Chia sẻ dưới đây của TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) - về các phương pháp giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh có khó khăn phần nào trả lời được câu hỏi này.
Tạo niềm tin và động lực
TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, điều đầu tiên cần tạo niềm tin và động lực cho HS rèn luyện phấn đấu hoàn thiện nhân cách.
Với quan niệm "Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những gì được nghe và nói, mà chủ yếu phải được hình thành bởi chính sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân", Trường Đinh Tiên Hoàng đã tổng kết những yếu tố cơ bản tạo nên nhân cách mà nhà giáo dục cần tác động cho HS yếu kém như sau:
Cùng với đó là tạo điều kiện cho người học có động lực tự học tập, tự rèn luyện. Chủ tịch Hội Tâm lý học Hà Nội cho rằng, các nhà sư phạm phải chủ động tìm phương pháp tác động để giúp cho HS tự phấn đấu đạt được những điều tốt đẹp mà chúng mong muốn (cũng chính là mong muốn của các nhà giáo dục và cha mẹ HS).
Như vậy là phải chuyển hóa được những mong muốn của các lực lượng giáo dục thành cái HS cũng mong muốn. Đó chính là nhu cầu và hứng thú cá nhân của HS.
TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra sơ đồ sau để minh họa cho quan điểm của mình như sau:
"Để có hiệu quả giáo dục, nhà sư phạm không thể ngồi chờ HS hứng thú mới giáo dục. Điều quan trọng nhà sư phạm phải tìm được cách tạo ra hứng thú cho mỗi HS.
Muốn đạt được điều đó nhà sư phạm phải mất nhiều công sức, mỗi việc làm đều phải tạo được sự chú ý của HS, giúp HS đạt được kết quả trong từng bước đi nhất định. Nhưng tất cả những việc làm như vậy mới chỉ là những việc làm nhất thời ứng phó.
Cách nào đây để tự HS hướng chú ý của mình vào học tập, rèn luyện. Đó là phải tạo ra cho HS có động lực sống, động lực học tập, rèn luyện. Để làm được điều này nhà sư phạm không chỉ nâng nhận thức, lý tưởng sống cao cả cho HS mà thật sự phải thức tỉnh được hoài bão ước mơ của mỗi HS.
Tạo cho HS một viễn cảnh là tạo cho HS có động lực sống, thôi thúc HS hành động cho những mục tiêu sống cao cả, có vậy HS mới có đủ nghị lực vượt qua những cám dỗ ham muốn tầm thường hàng ngày, tích cực rèn luyện những thói quen tốt" - TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Tạo thói quen tốt
Căn cứ đặc điểm tâm sinh lý, tính cách của HS, qua thử nghiệm ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, TS Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ 5 nguyên tắc ứng xử để tạo ra những thói quen ứng xử tốt, trừ bỏ những thói quen ứng xử không phù hợp với chuẩn mực chung của nhà trường, gia đình, xã hội.
Một là: Các lực lượng giáo dục phải kiên trì chấp nhận những mặt yếu kém của HS.
Hai là: Các lực lượng giáo dục phải khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của HS.
Ba là: Các lực lượng giáo dục phải giúp HS thấy rõ những cái lợi cái hại để HS tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội.
Bốn là: Các lực lượng giáo dục phải giúp HS biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể, cộng đồng.
Năm là: Các lực lượng giáo dục phải biết gieo nhu cầu mới và quan trọng là biết tổ chức cho HS thực hiện dần yêu cầu giáo dục đó:
Từ 5 nguyên tắc ứng xử trên đây với HS, giáo viên Trường Đinh Tiên Hoàng có thể hình thành cho HS có được những thói quen chủ yếu sau đây:
Thói quen sống tự lập, thói quen biết tự học; thói quen sống có kỷ luật; thói quen tôn trọng và bảo vệ của công, giữ vệ sinh chung; thói quen tôn trọng bản thân và người khác; thói quen không nói tục chửi bậy và nhiều thói quen khác…
TS Nguyễn Tùng Tâm cho hay: Những năm gần đây, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng tập trung rèn HS theo “5 tự”; coi đây là “đầu ra” để định giá những phẩm chất năng lực HS cần tích cực rèn luyện có kết quả, đó là: Tự học sáng tạo (mỗi HS phấn đấu thực hiện tốt 4 yêu cầu của tự học: thích học - biết cách học - có thói quen học - học có kết quả); sống tự chủ; sống tự tin; sống tự trọng; tự chịu trách nhiệm.
Tư vấn giáo dục hướng nghiệp cho HS
Cho biết chú trọng tổ chức giáo dục hướng nghiệp, tư vấn hướng nghiệp cho 100% HS của trường, TS Nguyễn Tùng Lâm khái quát con đường tạo cho HS của mình có động lực học, động lực sống theo sơ đồ sau :
Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và rèn ý thức tự học, tự rèn
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống là những chương trình giáo dục tiên tiến, đã được các nước trên thế giới đã áp dụng nhiều năm nay, song ở Việt Nam các trường phổ thông hiện mới chỉ bước đầu vận dụng theo phương pháp tích hợp qua các bộ môn.
Trường Đinh Tiên Hoàng từ năm 2001 đến nay đã áp dụng thành chương trình giáo dục đạo đức bắt buộc cho mọi HS. Kết hợp với việc giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống, HS của trường còn được tổ chức tham gia nhiều hoạt động tập thể để vừa đáp ứng nhu cầu phát triển tâm lý lứa tuổi, vừa tạo môi trường HS trải nghiệm những giá trị sống, kỹ năng sống được học.
"Những HS thường xuyên mắc lỗi thiếu nghị lực sửa chữa, trường ĐTH đã đưa ra “5 điều suy ngẫm để tự thay đổi mình”. HS sẽ viết 5 điều suy ngẫm này, thay cho bản kiểm điểm" - TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Tổ chức kiểm tra đánh giá
Kiểm tra đánh giá kết quả học tập, kết quả rèn luyện một cách chặt chẽ, nghiêm túc là một yêu cầu không thể thiếu được trong quá trình giáo dục.
Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, phải giúp học sinh thấy rằng muốn có kết quả học tập rèn luyện tốt chỉ có thể dựa vào sự nỗ lực của mỗi cá nhân, phải chống triệt để tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào người khác, một tâm lý đang hình thành phổ biến ở các học sinh yếu kém.
Mặt khác đánh giá phải có tác dụng đào tạo: Cần chuyển từ việc đánh giá kết quả học tập theo điểm số đơn thuần sang việc đánh giá có tác dụng đào tạo thực sự, tức là cách đánh giá phải trở thành một thành tố của việc học và người học phải được tham gia vào việc đánh giá.
Tự đánh giá sẽ có tác dụng đào tạo tốt hơn là chỉ có sự đánh giá của người khác từ bên ngoài. Giáo viên không được dùng điểm để phạt học sinh. Đánh giá về mặt đạo đức cũng phải để học sinh tự đánh giá, tập thể, tổ lớp tham gia đánh giá chứ không phải chỉ có giáo viên chủ nhiêm áp đặt sự đánh giá chủ quan của mình.
Đặc biệt sau mỗi học kỳ, trường THPT Đinh Tiên Hoàng đều cho học sinh được quyền đánh giá kết quả giảng dạy của giáo viên đến từng học sinh và các kết quả về các hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cảm nhận của học sinh.
"Chính luôn quan tâm những phản hồi của học sinh đã làm cho công tác giảng dạy, giáo dục ở trường Đinh Tiên Hoàng sát hơn, hiệu quả hơn" - TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định.