Thay đổi phương thức tuyển sinh để nâng cao chất lượng giáo dục

GD&TĐ - Sau 11 năm duy trì hình thức xét tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, Quảng Nam dự kiến tổ chức thi tuyển từ năm học 2024 - 2025.

Học sinh thuyết trình về dự án trong Ngày hội triển lãm và trải nghiệm STEM do Phòng GD&ĐT Tam Kỳ tổ chức. Nguồn: Phòng GĐ&ĐT Tam Kỳ
Học sinh thuyết trình về dự án trong Ngày hội triển lãm và trải nghiệm STEM do Phòng GD&ĐT Tam Kỳ tổ chức. Nguồn: Phòng GĐ&ĐT Tam Kỳ

Theo đại diện Sở GD&ĐT Quảng Nam, xét tuyển theo phân tuyến trong những năm qua bộc lộ nhiều hạn chế và hệ lụy ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Học sinh thiếu động cơ học tập

Ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: Từ năm học 2021 - 2022 đến nay, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 của toàn tỉnh là 80%. Trong khi đó, từ năm học 2017 – 2018 trở về trước, tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 là 95% học sinh tốt nghiệp THCS đối với đồng bằng và 100% đối với miền núi. Vì vậy, nếu tiếp tục áp dụng phương thức xét tuyển như trước đây là không công bằng đối với học sinh giữa các trường THCS.

Ông Đỗ Quang Khôi phân tích: “Mỗi học sinh chỉ có một cơ hội vào học lớp 10 THPT công lập. Những em có kết quả học tập tốt nếu không trúng tuyển vào trường theo phân tuyến thì không còn cơ hội để vào học lớp 10 công lập trong khi điểm xét tuyển đủ để trúng tuyển vào trường khác”.

Hình thức xét tuyển theo nguyên tắc phân tuyến đến trường THCS trong những năm qua bộc lộ nhiều hạn chế và có hệ lụy nhất định. Chẳng hạn, việc đánh giá, xếp loại học sinh chưa đúng thực chất do giáo viên, nhà trường mong muốn trò có kết quả cao để được vào học lớp 10 công lập. Từ đó làm cho người học thiếu động lực học tập, không đảm bảo khách quan, công bằng khi xếp loại trong nhà trường và giữa các trường với nhau.

Điều này có thể thấy rõ qua phân tích dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Ông Khôi dẫn chứng: “Trong 63 tỉnh, thành phố có 44 tỉnh tổ chức thi tuyển, 11 tỉnh chọn phương thức kết hợp thi tuyển và xét tuyển, chỉ có 8 tỉnh chọn phương thức xét tuyển, trong đó có Quảng Nam. 5 trong số 8 tỉnh tuyển sinh lớp 10 bằng phương thức xét tuyển có điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp thấp hơn so với điểm trung bình chung của cả nước, Quảng Nam nằm trong số này”.

Ngoài 2 Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và Lê Thánh Tôn phải thi tuyển đầu vào, từ năm học 2017 - 2018, tuyển sinh lớp 10 vào Trường Phổ thông DTNT tỉnh được thay đổi phương thức xét tuyển sang thi tuyển, lấy chỉ tiêu toàn tỉnh, không phân biệt địa bàn huyện như trước.

Theo nhận xét của thầy Lê Đức Sơn - Hiệu trưởng nhà trường, kể từ khi áp dụng hình thức thi tuyển, chất lượng giáo dục của trường được nâng lên khá rõ. Tỷ lệ học sinh khá giỏi đạt trên 60% (trước đây 50%), không có em nào xếp loại học lực yếu và cũng không có trình trạng bỏ học giữa chừng. Thầy Sơn cho rằng, thi tuyển cạnh tranh giúp chất lượng đầu vào cao và đồng đều hơn. Những học sinh trúng tuyển đều có ý thức học tập khá tốt nên chất lượng giáo dục của trường ngày càng đi lên.

