Giúp dân thoát nghèo
Thôn Đăk Pung (xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô, Kon Tum) có 162 hộ với 725 khẩu, trong đó 98% là người DTTS. Không những thế, thôn có tỉ lệ hộ nghèo cao, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất chưa nhiều.
Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người dân, năm 2013 sau khi tốt nghiệp ngành Dịch vụ pháp lý - Trường Cao đẳng Phương Đông Đà Nẵng anh A Định (SN 1991, người Xơ Đăng) trở về địa phương với mong muốn góp sức xây dựng quê hương. Tại đây, anh Định tích cực tham gia các các hoạt động, phong trào của Hội nông dân xã Đăk Rơ Nga. Với sự nhiệt tình, năng nổ của mình anh Định được bầu làm Chi Hội trưởng hội nông dân thôn Đăk Pung vào tháng 8/2013.
Với nhiều đóng góp, năm 2015 sau khi được bầu làm trưởng thôn anh trăn trở tìm giải pháp giúp người dân thoát nghèo. Hai năm sau đó anh Định vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến năm 2020, anh Định đảm nhiệm thêm vai trò là Bí thư chi bộ thôn.
Qua các cuộc họp, cán bộ, Đảng viên và hội viên thống nhất thành lập 4 nhóm tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế. Trong từng nhóm, người đứng đầu là các Đảng viên, còn hội viên các đoàn thể làm nòng cốt phát huy tính gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động. Cùng với đó, anh Định và Đảng viên trong Chi bộ vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất.
Để bà con tin tưởng, anh A Định tiên phong trong phát triển kinh tế và duy trì lối sống lành mạnh, văn minh. Số đất của gia đình, anh Định trồng 2ha cây mắc ca, 4 ha mỳ, 1 ha cao su, 600 cây cà phê và chăn nuôi bò sinh sản, gia súc gia cầm. Bên cạnh đó anh còn mở một đại lý phân bón nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của bà con trong thôn, xã. Hàng năm gia đình anh thu nhập hơn 170 triệu nên cuộc sống ổn định hơn.
Nhận thấy anh Định làm kinh tế giỏi, nhiều người dân tìm đến học hỏi và tham gia các nhóm tương trợ.
Trước đây, gia đình anh A Klép (thôn Đăk Pung) có cuộc sống khá khó khăn khi không có vốn và kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Khi nhìn thấy mô hình hiệu quả và được anh A Định tuyên truyền, vận động anh A Klép đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách để trồng cà phê, nuôi bò.
“Gia đình tôi xưa kia thuộc diện hộ nghèo, kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Không muốn cuộc sống cứ đói nghèo mãi, được cán bộ hỗ trợ năm 2017 tôi quyết vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Sau 2 năm áp dụng kĩ thuật vào sản xuất, chăn nuôi cuộc sống đã ổn định. Năm 2019 tôi cũng chủ động viết đơn ra khỏi hộ nghèo để nhường các chế độ hỗ trợ cho gia đình khó khăn khác. Giờ đây, mỗi năm tôi thu nhập được khoảng 150 triệu đồng”, anh A Klép nói.
Gương sáng để học tập, noi theo
Mô hình nuôi heo giúp phát triển kinh tế. |
Tương tự, A Hang (thôn Đăk Pung) trước đây là gia đình nghèo khó tại địa phương. Cuộc sống bấp bênh nên thường xuyên phải vay mượn khắp nơi. Mặc dù muốn thoát nghèo, nhưng anh Hang chẳng có vốn làm ăn. Lo sợ vay mượn rồi không có khả năng chi trả nên gia đình quanh năm đi làm thuê, cuốc mướn.
Được anh A Định động viên, hướng dẫn cách làm hay nên năm 2018 anh Hang mạnh dạn vay 60 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng cà phê, cao su, mắc ca, mì và nuôi thêm gia cầm như gà, vịt. Đến nay, thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của gia đình anh đạt khoảng 170 triệu đồng/năm. Vào cuối năm 2022 gia đình anh A Hang chính thức thoát nghèo.
Ông A Quang - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Rơ Nga cho hay, thời gian qua A Định luôn làm rất tốt vai trò Bí thư chi bộ kiêm thôn trưởng. Không những vậy, A Định luôn chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế và trở thành tấm gương sáng để bà con học tập và làm theo.
Anh A Định cũng nhiều năm liền được các cấp tặng giấy khen, bằng khen. Đặc biệt, anh A Định vinh dự được lựa chọn tham dự chương trình “Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023” vào tháng 12/2023 tại thủ đô Hà Nội.
Hiện nay, thôn Đăk Pung đã phát triển được một số mô hình kinh tế hiệu quả. Trong đó, trồng, chăm sóc và phát triển cây mắc ca với 13 ha, cây cao su hơn 80 ha, cây cà phê 22ha... và chăn nuôi gia súc, gia cầm với trên 2.800 con. Thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 20 triệu đồng/năm, hiện thôn còn 47 hộ nghèo, giảm 10 hộ so với năm 2022.