Các nội dung liên quan đến kỳ thi đều hướng có lợi cho người học và các nhà trường. Điều cần thiết lúc này là sự thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm vào cuộc của các thầy cô giáo và nhà trường.
TS Nguyễn Cao Chương – Phó Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội:
Cần phải coi đổi mới của kỳ thi này như chất xúc tác tạo sự chuyển biến trong toàn hệ thống giáo dục, không chỉ các nhà trường, học sinh mà cả các cấp quản lý cùng phải chung tay góp sức cho thành công chung đầy ý nghĩa này.
Các phương án của kỳ thi đưa ra là những nghiên cứu, tính toán chi tiết để đảm bảo Kỳ thi THPT quốc gia thành công. Với các nội dung thi, cách ra đề đều hướng tới đảm bảo quyền lợi và đánh giá đúng năng lực học tập của thí sinh.
Tôi hoàn toàn tán thành với việc Bộ GD&ĐT mở rộng thang điểm từ 10 sang 20. Với thang điểm này sẽ đánh giá sát hơn năng lực của người học và giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh đúng người. Cần phải thấy rằng, đây là kỳ thi kép mà kết quả thi sẽ dùng vừa để xét tốt nghiệp và cũng để tuyển sinh ĐH, CĐ nên càng chi tiết càng tốt.
Cứ thử hình dung, nếu như cách thức trước đây cho điểm theo thang 10 mà chi tiết là 0,5 các trường ĐH, CĐ đã gặp không ít rắc rối vì nhiều thí sinh điểm ngang nhau.
Chuyện tuyển quá chỉ tiêu cho phép một phần cũng từ nguyên nhân này mà ra. Nay với thang điểm 20, chấm thi sẽ chi tiết hơn, có thể lựa chọn người học với độ chênh 0,25 điểm, sẽ giảm thiểu số thí sinh có điểm ngang nhau như thang điểm 10 trước đây.
Đến thời điểm này, tôi hoàn toàn tin tưởng vào thành công của kỳ thi. Tôi chỉ còn băn khoăn chút là Bộ tính toán xem, nên chăng có thể thành lập mỗi tỉnh một hội đồng thi. Nếu có học sinh năm nay gia đình và các em thấy chưa đủ điều kiện để đi học ĐH, CĐ nhưng năm sau em và gia đình lại có nguyện vọng thì sao.
Rõ ràng mục đích của Bộ là hết sức tốt đẹp, nhằm tiết kiệm chi phí cho xã hội, giảm bớt gánh nặng cho những gia đình, học sinh ở vùng khó khăn không có nhu cầu tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ trong năm nay. Nhưng nếu như vậy thì lại thiệt thòi cho những học sinh nếu sau này có nguyện vọng học lên cao hơn.
Thạc sĩ Vũ Đức Thọ - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định:
Qua nghiên cứu và đánh giá Dự thảo được đưa ra, bằng quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là giáo viên và học sinh, chúng tôi có cơ sở để tin vào thành công của Kỳ thi THPT quốc gia 2015.
Theo như các công bố của Bộ GD&ĐT thì nội dung đề thi THPT quốc gia năm 2015 không chỉ đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh tốt mà còn đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.
Nội dung đề thi vẫn tiếp tục theo hướng đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế tiến bộ về chất lượng dạy học qua từng năm.
Việc đề thi sẽ tiếp tục sử dụng các câu hỏi với 4 mức yêu cầu là: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao; yêu cầu vận dụng kiến thức tổng hợp, trả lời các câu hỏi mở chứ không đặt nặng việc ghi nhớ máy móc số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn.
Sau khi trao đổi trong hội đồng sư phạm nhà trường, chúng tôi đều nhất trí cao với cách thức ra đề như vậy sẽ góp phần tác động lớn thay đổi cách dạy và học trong nhà trường như hiện nay. Đối với các em học sinh, từ nay việc học không chỉ còn là nhớ và hiểu kiến thức mà quan trọng là phải nắm chắc những ứng dụng của kiến thức đó vào giải quyết những vấn đề mang tính thực tiễn.
Còn đối với giáo viên, chắc chắn các thầy cô sẽ không thể cứ mãi đọc – chép được mà phải thay đổi cách dạy là hướng học sinh đến tư duy và ứng dụng thực tế nhiều hơn.
