 2 này, nhà trường sẽ tổ chức 1 đến 2 lần thi thử để học sinh làm quen với kỳ thi. Dự kiến Sở GD&ĐT Bắc Giang cũng có kế hoạch tổ chức thi thử cho học sinh toàn tỉnh.

Thầy Cao Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên): Giáo viên, học sinh an tâm trước kỳ thi đổi mới

Thầy Cao Văn Tiến 

Dự thảo tổ chức thi THPT quốc gia có những nội dung rất “thuận” với các trường, như: Việc kéo dài thời gian thi giúp nhà trường có kế hoạch tổ chức ôn tập chu đáo cho học sinh; sử dụng thang điểm 20 tăng độ chính xác kết quả chấm thi; giao các trường ĐH chủ trì cụm thi là hợp lý và đảm bảo tính khách quan…

Hiện nay, theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết giáo viên và học sinh đều rất an tâm và không băn khoăn gì trước kỳ thi đổi mới. Duy một số ý kiến phụ huynh lo lắng con mình phải đi thi xa hơn những kỳ thi tốt nghiệp THPT trước đây, chúng tôi cũng đã giải thích rõ ràng, cặn kẽ.

Tuy nhiên, tôi muốn góp ý về thời gian hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự thi cho học sinh mà theo dự thảo là dự kiến trong tháng 4. Tôi cho rằng, nên để tháng 5 là hợp lý vì thời gian đó, các trường THPT mới kết thúc chương trình, có điểm tổng kết năm học để làm phiếu hoàn thiện cho các em đăng ký dự thi.

Hiện nay, Trường THPT Gang Thép đã cho học sinh được ôn những môn tự chọn. Cụ thể, các môn thứ 4, 5, 6, có trên 500 lượt học sinh đăng ký, trên tổng số hơn 420 học sinh toàn trường. Ngoài môn thứ 4 số lượng đăng ký là 100% thì có từ 70 - 90 em đăng ký môn thứ 5 thứ 6 để tăng cơ hội đăng ký vào các khối, khoa, ngành ở ĐH.

Cô Nguyễn Thị Quốc Hòa - Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên): Cần sự chỉ đạo thống nhất để trường kéo dài thời gian ôn tập

Thay đổi thời gian thi, trường chủ động kéo dài thời gian ôn tập ảnh 3Cô Nguyễn Thị Quốc Hoà  

Tôi cho rằng, nội dung dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia rất phù hợp, có những đổi mới giúp trả đúng về năng lực dạy và học. 

Trường THPT Chu Văn An ngay từ đầu năm đã triển khai phổ biến các nội dung và xây dựng kế hoạch dạy học cho đúng với nội dung đó.

Tuy nhiên, thời gian thi lùi về tháng 7, với việc ôn tập, nhà trường sẽ tiếp tục duy trì, quản lý như thế nào, cần có sự thống nhất chỉ đạo từ Sở và Bộ GD&ĐT.

Theo như cách làm trước đây, sau kết thúc chương trình vào 25/5, chúng ta dừng để học sinh hoàn toàn chủ động. Nhưng khi đó, phần tốt nghiệp đã xong. 

Còn với kỳ thi THPT quốc gia, chúng ta tiếp tục duy trì ôn thi hay không, cần có sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh và sự chỉ đạo chung của lãnh đạo cấp trên.

Cụm thi do trường ĐH chủ trì, tôi cho rằng, đó là điều đương nhiên vì đấy là cách đánh giá khách quan nhất. Nhưng điều này cũng lại đặt vấn đề cho các trường THPT phải dạy học như thế nào đạt chất lượng; đồng thời, phải chuyển thông điệp đến phụ huynh và học sinh, tránh suy nghĩ đơn giản như trước đây.

Đặc biệt, trước đây, học sinh thi tốt nghiệp tại điểm thi trong trường, các thầy cô giáo có thể chăm sóc học sinh chu đáo, nhắc nhở thường xuyên. 

Nhưng nay, học sinh không thi tập trung như trước nữa, những công việc này sẽ chuyển sang vai gia đình học sinh nhiều hơn. Điều này, nhà trường cũng cần chuyển tải rõ để gia đình học sinh thông suốt.

Liên quan đến công tác coi thi, theo dự thảo, giám thị, giám khảo gồm cả giảng viên đại học và giáo viên phổ thông, tuy nhiên chưa đề cập đến tỷ lệ. Tôi cho rằng, để đảm bảo khách quan thì quy định tỷ lệ 50 - 50 là phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