Chị Đỗ Thị Mai quê ở Yên Bái đưa con hai tuổi đi khám chức năng nghe. Theo như lời kể của chị Mai thì từ khi sinh ra bé khỏe mạnh, ăn ngoan, ngủ ngon, vợ chồng chị rất mừng. Tuy nhiên, từ giai đoạn một tuổi chị không thấy con ê a tiếng nào, bé cũng không có biểu hiện phản ứng lại với những lời trò chuyện trêu đùa của bố mẹ hay ông bà.
Lúc đầu, vợ chồng chị cho rằng chắc con mình chậm phát triển hơn so với bạn bè cùng trang lứa nên chờ đợi thời gian. Nhưng khi gần 2 tuổi bé vẫn không có dấu hiệu biết nói thì chị Mai nghĩ con có thể bị tự kỷ nên đưa con đi khám tự kỷ và kiểm tra nhiều bài test. Nhưng sau đó, các bác sĩ kết luận con của chị Mai bị điếc ở mức độ nặng.
Vì không nghe được người xung quanh nói gì nên bé không có phản ứng lại, cha mẹ thì cứ nghĩ con chậm phát triển trí tuệ.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An – trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện đa khoa An Việt, trẻ bị điếc bẩm sinh cần được phát hiện sớm để quá trình điều trị được tốt hơn.
Cha mẹ có thể căn cứ vào các dấu hiệu sau để nhận biết bệnh khiếm thính ở trẻ nhỏ:
Với trẻ sơ sinh: Cha mẹ có thể dựa trên phản xạ nghe - cử động của trẻ. Với trẻ sơ sinh khi nghe tiếng động lớn bé có phản xạ giật mình, hoặc cựa quậy, có khi là khóc thét lên hoảng sợ. Còn với những bé bị khiếm thính thì không có phản ứng gì đặc biệt
Với trẻ vài tháng đến 1 tuổi: Trong giai đoạn này trẻ bắt đầu tập nói nếu trẻ biết chú ý, nhìn, quay đầu theo hướng phát âm của các dụng cụ như lục lạc, chuông, nơi xảy ra tiếng động lạ. Còn nếu bé không có phản ứng gì mẹ nên cho bé đi khám ngay nhé.
Với trẻ từ 1-3 tuổi: Trong độ tuổi này trẻ biết bắt chước nói theo hoặc làm được nhiều động tác mà người lớn chỉ dạy. Nếu bé không có phản ứng trước những tiếng động, âm thanh, tương tác của người xung quanh thì mẹ nên cho con đi khám.