9 điểm tựa vững chắc của kỳ thi THPT Quốc gia

GD&TĐ - Chiều nay (18/12), ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, các chuyên gia đã điểm danh 9 điểm tựa vững chắc từ Dự thảo Quy chế đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công bằng và độ tin cậy của kết quả thi.

9 điểm tựa vững chắc của kỳ thi THPT Quốc gia

1. Thời gian tổ chức kỳ thi tạo thuận lợi cho thí sinh

Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 1,2,3,4 /7/2015.   

Trước đó, theo Quyết định số 3538/QĐ-BGDĐT, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào các ngày 9, 10, 11, 12/6/ 2015. 

Tuy nhiên, theo nguyện vọng của đông đảo học sinh và các nhà trường đề nghị tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào đầu tháng 7, như thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm trước đây. Điều này sẽ tạo sự ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh và có thêm thời gian để các em ôn tập, hệ thống hóa kiến thức, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

Mặt khác, với thời gian thi vào đầu tháng 7, các sở GD - ĐT không phải thay đổi kế hoạch năm học đã công bố từ đầu năm, trong đó có việc tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.

2. Tổ chức cụm thi đảm bảo công bằng và độ tin cậy của kỳ thi

Việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây. 

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức theo cụm thi.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định cụm thi tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là tỉnh) và giao cho các trường ĐH chủ trì. Tham gia coi thi, chấm thi là cán bộ, giảng viên ĐH, CĐ và giáo viên THPT;

Cụm thi có nhiệm vụ tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh (cụm thi liên tỉnh); Đối với những tỉnh có khó khăn, nếu Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị, Bộ GDĐT sẽ xem xét thành lập cụm thi tỉnh cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT;

Việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh hoặc cụm thi tỉnh là giống nhau, theo đúng quy định của quy chế thi, cùng một quy trình và đều do trường ĐH chủ trì nhằm đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước.

Trong thực tế, mô hình tổ chức các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia không phải là việc làm mới. Từ năm 2003, cùng với việc nhiều trường ĐH, CĐ tổ chức thi tuyển sinh vào trường mình, Bộ GD&ĐT đã tổ chức thi theo các cụm thi liên tỉnh ở Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh.

Trên cơ sở những thành công của việc tổ chức các cụm thi, năm 2012, Bộ GD&ĐT tổ chức thêm cụm thi tại Hải Phòng.

Việc tổ chức thi tuyển sinh theo các cụm thi đã được các trường ĐH, CĐ trong cả nước tin tưởng và dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao. Việc mở rộng các cụm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 là kế thừa những ưu điểm của mô hình tổ chức cụm thi trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ trước đây.

3. Giảm áp lực và tốn kém

Kỳ thi THPT quốc gia sẽ góp phần giảm áp lực thi cử và giảm tốn kém cho thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW. Chỉ nhẩm cộng trừ các con số cơ học, dễ dàng thấy được điều này

- Số kỳ thi: Từ năm 2014 trở về trước, thí sinh phải tham dự 2 kỳ thi liền nhau: Thi tốt nghiệp THPT tại địa phương và thi tuyển sinh tại các trường ĐH, CĐ hoặc tại 4 cụm thi liên tỉnh; Số lượng bài thi nhiều hơn: 7 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH một khối (3 bài); 10 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài) và tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài); 13 bài nếu thi tốt nghiệp (4 bài), tuyển sinh ĐH hai khối (6 bài) và tuyển sinh CĐ (3 bài).

Nay, thí sinh dự một kỳ thi, làm 4 bài thi tối thiểu, phổ biến là 5 hoặc 6 bài thi, cá biệt nhiều nhất là 8 bài thi, áp lực thi cử đã giảm đi một nửa.

- Quãng đường thi: Những năm trước đây, các thí sinh dự thi tuyển sinh phải đi đến các trường ĐH, CĐ hoặc đến 4 cụm thi (Cần Thơ, Quy Nhơn, Vinh, Hải Phòng) nên phải đi quãng đường khá xa, gây áp lực giao thông và chi phí cho việc đi lại là khá lớn.

Nay, với việc mở rộng ra thành nhiều cụm thi liên tỉnh và cụm thi tỉnh thì địa điểm dự thi gần hơn sẽ giảm được chi phí đi lại cho thí sinh và gia đình.

