Thay đổi đến từ “tôi“

GD&TĐ - Đã đến lúc cần nhìn nhận vấn đề phát triển phẩm chất, năng lực người học trong nhà trường với một tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc, thẳng thắn có tư duy đột phá.

Cô trò Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội)
Cô trò Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội)

Không thể thay đổi bằng kêu gọi, hay đơn thuần là các văn bản, chỉ thị, nghị quyết mà muốn làm tốt việc này, mỗi giáo viên, nhà quản lý giáo dục phải nhận thức được sứ mệnh cao quý của nghề; và cách tốt nhất để thay đổi học sinh phải bắt đầu từ thay đổi chính mình.

Phẩm chất, năng lực không hình thành chỉ qua nghe giảng

Từng nhiều thời gian đứng trên bục giảng, nay là giám đốc một trung tâm giáo dục kỹ năng sống tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), cô Lê Thị Thanh Hà (nguyên giáo viên trường THPT Kon Tum) nhận ra rằng: phẩm chất, năng lực không thể được hình thành chỉ qua việc nghe giảng và tự đọc tài liệu mà phải thông qua các hoạt động tương tác với người khác.

"Nghe giảng, tự đọc tài liệu chỉ giúp học sinh thay đổi nhận thức về một vấn đề nào đó. Nhiều kỹ năng sống được hình thành trong quá trình học sinh tương tác với bạn cùng học và những người xung quanh (kỹ năng thương lượng, kỹ năng giải quyết vấn đề...). Trong khi tham gia các hoạt động có tính tương tác, học sinh có dịp thể hiện các ý tưởng của mình, xem xét ý tưởng của người khác, được đánh giá và xem xét lại những kinh nghiệm sống của mình trước đây theo một cách nhìn nhận khác" - cô Hà chia sẻ.

Từ kinh nghiệm thực tế của bản thân, giải pháp đầu tiên cô Lê Thị Thanh Hà đưa ra nằm ở đội ngũ. Theo đó, phải làm sao để giáo viên thực sự "muốn" thay đổi chứ không phải "bị" thay đổi, và khi đã "muốn" thì trả lời câu hỏi "làm thế nào" rất dễ dàng:

Chúng ta cần thay đổi cách làm, hội tụ và phát huy được nguồn lực đầy sáng tạo và có tính đột phá trong đội ngũ giáo viên, giảng viên, những nhà giáo dục, quản lý giáo dục trong cả nước. Tập hợp được một đội ngũ hạt nhân ở các trường phổ thông, đó là các thầy cô thực sự tâm huyết, được học trò tin yêu.

Các giáo viên này được khảo sát từ học sinh, có thể sẽ không trùng với một số giáo viên cốt cán như lâu nay được thừa nhận. Sau khi được bồi dưỡng sẽ là những hạt nhân lan tỏa. Cũng rất cần tìm ra nội dung và cách thức tối ưu nhất cho việc bồi dưỡng giáo viên. Thiết kế nội dung và cách thức đào tạo và bồi dưỡng giáo viên phải thật sự bứt phá.

Cùng với yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ, theo cô Lê Thị Thanh Hà, cần đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống vào trường học. Các giáo viên dạy kỹ năng sống, giá trị sống phải được đào tạo chuyên nghiệp. Thực hiện xã hội hóa giáo dục dạy giá trị sống và kỹ năng sống. Nhà nước cần có cơ chế rộng mở để khuyến khích, động viên và kích thích những sáng tạo có tính chất đột phá của giáo viên và của xã hội cho đổi mới giáo dục

Bên cạnh đó, phải có chính sách tạo điều kiện về tài lực, vật lực để đủ điều kiện triển khai những sáng tạo hiệu quả đã được xã hội chấp nhận vào công cuộc đổi mới sự nghiệp giáo dục đào tạo.

"Chúng ta thường vinh danh cá nhân trong các cuộc thi, nhưng dường như còn ít để ý đến những giáo viên, nhà nghiên cứu, quản lý dám bứt phá để chuyển mình và hỗ trợ cho cộng đồng. Khi những giá trị thực được trân trọng, nâng đỡ thì sức ảnh hưởng của nó sẽ mạnh mẽ; và khi vòng sóng tích cực lan rộng sẽ phá vỡ được những bảo thủ, trì trệ" - cô Lê Thị Thanh Hà cho hay.

Một tiết học của cô và trò trường THPT Kim Liên
Một tiết học của cô và trò trường THPT Kim Liên

Con đường tốt nhất

Nếu không có đội ngũ nhà giáo chất lượng thì không bao giờ chúng ta có chất lượng giáo dục. Tâm đắc với điều này, cô Hà cho biết, bản thân đã tìm kiếm và tham gia những khóa học để mở mang kiến thức.

Thực tiễn cho thấy, rất nhiều giáo viên tích cực và khát khao đổi mới. Điều đó chứng tỏ: chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện của Đảng, của ngành đã phát huy được tác dụng, đã đánh thức được trái tim người thầy.

Nhiều thầy cô giáo trên khắp mọi miền đã thể hiện đầy sáng tạo trong quá trình dạy học trò và tự nghiên cứu học hỏi, tìm ra quy luật để chia sẻ cho nhau và phục vụ lợi ích của cộng đồng.

"Chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận làn sóng đổi mới lại mạnh mẽ sâu rộng như hiện nay. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận không nhỏ giáo viên còn thụ động chờ đợi cấp trên hướng dẫn và chỉ đạo mà không tự thân vận động tìm đường đổi mới; luôn thấy khó khăn và đổi lỗi, không tự nhận trách nhiệm về mình nên đã không biết cách khai phá chính bản thân mình và họ đang rất hoang mang và không có niềm tin vào đổi mới.

Thay đổi đến từ “tôi” của mỗi người là con đường tốt nhất dẫn đến sự thay đổi của xã hội. Cách mạng bản thân mình bằng cách cách mạng sự học của chính mình và cất lên một tiếng nói, góp vào một giải pháp để thúc đẩy nhanh hơn hành trình tìm kiếm những cái đúng, những “hệ điều hành” hiệu quả cho bản thân và cho xứ sở của mình" - cô Hà bày tỏ.

"Kỹ năng sống và giá trị sống chỉ được hình thành khi người học được trải nghiệm qua các tình huống thực tế. Học sinh chỉ có kỹ năng khi các em tự làm việc đó, chứ không chỉ nói về việc đó. Kinh nghiệm có được khi học sinh được hành động trong các tình huống đa dạng giúp các em dễ dàng sử dụng và điều chỉnh các kỹ năng và thái độ phù hợp với điều kiện thực tế lúc đó phẩm chất và năng lực của các em mới được hình thành" - cô Lê Thị Thanh Hà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú tại cơ quan công an. Ảnh: Công an Kon Tum.

Khởi tố 2 thanh niên cho vay lãi 365%/năm

GD&TĐ - Vũ Đình Công và Đặng Ngọc Phú vào Kon Tum tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất lên đến 365%/năm, gấp 18 lần mức lãi suất quy định.