Không cần những tiêu chí to tát
Trao đổi với Báo GD&TĐ về quan điểm và hành động vì một trường học hạnh phúc (THHP), TS Nguyễn Thị Thu Anh (Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) đưa ra nhận định: “Khái niệm “hạnh phúc” ở đây giản dị thôi. Nếu xây dựng những tiêu chí hạnh phúc to tát thì rất khó đạt! Đôi khi hạnh phúc chỉ là niềm vui. HS đến trường vui, thầy cô giáo đến trường cũng vui, người chèo lái con thuyền trường học - hiệu trưởng thấy vui. Đó chính là THHP”.
Theo TS Thu Anh, để có được THHP, hiệu trưởng phải luôn thấu hiểu tất cả bộ phận tạo nên trường học. Người hiệu trưởng phải phát huy được năng lực và thế mạnh của từng cán bộ, GV, phải khiến thầy cô cảm thấy có giá trị với học trò, với nhà trường. Quan trọng nhất là luôn hướng tất cả các hoạt động của nhà trường vào mục tiêu vì HS, làm cho HS vui, có tri thức và dần trưởng thành.
“Hãy cứ coi THHP là một khái niệm giản dị, để mỗi ngày đến trường thật sự là một ngày vui. Những tiêu chí đề ra cho THHP càng được xây dựng vĩ đại càng khó nhớ, khó thực hiện. HS, GV mong muốn khi đến trường đều phải vui mới là THHP, nhưng muốn vui phải có sự tôn trọng, trung thực, chân thành, biết quan tâm… Có rất nhiều yếu tố cần kết nối giữa các thành viên trong trường học, phải thực hiện được mới thành THHP”- TS Thu Anh phân tích.
“Để THHP, không chỉ có thầy cô phải thay đổi, không chỉ hiệu trưởng phải thay đổi; Không chỉ những người công tác trong ngành GD phải thay đổi, xã hội cũng cần hỗ trợ để người làm GD thay đổi, nhà trường thay đổi. Ai cũng phải làm việc hôm nay tốt hơn hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, mọi người đều phải cố gắng. Hiểu một cách giản dị thay đổi là phát triển. Ngành nghề nào cũng cần sự thay đổi, ngành GD cũng vậy”, TS Thu Anh nêu.
Tuy nhiên, TS Thu Anh cho rằng: “Sản phẩm của GD rất đặc biệt. Khác với các ngành nghề khác. Sản phẩm của GD là con người - không phải cái máy để có thể cất đi khi hỏng. Đã là con người thì không được phép có sản phẩm lỗi. Vì thế, để có được những sản phẩm GD tốt, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với các nhà giáo, nhà trường, hiệu trưởng... Có thể hiểu tại sao xã hội đã và đang đặt nhiều áp lực lên nhà giáo, nhà trường và ngành GD, chính là do xã hội trân trọng nghề giáo, luôn đòi hỏi cao ở sản phẩm của GD.
Nếu mỗi thầy cô đều hiểu vai trò, ý nghĩa của nghề giáo thì tự thân phải cố gắng, để đáp ứng mong mỏi của xã hội, cố gắng và làm được nghĩa là nhà giáo sẽ cảm thấy hạnh phúc. Từ hạnh phúc của nhà giáo đem đến hạnh phúc cho HS, cho cha mẹ HS và nhiều người trong xã hội”.
Thay đổi cách tiếp cận vấn đề
TS Nguyễn Thị Thu Anh ngắm nhìn những bức tranh do HS vẽ được trưng bày tại Viện Goeth Hà Nội (tháng 6/2019) |
Chị Lê Thị Thu (phụ huynh HS Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành) chia sẻ: “THHP phải khiến trẻ thấy an toàn khi tới trường; HS được làm chủ việc học tập; trường học phải mang lại cho HS cảm giác tự do (trong khuôn khổ cho phép); cùng với đó không thể thiếu là tình yêu thương của thầy cô, bạn bè”.
Tiêu chí THHP theo quan điểm của mỗi người có thể rất khác nhau, chị Lê Thị Thu cho rằng: “Để một trường học được coi là hạnh phúc, trước hết thầy cô phải hạnh phúc, nhà trường phải xây dựng môi trường hạnh phúc cho GV. Thầy cô hạnh phúc trong công việc của mình, từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến HS. Trong đó, vai trò của người đứng đầu nhà trường rất quan trọng. Nếu nhận thức được người hiệu trưởng sẽ xây dựng nên được một cộng đồng GV hạnh phúc”.
Ở góc độ phụ huynh, chị Lê Thị Thu nhận xét: “Hiệu trưởng là linh hồn của một ngôi trường. Họ phải là người động viên, truyền cảm hứng đến GV. Hiệu trưởng có suy nghĩ và quan điểm như thế nào họ sẽ xây dựng một môi trường GD như vậy. Mỗi hiệu trưởng có một chiến lược riêng trong định hướng chung của ngành về xây dựng THHP.
Hiệu trưởng làm được rất nhiều việc để chèo lái con tàu trường học, nhưng điều quan trọng nhất là họ phải xây dựng được cơ sở niềm tin đối với GV, đồng nghiệp; niềm tin đối với phụ huynh và HS. Từ cơ sở niềm tin này sẽ có được những định hướng, kế hoạch mang tư tưởng, “dáng dấp” của người hiệu trưởng”.
Kết quả của GD không thể nhìn thấy trong một vài năm, đó là cả một hành trình dài. Mỗi ngày nhà trường, thầy cô đều có giá trị với học trò đó chính là THHP. Như TS Nguyễn Thị Thu Anh nói: “Mỗi nhà trường, hiệu trưởng, GV có thể không cần đặt ra mục tiêu quá lớn, vì đặt ra mục tiêu lớn sẽ cảm thấy khó thực hiện. Chỉ cần đặt ra những mục tiêu gần gũi, chẳng hạn ngày hôm nay HS đến trường đều vui vẻ, cố gắng học tập, ngày mai cũng thế... Đó là cả một hành trình dài”.