Thầy cô mang Tết về trường

GD&TĐ - Tết lại về trong háo hức mong đợi của học sinh vùng cao.

Học sinh điểm bản Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên) tham gia nhảy sạp. Ảnh: NTCC
Học sinh điểm bản Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên) tham gia nhảy sạp. Ảnh: NTCC

Không còn tư tưởng nghỉ sớm, những ngày cận Tết lũ trẻ thỏa sức với các hoạt động trải nghiệm hấp dẫn mang đậm hương vị Tết ở “ngôi nhà chung” ấm áp tình thầy trò.

Say sưa cùng góc trải nghiệm

Những cơn gió đông kéo theo cái lạnh “cắt da thịt” đang phủ kín khắp các bản làng vùng cao. Trong phòng học tại Trường Mầm non Trung Thu, huyện Tủa Chùa (Điện Biên), cô giáo Nguyễn Thị Son vẫn say sưa trang hoàng góc trải nghiệm chợ Tết quê. Hình ảnh về những khuôn mặt học trò háo hức, thích thú khám phá đồ chơi mới khiến cô Son quên đi cơn gió lạnh đang rít ngoài cửa lớp. Nhiều năm giảng dạy ở vùng cao, hơn ai hết cô Son hiểu rõ sự đổi thay đầy tích cực của học sinh nơi đây.

“Vài năm trước, cứ mỗi dịp giáp Tết về là học sinh đồng loạt nghỉ ở nhà. Đến lớp, còn được vài trò là giáo viên mừng lắm. Để tổ chức được hoạt động giảng dạy theo quy định, chúng tôi lại tất tả ngược xuôi tới từng nhà gọi, đèo các em ra lớp. Nhưng giờ không còn cảnh ấy. Bọn trẻ háo hức, thích thú hơn khi đến lớp những ngày cận Tết…”, cô Son tâm sự.

Nói rồi cô Son đi từng góc lớp, khuôn viên trong trường và chia sẻ về thành quả của mình cùng giáo viên nhà trường. Chỉ đơn giản với các loại rau, củ, quả; những đôi giầy, dép, gói bánh, hộp kẹo, trang phục truyền thống… Song tất cả đều được cắt ghép, đóng gói, sắp xếp hoàn toàn từ đôi bàn tay khéo léo, sáng tạo của các cô giáo. Đây đều là trải nghiệm hết sức mới mẻ đối với trẻ vùng cao, nhất là con em đồng bào.

Học sinh điểm bản Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên) cùng tham gia trải nghiệm gói bánh chưng. Ảnh: NTCC

Học sinh điểm bản Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên) cùng tham gia trải nghiệm gói bánh chưng. Ảnh: NTCC

Còn tại Trường Mầm non Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, các góc trải nghiệm về ngày Tết được duy trì thường xuyên nhiều năm nay. Tại mỗi điểm trường, góc trải nghiệm mang một “màu” khác nhau, tương ứng với sắc màu văn hóa người dân bản địa.

“Cũng là cây đào, chiếc bánh, bộ trang phục truyền thống hay các loại nông sản địa phương, song mỗi vùng miền, dân tộc lại có sự khác biệt. Tùy thuộc vào sức sáng tạo của mỗi người, các cô giáo phụ trách điểm bản sẽ thiết kế, bài trí cho phù hợp. Vừa để tạo không khí Tết, đồng thời đây cũng là hoạt động trải nghiệm kích thích trí tò mò, sáng tạo của học sinh…”, cô giáo Nguyễn Diễm Hương, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ.

Cũng theo cô Hương, tham gia các góc trải nghiệm này, các em không chỉ được tìm hiểu, có góc nhìn đa dạng hơn về văn hóa, sắc màu Tết truyền thống ở mỗi vùng miền, dân tộc khác nhau. Đây còn là dịp để trẻ trực tiếp hóa thân thành các nhân vật, tạo dựng câu chuyện để hiểu hơn về các phong tục, mối quan hệ giao tiếp trong dịp Tết. Đơn cử, tục lì xì, đón khách đêm Giao thừa, chúc Tết…

Bữa cơm liên hoan ấm cúng của học sinh điểm bản Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên). Ảnh: NTCC

Bữa cơm liên hoan ấm cúng của học sinh điểm bản Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên). Ảnh: NTCC

Trông bánh chưng, chờ Tết

Nhiều năm nay, ngày hội gói bánh chưng, trải nghiệm Tết cổ truyền đã trở thành hoạt động quen thuộc, được nhiều trường học ở Điện Biên tổ chức. Những chiếc bánh chưng vuông vức, gửi gắm tình cảm thầy trò luôn được mong đợi đối với học sinh vùng khó.

Mở đầu cho hoạt động này tại huyện Điện Biên, ngay giữa những ngày rét buốt cuối năm 2022, Ngày hội “Tết ấm áp – Trao yêu thương” đã diễn ra sôi nổi tại điểm bản Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh. Đây là nơi 154 học sinh con em đồng bào Mông đang theo học.

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường, tâm sự: Dù sự kiện diễn ra vào cuối tháng 12, nhưng không khí chuẩn bị đã lan tỏa khắp trường và địa bàn dân cư từ nhiều ngày trước đó. Do đây là ngày hội được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước tới nay.