- Số ngày thi: Cũng chỉ với những con số tính toán, nhìn vào thời gian thi của thí sinh, trước đây, các em phải thi tốt nghiệp THPT trong 3 ngày, thi tuyển sinh ĐH, CĐ mỗi đợt 3 ngày. Như vậy, thông thường thí sinh sẽ mất 6 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 1 đợt ĐH), 9 ngày (nếu thi tốt nghiệp và 2 đợt ĐH), 12 ngày (nếu thi tốt nghiệp, 2 đợt ĐH và 1 đợt CĐ).

Nay, các em chỉ thi 4 ngày nên giảm được chi phí dự thi.

- Lệ phí thi: Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GDĐT chủ trương duy trì ổn định các mức thu lệ phí như năm 2014, không tăng thêm mức thu để không gây khó khăn cho thí sinh và gia đình.

Cụ thể: Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí; Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia lấy kết quả để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ phải nộp lệ phí tuyển sinh tính theo số môn thí sinh đăng ký dự thi với mức thu giữ ổn định như năm 2014.

- Phí tổ chức thi: Trước đây, các tỉnh sử dụng ngân sách để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; trong kỳ thi THPT quốc gia tới đây, theo thống kê sơ bộ, bình quân cả nước chỉ có khoảng dưới 20% thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Do đó, phần kinh phí dành cho tổ chức thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ giảm hơn nhiều so với các năm trước.

Bộ GD&ĐT đề nghị các tỉnh sử dụng nguồn ngân sách này cùng với làm tốt công tác xã hội hóa để tạo điều kiện đưa các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT đến các cụm thi dự thi một cách an toàn, thuận lợi.

4. Đề thi theo định hướng đánh giá năng lực học sinh, tác động tích cực đến việc dạy và học trong các nhà trường

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014.   

Đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 đã có bước chuyển mạnh theo hướng đánh giá năng lực học sinh. Đề thi sử dụng các câu hỏi vận dụng, các câu hỏi mở đòi hỏi thí sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp và kinh nghiệm sống để trả lời chứ không yêu cầu phải ghi nhớ máy móc các số liệu, sự kiện hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn. 

Đề thi theo hướng này đã hạn chế việc sử dụng tài liệu trong phòng thi, góp phần khắc phục việc dạy thêm, học thêm tràn lan.

Đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Nội dung đề thi trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đề thi đảm bảo phân hoá trình độ thí sinh và phải đạt được 2 mục đích là xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ.

Đề thi theo hướng này sẽ tác động tích cực đến việc đổi mới dạy, học và kiểm tra, đánh giá ở các nhà trường phổ thông.

5. Miễn thi môn Ngoại ngữ để xét tốt nghiệp THPT tạo động lực thay đổi cách dạy, học ngoại ngữ

Việc miễn thi môn Ngoại ngữ cho các thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín để xét công nhận tốt nghiệp nhằm tạo động lực để thay đổi cách dạy, học và thi môn Ngoại ngữ theo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.  

Thí sinh có các chứng chỉ quốc tế có uy tín theo quy định tại Công văn số 6031/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 23/10/2014 sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Việc công nhận tốt nghiệp THPT căn cứ vào kết quả học tập lớp 12 và tổng điểm các môn thi (điểm mỗi môn thi phải lớn hơn mức tối thiểu theo quy định). Do vậy, phải quy đổi ra điểm đối với môn Ngoại ngữ của thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp THPT;

Thí sinh phải có chứng chỉ tương đương với trình độ từ bậc 3 (khung 6 bậc dùng cho Việt Nam) trở lên mới được miễn thi. Trình độ này cao hơn nhiều so với yêu cầu về ngoại ngữ đối với học sinh hoàn thành chương trình THPT. Do đó, các thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ dự kiến sẽ được nhận điểm tối đa môn Ngoại ngữ khi xét công nhận tốt nghiệp THPT;

Điểm quy đổi này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; thí sinh muốn sử dụng kết quả môn Ngoại ngữ để xét tuyển vào những trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để tuyển sinh phải dự thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia;

6. Khắc phục tình trạng học lệch

Phương thức thi mới sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu kết hợp với kết quả học tập tất cả các môn học ở lớp 12 của học sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT. 

Thực tế hiện nay học sinh đang học lệch theo các môn thi tốt nghiệp THPT và các khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ do học sinh tự chọn. Để khắc phục một phần tình trạng này, trước đây Bộ GD&ĐT chỉ công bố môn thi vào 31/3 hàng năm. 

Tuy nhiên, học sinh vẫn dự đoán được môn thi tốt nghiệp; ví dụ, năm trước thi môn Lịch sử thì năm sau sẽ không thi Lịch sử nữa mà có thể là môn Địa lí.

