Chiều 22-1, Cơ quan CSĐT Công an quận 3, TP HCM đã bắt khẩn cấp 5 đối tượng trong băng dàn cảnh đụng xe để cướp tài sản trên đường Bàn Cờ (quận 3) vào sáng 21-1.
Nhiều người đứng nhìn nạn nhân bị cướp
Trước đó, khoảng 7 giờ 30 phút ngày 21-1, các đối tượng lưu thông trên đường Bàn Cờ phát hiện ông Đỗ Đức Hải (Giám đốc điều hành Công ty Vệ sĩ T.T, trụ sở quận 3) đang chạy xe máy nên dàn cảnh đụng xe, cự cãi rồi lén lấy cọc tiền trong túi xách của ông Hải (tổng cộng có 37,7 triệu đồng) rồi tẩu thoát. Ông Hải đuổi theo, bị các đối tượng kéo lê một đoạn và đạp ngã.
Ngày 22-1, cơ quan công an thực nghiệm hiện trường sau khi bắt 5 đối tượng cướp tài sản. Trong ảnh: Nạn nhân Đỗ Đức Hải tường thuật lại vụ việc với cơ quan công an Ảnh: PHẠM DŨNG
Kể lại vụ việc với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hải vẫn chưa hết bàng hoàng: “Sáng hôm đó, tôi mang tiền từ nhà ở quận 9 vào công ty. Trên đường đi, tôi ghé 2 cơ sở để trả lương cho nhân viên. Khi đến gần trụ sở công ty ở đường Bàn Cờ, tôi bị một nhóm người cúp đầu xe, thọc tay vào túi xách lấy tiền. Tôi chụp được tay một đối tượng thì những kẻ khác nhào vào chửi bới, đạp vào người để giải vây cho đồng bọn. Nếu lúc đó có người đến hỗ trợ, chắc tôi cũng bắt được một tên nhưng hình như ai cũng sợ, chỉ đứng nhìn”.
Vụ việc ông Hải bị cướp được camera gắn phía trước một căn nhà ghi lại. Khi video chia sẻ trên mạng xã hội đã nhận được khá nhiều lời bình luận phê phán thái độ bàng quan, vô cảm của số đông người đứng xem nhưng tuyệt nhiên không ai đến giúp nạn nhân.
Có thật sự người dân quá vô cảm hay sợ bị liên lụy nên dửng dưng trước cái ác? Đâu rồi tình đoàn kết, biết căm phẫn, không dung thứ cái ác, cái xấu? Đâu rồi tính cách “giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha” của người Việt Nam?
Nên ứng xử ra sao?
Trao đổi với thẩm phán Ngô Thế Tiến (TAND TP HCM), ông cho rằng không thể nói người dân vô cảm vì sự việc xảy ra bất ngờ, bản năng sợ, tự vệ, bảo an cho bản thân xuất hiện trước rồi sau đó mới tới trách nhiệm công dân. Nhất là trong điều kiện môi trường xã hội hiện nay, ngoài tinh thần nghĩa hiệp, họ có gì khác để bảo an cho họ và người thân nếu tham gia bảo vệ nạn nhân?
Luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật) nhận định tình trạng cướp giật lộng hành hiện nay đang đe dọa an ninh trật tự và hình thành nên nỗi lo sợ thường trực trong một bộ phận người dân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Đó là sự phát triển xã hội kéo theo việc tăng cường tội phạm, hạn chế trong quản lý nhà nước, xử lý tội phạm, thái độ bàng quan của một bộ phận người dân...
“Trên thực tế, đã từng có các trường hợp người đi đường lao thẳng xe vào bọn cướp giật, bắt được chúng nhưng bản thân họ phải trả giá bằng chính tính mạng, sức khỏe của mình hoặc bị trả thù. Cũng có trường hợp phản ứng thái quá dẫn đến cái chết cho kẻ cướp nên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” - luật sư Công nói.
Vậy ứng xử phù hợp trong những trường hợp này là gì? Theo luật sư Công, nếu có thể ngăn cản được hành vi cướp giật thì nên xô ngã, tri hô. Kẻ cướp sẽ sợ khi có đông người đi đường hợp sức chống lại. Ngoài ra, có thể quay phim, chụp hình hoặc sử dụng camera hành trình trên các ô tô, mô tô để chuyển đến cơ quan chức năng tố cáo. Về phía các cơ quan công an, khi thụ lý những vụ việc tố cáo dạng này cần có thái độ thiện chí, tạo điều kiện thuận lợi hay chí ít không gây khó khăn cho người tố cáo. Đặc biệt, cần có chế độ đãi ngộ, khuyến khích sự tố cáo tội phạm của người dân. “Chỉ khi nào người dân thấy làm việc với công quyền không bị gây khó dễ, mất thời gian, thậm chí có ích lợi thì sự hợp tác sẽ rất cao và hiệu quả. Việc phá án từ sự hợp tác chặt chẽ của người dân sẽ giúp cho việc bảo vệ trật tự an toàn xã hội được dễ dàng, tội phạm cũng e dè khi có ý định thực hiện hành vi phạm tội” - luật sư Công nói.
Hàng chục năm tham gia xét xử nhiều vụ án hình sự liên quan đến cướp giật tài sản, kiểm sát viên Dương Thụy Kim Ngân (VKSND TP HCM) phân tích: “Mục đích cuối cùng của bọn cướp giật là để chiếm đoạt tài sản. Cho nên để tránh bị phát hiện và chạy thoát nếu bị truy đuổi, chúng đã có dự mưu, tính toán trước. Thông thường, những đối tượng chuyên nghiệp thường đi thành từng nhóm, mang theo hung khí nguy hiểm và sẵn sàng chống trả nếu bị truy đuổi, phản ứng. Cho nên, nếu bị cướp hoặc chứng kiến người khác bị cướp, người dân cần tự vệ hoặc giúp đỡ nạn nhân mà trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Không nên dùng hung khí nguy hiểm để tấn công kẻ cướp hoặc dùng ô tô húc vào người khác dễ gây tai nạn chết người. Tốt nhất là dùng sức mạnh đám đông để tri hô, nếu cảm nhận không quá nguy hiểm thì có thể bắt các đối tượng giao công an xử lý đúng thẩm quyền.
Họ không ra tay, vì sao?
Theo lời kể của ông Đỗ Đức Hải, khi xảy ra vụ việc, có người thấy ông bị kéo đi nên định lấy bàn ghế ném thì một tên trong băng cướp chỉ tay nói: “Tụi bây coi chừng tao đó”. Sợ bị trả thù, những người này đã không dám can thiệp.
“Trên mạng xã hội chửi chúng tôi nhưng có ai hiểu rằng nếu chúng tôi tham gia vào vụ việc sau này rất phiền phức. Có lần thấy băng trộm bẻ kính xe hơi đậu trên đường, tôi hô hoán thì chúng bỏ chạy. Sau đó, chúng mang phân tạt vào nhà tôi làm ô uế cả tuần. Những vụ như vậy, bắt được bọn chúng thì không sao, còn không bắt được thì khó ăn ở” - một người dân xin được giấu tên nói.