Lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải đáp về kỳ thi THPT quốc gia

GD&TĐ - Chiều nay (18/12), Bộ GD&ĐT tổ chức gặp mặt báo chí thông báo về Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển dự buổi họp báo.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT giải đáp về kỳ thi THPT quốc gia
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (giữa), Cục trưởng Mai Văn Trinh (trái) và Chánh Văn phòng Phạm Ngọc Phương lắng nghe ý kiến tại cuộc họp
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển (giữa), Cục trưởng Mai Văn Trinh (trái) và Chánh Văn phòng Phạm Ngọc Phương lắng nghe ý kiến tại cuộc họp

Tại buổi gặp mặt, PGS Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) - đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên xoay quanh nội dung của 2 dự thảo này.

Giải pháp khắc phục thí sinh ảo

Bộ GD&ĐT sẽ có công văn hướng dẫn, chủ yếu liên quan đến vấn đề ôn tập cho học sinh như thế nào để đảm bảo các em có đủ các kiến thức, tham gia cuộc thi hiệu quả và không gây quá tải cho học sinh.

- Theo Dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, mỗi thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Việc có nhiều giấy chứng nhận kết quả thi như vậy liệu có gây khó khăn cho các trường cũng như tăng tỷ lệ thí sinh ảo?

Một trong những băn khoăn khi xét tuyển vào ĐH, CĐ là thí sinh ảo. Để khắc phục được điều này, chúng ta có nhiều giải pháp khác nhau.

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy dự kiến mỗi thí sinh được cấp 4 giấy báo điểm. Mỗi giấy báo điểm có đặc điểm nhận dạng khác nhau tương ứng với từng đợt.

Mỗi một đợt xét tuyển, thí sinh chỉ được sử dụng phiếu báo điểm tương ứng. Do đó, chúng ta không lo thí sinh dùng giấy xét tuyển của đợt này để đăng ký xét tuyển đợt khác.

Cũng lưu ý, trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh được đăng ký tối đa 4 nguyện vọng của trường đó, nên cơ hội vào ĐH, CĐ của thí sinh sẽ tăng nên.

Dự kiến khoảng 34 - 35 cụm thi

- Dự kiến cả nước sẽ có bao nhiêu cụm thi tốt nghiệp THPT quốc gia? Sự sắp xếp thí sinh dự thi tại các cụm sẽ như thế nào?

Qua khảo sát, chúng tôi dự kiến có khoảng 34 - 35 cụm thi.

Việc hình thành cụm thi phải trên cơ sở năng lực của trường ĐH dự kiến chủ trì cụm thi; sức tải của địa phương. Để bảo đảm sự ổn định tại các cụm, về mặt quy tắc, các thí sinh sẽ dự thi ở các cụm thi được hoạch định từ trước.

Khi chúng tôi chính thức quyết định các cụm thi, sẽ rõ là các cụm thi ấy sẽ gồm thí sinh từ những tỉnh nào.

- Thí sinh thi tại các cụm thi ban đầu chỉ để xét tốt nghiệp THPT nhưng sau lại có nguyện vọng vào ĐH, liệu các em có còn cơ hội?

Các em hoàn toàn vẫn có cơ hội vì hiện nay các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo đề án riêng, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập ở phổ thông.

Kỳ thi THPT quốc gia sử dụng thang điểm 20

- Việc kỳ thi THPT quốc gia sử dụng thang điểm 20, nhưng tại Đề án tuyển sinh riêng của các trường ĐH, CĐ vẫn tính theo thang điểm 10, sự chênh lệnh này có làm các trường gặp khó khăn không?

Điều này không có khó khăn, vướng mắc gì. Vì hiện nay, việc đánh giá trong các nhà trường vẫn theo thang điểm 10 nên tiêu chí đảm bảo chất lượng dựa trên thang ấy cũng rất tường minh.

Lý do thay đổi mức điểm liệt

- Dự thảo quy chế tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay thay đổi mức điểm liệt là 2 điểm, mức điểm ưu tiên cũng nâng lên 8. Tại sao lại có sự thay đổi này?

Cũng chính vì chúng ta mở rộng thang điểm 20 nên liên quan đến quy định về điểm liệt.

Năm ngoái chúng ta quy định mỗi môn thi phải đạt trên 1 điểm mới được xét tốt nghiệp, thì năm nay, với thang điểm 20, chúng ta nhân đôi lên thành 2 điểm.

Tương tự, mức điểm ưu tiên năm ngoái tối đa là 4 điểm thì năm nhân đôi thành 8 điểm.

Trường ĐH phải chỉ ra các ngưỡng bảo đảm chất lượng

- Việc xây dựng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào trong kỳ thi sắp tới sẽ như thế nào?

Trong tuyển sinh ĐH, cho dù lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh hay tuyển sinh riêng vẫn phải chỉ ra các ngưỡng bảo đảm chất lượng.

Hiện nay, quy mô các trường ĐH, CĐ của chúng ta chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu học tập của tất cả học sinh THPT, nên chúng ta phải có chọn lựa, do đó, phải có tiêu chí bảo đảm chất lượng.

Với những trường tuyển sinh riêng sẽ quy định trong đề án, còn với kỳ thi THPT quốc gia, sau khi có kết quả thi, căn cứ phân tích từ chỉ tiêu, điểm của thí sinh, phân tích các đối tượng ưu tiên, sẽ định ra được các tiêu chuẩn chất lượng. Các trường căn cứ vào đó để xây dựng điểm xét tuyển.

Trả lời câu hỏi vấn đề mở rộng thành phần ra đề thi có đại diện doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: 

Việc ra đề thi phải có chuyên môn. Ngay cả việc chuyển đề thi từ kiểm tra kiến thức học thuộc lòng sang đề thi đánh giá năng lực là cả một khoa học: Ra câu hỏi như thế nào để kiểm tra được năng lực chứ không chỉ kiểm tra được kiến thức học thuộc.

Nên không thể mời kỹ sư, doanh nghiệp để ra đề thi. Đó là chưa nói tới trách nhiệm của những người làm công tác ra đề.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