Học sinh Trường THCS Trà Mai tham gia hội thi Hùng biện câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật năm học 2023 – 2024. (Ảnh: NTCC)

Học sinh Trường THCS Trà Mai tham gia hội thi Hùng biện câu chuyện tình huống đạo đức và pháp luật năm học 2023 – 2024. (Ảnh: NTCC)

Đảm bảo quyền lợi cho người học

Bà Trần Thị Kim Vân - Trưởng phòng GĐ&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết, các trường THCS trên địa bàn đang lấy ý kiến của phụ huynh về phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 theo hướng dẫn của sở GD&ĐT. Theo thăm dò, đa phần phụ huynh mong muốn kỳ thi tuyển sinh năm học 2024 - 2025 giữ nguyên phương án xét tuyển như hiện nay.

“Dù từ đầu năm học, ban giám hiệu các trường đã phổ biến trong hội đồng sư phạm và truyền thông đến phụ huynh về dự kiến thay đổi phương thức tuyển sinh vào lớp 10 từ xét tuyển sang thi tuyển. Phụ huynh, học sinh và giáo viên cũng có sự chuẩn bị tinh thần. Tuy nhiên, tâm lý chung vẫn mong muốn đến năm học 2025 - 2026, học sinh lứa đầu tiên của Chương trình GDPT 2018 mới áp dụng sẽ hợp lý, hợp tình hơn”, bà Kim Vân trao đổi.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Hoàng Điệp - Hiệu trưởng Trường THCS Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho hay: “Qua lấy ý kiến của phụ huynh, đa phần mong muốn tuyển sinh vào lớp 10 theo hình thức kết hợp cả thi tuyển và xét tuyển. Chúng tôi cũng thấy đây là cách hợp lý vì kết hợp được cả quá trình 4 năm học THCS của học sinh sẽ toàn diện hơn, tránh được học lệch”.

Chia sẻ về phương thức thi tuyển, bà Trần Thị Kim Vân đề xuất, nếu áp dụng trong năm 2024, sở GD&ĐT cần công bố sớm. Ngoài ra, sớm có ma trận đề, đề thi minh họa… để giáo viên và học sinh có thể hình dung được trọng tâm kiến thức, mức độ phân hóa của đề nhằm định hướng cho công tác ôn tập.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam trao đổi, về cơ bản, tỉnh thống nhất với phương án thi tuyển của sở GD&ĐT đề xuất. Tuy nhiên, yêu cầu của giáo dục là chất lượng đặt lên hàng đầu. Vì vậy, phương án thi tuyển phải lấy thêm ý kiến của các sở, ngành, địa phương. Đề nghị sở GD&ĐT nhanh chóng tổ chức thực hiện, báo cáo UBND tỉnh quyết định.

Theo phương án mới, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của tỉnh Quảng Nam sẽ gồm 3 môn thi: Toán, Ngữ văn và Anh văn. Dự kiến, khoảng 25.000 học sinh lớp 9 sẽ tham gia kỳ thi vào năm 2024. Kinh phí tổ chức kỳ thi khoảng 7 tỷ đồng.

Thầy Nguyễn Tự Lực - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho rằng, thay đổi phương thức tuyển sinh từ xét tuyển qua thi tuyển là cần thiết. Vài năm gần đây xuất hiện tình trạng một số trường làm đẹp học bạ để tăng tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào lớp 10.

“Đánh giá, cho điểm của các trường THCS khó có thể đều tay. Như trường chúng tôi, tỷ lệ học sinh khá, giỏi thấp hơn một số trường trong khu vực, vì vậy chỉ có khoảng 75 - 80% học sinh vào được lớp 10 đại trà. Thế nhưng, số học sinh của trường thi đỗ vào Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn cao hơn các trường khác”, thầy Nguyễn Tự Lực nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vnedu.vn tra điểm thi học kỳTuyển sinh ngành an ninh mạng Đại học Duy Tân