NGƯT Vũ Thế Hưng- Hiệu trưởng Trường THPT A Hải Hậu, Nam Định:
Giáo viên và học sinh Trường THPT A Hải Hậu đã sẵn sàng tâm thế tốt nhất để bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2015. Cả tập thể ban giám hiệu, hội đồng sư phạm đều thể hiện quyết tâm cao, bằng việc chúng tôi cho triển khai hoạt động chuyên môn, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho cả giáo viên và học sinh về ý nghĩa và tầm quan trọng của kỳ thi.
Vấn đề mà giáo viên và học sinh còn quan tâm nhiều nhất hiện nay là các nội dung thi, cho dù theo đánh giá của các em cũng như giáo viên thì với một trường có bề dày về chất lượng như THPT A Hải Hậu thì đích đến của các em là giảng đường đại học chứ không phải chỉ là tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là nhập cuộc và tuyệt đối không được chủ quan. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi, song song với việc quán triệt tinh thần của kỳ thi, nhà trường và các tổ bộ môn cũng đi sâu đi sát hơn để cùng trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến chuyên môn.
Nhiều nội dung dự thảo đưa ra đã được lấy ý kiến trong các tổ chuyên môn, đặc biệt đối với các câu hỏi về thí nghiệm, chúng tôi bám vào các nội dung như trong sách giáo khoa, đồng thời triển khai thực hành trên những thiết bị dạy học đã được trang bị.
Tôi cho rằng, chỉ có tính tích hợp 2 trong 1 của kỳ thi là mới thôi chứ còn các nội dung thi đều đã quá quen thuộc với giáo viên và học sinh vì từ nhiều năm nay, Bộ đã chỉ đạo và hướng dẫn các nhà trường đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh.
Kể từ năm 2010, các nhà trường và giáo viên cũng đã được hướng dẫn biên soạn đề thi kiểm tra với 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao như nội dung đề thi năm nay. Năm 2014, việc này đã được triển khai, học sinh đã đáp ứng tốt những yêu cầu của đề thi theo hướng đổi mới theo yêu cầu.
Thạc sĩ Nguyễn Tuấn Nghĩa – Hiệu trưởng Trường THPT Tiên Yên, Quảng Ninh:
Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ, mới nghe thì giáo viên và học sinh cũng có chút băn khoăn vì tính tích hợp 2 trong 1 của kỳ thi.
Với những học sinh có sức học tốt thì không có vấn đề gì, điều các em hướng đến là giảng đường ĐH, còn với học sinh có lực học trung bình yếu thì các em lo lắng là đề thi cũng để tuyển sinh ĐH, sợ khó hơn, thì mình có làm nổi không.
Nhưng những lo lắng trên đã được giải tỏa sau khi Dự thảo Kỳ thi THPT quốc gia được đưa ra cùng với những giải đáp thắc mắc của lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục và Vụ Giáo dục Trung học.
Thực tế cho thấy, đề thi tốt nghiệp THPT nhiều năm qua đều được làm rất đơn giản, đảm bảo học sinh có lực học trung bình là có thể làm được. Còn đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, khác chăng là độ phân hóa của đề thi từ dễ đến khó nhằm mục đích phân loại người học.
Hội đồng sư phạm nhà trường đã quán triệt để giáo viên giải thích với học sinh, giúp các em hiểu rằng: Đề thi sẽ không quá khó mà trải đều từ dễ đến khó. Thí sinh có lực học trung bình vẫn làm với mức độ vừa phải, còn thí sinh có sức học tốt thì sẽ làm bài tốt hơn. Đề ra như vậy để đảm bảo tính tích hợp 2 trong 1 của kỳ thi, không chỉ đánh giá tốt nghiệp THPT mà còn để các trường tuyển sinh ĐH, CĐ.
Là một trường miền núi, có nhiều học sinh người dân tộc thiểu số nên học sinh và giáo viên cũng không khỏi lo lắng, nhưng sau khi bàn thảo thì những lo lắng trên đều đã được giải tỏa.
Mọi người đều chung quan điểm, đề thi chắc chắn sẽ không có gì bất ngờ đối với thí sinh, kể cả đề được ra theo hướng mở vì thực tế là những năm gần đây các em đã có quá trình làm quen với cách thức ra đề thi thế này rồi. Tôi chắc là học sinh cũng không bất ngờ vì Dự thảo đưa ra sớm, giáo viên và học sinh cùng có thời gian chuẩn bị trong cả năm học.