Phương thức thi mới sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu kết hợp với kết quả học tập tất cả các môn học ở lớp 12 của học sinh để xét công nhận tốt nghiệp THPT. 

Điều này khắc phục tình trạng học lệch của học sinh, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

7. Đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo Bộ GD&ĐT và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng trước ít nhất 3 năm.   

Sau khi có kết quả thi, thí sinh mới đăng ký tuyển sinh vào các ngành của trường ĐH, CĐ (sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu và các môn thi tự chọn khác theo nguyện vọng). 

Việc này giúp thí sinh được tuyển vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi của mình và các trường tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo, tránh sự rủi ro như những năm trước đây đã có trường hợp thí sinh thi đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH.

Các trường ĐH, CĐ có quyền tự lựa chọn các môn thi để tuyển sinh thay cho các môn thi theo khối mà Bộ GD&ĐT quy định chung cho tất cả các trường như trước đây. 

Xu thế thay đổi này là khách quan, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nguồn nhân lực. Việc thiết lập các tổ hợp môn thi mới thực hiện theo Công văn số 5151/BGDĐT-KTKĐCLGD ngày 19 tháng 9 năm 2014

Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển cho các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi trước đây, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các khối thi mới.

8. Phát huy vai trò của các tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư trong kỳ thi

Sở GD&ĐT đóng vai trò quan trọng trong các khâu tổ chức thi   

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia để chỉ đạo thi trong phạm vi cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh nơi đặt cụm thi thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh để chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các cơ sở giáo dục trên địa bàn phối hợp, hỗ trợ, đảm bảo các điều kiện cần thiết cho kỳ thi.

Sở GD&ĐT đóng vai trò quan trọng trong các khâu tổ chức thi: Chỉ đạo và kiểm tra việc hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh ở các nhà trường phổ thông; tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, quản lý hồ sơ đăng ký dự thi và gửi dữ liệu đăng ký về Bộ GDĐT; chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất cho kỳ thi; phối hợp với trường ĐH chủ trì cụm thi tổ chức kỳ thi; điều động cán bộ, giáo viên tham gia coi thi, chấm thi, thanh tra thi; tổ chức xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp THPT cho thí sinh đăng ký tại tỉnh mình; phối hợp với các trường ĐH chủ trì cụm thi chuyển kết quả thi cho thí sinh.

9. Sử dụng thang điểm 20, đáp ứng yêu cầu phân hóa cao kết quả thi

Việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.    

Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời làm căn cứ để các trường ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh. 

Để đạt được mục đích nói trên thì yêu cầu phân hóa trình độ của thí sinh được phản ánh qua kết quả các môn thi trong kỳ thi phải được đặt ra ở mức độ cao hơn so với các kỳ thi riêng biệt như những năm trước (kỳ thi TN THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ).

Để giúp các trường ĐH, CĐ tuyển sinh được những thí sinh phù hợp với nguồn lực, chất lượng đào tạo, uy tín và đẳng cấp của trường khá đa dạng như hiện nay thì kết quả các môn thi phải có độ phân hóa cao. Để có độ phân hóa cao, chất lượng đề thi đóng vai trò rất quan trọng, đồng thời công tác coi thi, chấm thi cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến kết quả thi của thí sinh.

Do vậy, việc mở rộng từ thang điểm 10 sang thang điểm 20 sẽ giúp công tác chấm thi phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh, hỗ trợ tốt cho công tác xét tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ. 

Với các lý do nói trên, Bộ GD&ĐT chủ trương sử dụng thang điểm 20 trong kỳ thi THPT quốc gia.

Quyết định phương án thi - Những con số ấn tượng

Trong quá trình xây dựng Phương án, Bộ GD&ĐT đã lấy ý kiến đóng góp trên diện rộng với các nhóm đối tượng chính gồm: 

24: Giám đốc các sở GD&ĐT, Hiệu trưởng trường ĐH, CĐ;

142: Lãnh đạo các sở GD&ĐT;

120: Trường ĐH, CĐ;

2.788: Trường THPT và Trung tâm GDTX; 

137.379: Cán bộ quản lý và giáo viên; 

929.584: Học sinh thuộc 63 Sở GD&ĐT và Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng)

Các chuyên gia, phóng viên báo, đài. 

Kết quả thăm dò đã được tổng hợp và phân tích khách quan là một căn cứ quan trọng để Bộ GD&ĐT quyết định Phương án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