Không bất ngờ, bỡ ngỡ
PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng - cho biết: Bắt đầu triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD - ĐT, nhà trường đã quán triệt nội dung cho giảng viên, nhân viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng đã trực tiếp làm việc với nhà trường.
Bên cạnh đó, trường mời chuyên gia Ban Tuyên giáo, các chuyên gia trong Ban Soạn thảo về đổi mới chương trình, SGK về làm việc, đồng thời tổ chức nhiều hội thảo quán triệt Nghị quyết 29 và những nội dung đổi mới từ đầu năm 2014 đến nay.
Từ đó, nhà trường đặt vấn đề đổi mới mô hình và chương trình đào tạo thực hành nhằm hướng đến hoạt động đào tạo, sản phẩm đầu ra của nhà trường gắn với làm sao cho nhà trường gắn với việc đổi mới chương trình phổ thông và SGK mới.
Về đổi mới trong thi cử, trường đã nắm bắt từ khi có ý kiến chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt trong trường sư phạm, hàng năm cán bộ nhà trường tham gia đông đảo vào công tác tuyển sinh, theo đó tinh thần đổi mới như thế nào đã nắm bắt từ 1 – 2 năm trước.
Chính bởi vậy, khi nắm được tinh thần của đổi mới thi, tuyển sinh, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã họp phổ biến đến toàn trường để sẵn sàng tham gia.
Chủ động phối hợp chuẩn bị công tác tổ chức cụm thi
Tổ chức cụm thi THPT quốc gia - Nhiệm vụ rộng hơn, phức tạp hơn nhưng không bỡ ngỡ với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Chúng tôi không chủ quan, nhưng với kinh nghiệm của nhà trường sẽ nỗ lực để thực hiện.
Khi được giao nhiệm vụ sẽ là một trong các cụm thi với số lượng 35.000 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã phổ biến nội dung và ráo riết triển khai chuẩn bị về địa điểm, cách thức tổ chức, cán bộ coi thi, ban tổ chức, khâu chuẩn bị đề, in sao ở đâu…
Tự tin nhưng không chủ quan, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã lên phương án tổ chức, các giải pháp giải quyết khó khăn khi tổ chức cụm thi kỳ thi THPT quốc gia đầu tiên.
Đó là trước đây thí sinh thi vào trường khoảng 25.000. Từ 5 năm trở lại đây là 16.000 thí sinh. Nếu chủ trì cụm thi 35.000 thí sinh sẽ phức tạp hơn cả về cơ sở vật chất, nhân lực. Tuy nhiên, trên tổng thể tổ chức, nhà trường sẽ có sự hỗ trợ quan trọng từ Sở GD&ĐT Hà Nội.
Về cơ sở vật chất, Trường ĐH Sư phạm đã lên kế hoạch ngay trong tuần thứ 3 của tháng 12 làm việc với địa bàn Bắc - Nam Từ Liêm, Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông... - các đơn vị gần cụm thi. Sau đó lên phương án người coi thi, lên lịch làm việc với Sở GD&ĐT Hà Nội.
Bổ sung cho đội ngũ coi thi, theo cách làm mỗi mùa tuyển sinh, nhà trường điều động đội ngũ học viên cao học, nghiên cứu sinh, sinh viên năm thứ ba; cùng đó tăng thành phần cán bộ giám sát, thanh tra, kiểm tra, ước tính có thể gấp 3 mọi năm.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng đã lên phương án cùng công an thành phố để chuyển đề thi, xe, thời điểm chuyển đề...
Được biết, KTX nhà trường chứa 2.400 chỗ ở. Ngoài ra, trường còn liên hệ với Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Thương mại, Học viện Báo chí Tuyên truyền - những cơ sở đều có KTX để lo chỗ ở cho thí sinh.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt: Tất cả vì thuận lợi cho thí sinh
PGS Minh chia sẻ: Chúng tôi coi việc làm giám thị các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ là nhiệm vụ chính trị, là nhiệm vụ của những người làm công tác trồng người, không ai so bì, kêu ca. Chúng tôi làm việc này không tính toán.
Những năm vừa qua, trường đều bù lỗ cho các kỳ thi tuyển sinh. Với một kỳ thi quốc gia như năm nay, chắc chắn Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính sẽ có những hỗ trợ.
Sợi chỉ đỏ là tất cả vì thuận lợi cho thí sinh - Đây là tâm niệm của PGS Nguyễn Văn Minh và lãnh đạo, giảng viên, cán bộ Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khi tham gia tổ chức cụm thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay.