Thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Huyện Kon Rẫy (Kon Tum) có gần 67% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Mặc dù được sự quan tâm của các cấp, ngành… và hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, tuy nhiên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Bởi trình độ dân trí còn hạn chế, bà con chưa biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất và còn trông chờ vào những chính sách hỗ trợ…
Mong muốn cuộc sống bà con đổi thay, huyện Kon Rẫy đẩy mạnh công tác tuyên truyền để “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đó, địa phương vận động, hướng dẫn đồng bào DTTS sử dụng hiệu quả nguồn lực của gia đình, vốn vay để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, học tập và triển khai các mô hình sản xuất hiệu quả… Đồng thời hướng dẫn người dân chuyển đổi các loại cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, vận động bà con tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng dược liệu, xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp...
Cùng với việc tuyên truyền, UBND huyện Kon Rẫy còn chỉ đạo các ngành, địa phương quan tâm xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực. Đến nay, toàn huyện có 57 mô hình với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,26 tỷ đồng.
Một số mô hình hoạt động hiệu quả và tạo sự lan toả, như: Mô hình “Vệ sinh môi trường và cải tạo vườn tạp” tại thôn Kon Đó (xã Đăk Kôi), Mô hình “Nuôi gà sạch” tại thôn 5 (thị trấn Đăk Rve), Mô hình “Chổi đót” tại Thôn 7 (xã Đăk Tơ Lung), Mô hình “Tiết kiệm nuôi heo đất – San sẻ yêu thương” tại thôn 3 (xã Đăk Tờ Re)…
Với những nỗ lực của các cơ quan ban ngành và sự cố gắng của bà con, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” có nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, có 30,82% hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục lạc hậu, không còn trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước. 39,16% hộ biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện của địa phương. Có 15,73% hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn huyện.
Đặc biệt, có 16,61% hộ có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình của người DTTS trong huyện.
Hiện nay, huyện chỉ còn 1.196 hộ nghèo DTTS (chiếm 25% so với tổng số hộ DTTS) và 845 hộ cận nghèo DTTS (chiếm 17,37% so với tổng số hộ DTTS).
Viết đơn xin thoát nghèo
Gia đình chị Y Ngực tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo năm 2020. |
Cuộc sống dần đổi thay, mong muốn nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho những gia đình khó khăn hơn, chị Y Yang (27 tuổi, thôn Kon Jri Pen, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy) viết đơn xin thoát nghèo.
Chị Y Yang cho hay, gia đình chị có 4ha mì trồng trọt quanh năm cũng chỉ đủ cho mấy miệng ăn. Cuộc sống khó khăn nên gia đình nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, các cấp chính quyền trong việc hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt và vay vốn phát triển kinh tế.
Năm 2017, dù cuộc sống vẫn còn nhiều cơ cực nhưng vợ chồng chị quyết tâm viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ cho những hộ khó khăn hơn. Sau khi “thoát nghèo” hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, cố gắng học hỏi, áp dụng khoa học - kỹ thuật và sản xuất. Đến nay, gia đình chị Y Yang đã phát triển lên 7ha mì, 2ha cao su và trồng thêm rau, nuôi gà nên mỗi năm đều có khoản dư để tiết kiệm.
Tương tự, trước kia gia đình chị Y Ngực (29 tuổi, thôn Kon Jri Pen, xã Đăk Tờ Re) là một trong những hộ nghèo, khó khăn nhất địa phương.
Chị Y Ngực kể, khi hai vợ chồng mới cưới nhau chỉ có vài sào đất trồng mì nên chẳng đủ ăn. Hai vợ chồng đi làm thuê, cuốc mướn thêm để duy trì cuộc sống và lo cho con nhỏ. Không muốn nghèo đói mãi đeo bám, hai vợ chồng tiết kiệm và vay vốn ngân hàng để mua thêm đất trồng cao su, keo… Nhờ chăm chỉ làm ăn, đến nay vợ chồng chị có 1ha cao su, 2ha mì và lo cho 3 người con ăn học đến nơi, đến chốn. Năm 2020, gia đình chị cũng tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy cho biết, các chương trình, chính sách đã gắn việc hỗ trợ với tuyên truyền vận động làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của người dân nghèo. Từ cuộc sống khó khăn, bà con đã thay đổi nhận thức, vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế. Ở khắp các thôn làng, thay vì những con đường đất đã khoác lên mình tấm áo mới khang trang, sạch đẹp hơn.