“Để chuẩn bị, ngoài nguồn kinh phí của Quỹ trò nghèo vùng cao, nhà trường đã kêu gọi, huy động sự hỗ trợ từ nhiều tổ chức, cá nhân. Trong đó, phải ghi nhận sự tham gia tích cực của phụ huynh. Nhiều ngày qua, bà con tranh thủ đi rừng hái lá rong, lấy giang về chẻ lạt… mang lên trường đóng góp. Ai cũng háo hức, phấn khởi”.

Sớm ngày diễn ra hội, trời Nậm Ty đổ mưa. Con đường từ bản lên trường giờ đây đã được trải bê tông thuận tiện, nên bà con nô nức đội ô dẫn con lên trường. Họ chia nhau thành từng tốp, hỗ trợ thầy cô rửa, cắt lá; đãi gạo, đỗ…

Học sinh Trường Mầm non Ban Mai, xã Sa Dung (huyện Điện Biên Đông) trải nghiệm trò chơi dân gian. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường Mầm non Ban Mai, xã Sa Dung (huyện Điện Biên Đông) trải nghiệm trò chơi dân gian. Ảnh: NTCC

Cơn mưa vừa dứt cũng là lúc vào chính hội. Trong làn sương mờ ảo, sân trường “nóng” lên bởi tiếng hò reo và sắc màu rực rỡ từ bộ trang phục truyền của học sinh. “Sự vụng về, lóng ngóng của học sinh, thậm chí là phụ huynh lần đầu được gói bánh chưng tạo nên những tiếng cười rất thú vị. Cả sân trường mang đậm không khí Tết”, cô Hiền bộc bạch.

Còn tại Trường THCS Núa Ngam (huyện Điện Biên), nhiều năm nay ngày hội gói bánh chưng cũng được các thế hệ học sinh mong đợi. Theo thầy Phạm Trung Thành, Hiệu trưởng, chia sẻ: Mỗi năm lại có chủ đề khác nhau, song gói bánh chưng là hoạt động không thể thiếu với mong muốn tạo sân chơi trải nghiệm sum vầy mỗi dịp Tết cận kề. Qua đó còn giúp thầy trò vơi nỗi nhớ gia đình.

“Ngày hội gói bánh chưng luôn thu hút sự tham gia, háo hức của học sinh. Ấm cúng nhất là giai đoạn luộc bánh. Thầy trò cùng quây quần bên bếp lửa, chờ bánh chín. Một số năm trường còn tổ chức thi thời trang tự chế, đốt lửa trại cho học sinh tham gia trước khi về nghỉ Tết…”, thầy Thành chia sẻ.

Năm học này, Trường THCS Núa Ngam có hơn 450 học sinh theo học, đa phần con em đồng bào, đặc biệt trong đó có 150 em ở bán trú. Trước đây, vào những ngày cận Tết, học sinh thường mong mỏi về nhà nên không yên tâm học tập. Từ khi có các hoạt động trải nghiệm Tết thì tình trạng này giảm hẳn. Thay vì nghỉ học về nhà sớm, các em chủ động hỏi thầy cô về “lịch” gói bánh chưng…

Học sinh điểm bản Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên) cùng tham gia giã bánh giầy. Ảnh: NTCC

Học sinh điểm bản Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên) cùng tham gia giã bánh giầy. Ảnh: NTCC

Cùng trẩy hội xuân

Không có trong chỉ đạo cụ thể của ngành GD-ĐT, song nhiều năm nay, các hoạt động Tết sớm cho học sinh vẫn được 100% trường học tại Điện Biên tổ chức như một hoạt động ngoài giờ, ngoại khóa. Ngày hội bánh chưng, các hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm sắc màu Tết ở mỗi vùng miền ngày càng diễn ra đa dạng, sôi nổi.

Tại Trường Mầm non Hua Thanh, sự kiện “Tết ấm áp – Trao yêu thương” thực sự trở thành ngày hội không chỉ với học sinh, mà đông đảo phụ huynh tại bản vùng cao, biên giới Nậm Ty. Tại đây, bà con, học sinh được hòa mình vào bức tranh thu nhỏ của đời sống, sinh hoạt, văn hóa cộng đồng người dân bản địa.

Cả sân trường ngập tràn trong sắc xuân, với những không gian bài trí mâm ngũ quả, cành đào do các lớp thực hiện. Những cô bé, cậu bé xúng xính trong bộ trang phục dân tộc Mông hồ hởi, náo nhiệt với không gian các trò chơi dân gian gắn liền với hội xuân vùng cao, như: Kéo co, nhảy sạp, ném pa pao, giã bánh giầy…

“Phụ huynh trong bản ai nấy đều phấn khởi khi thấy con mình được vui chơi, cười đùa. Không phải về nhà, ở trường các con cũng có thể đón Tết đầm ấp, vui tươi, đầy đủ. Chúng tôi thấy tự hào khi các nét văn hóa dân tộc mình có dịp được thể hiện và giáo dục lại cho bọn trẻ…”, ông Ly A Dơ, Trưởng bản Nậm Ty, tâm sự.

Cô trò Trường Mầm non Suối Lư (huyện Điện Biên Đông) tham gia góc trải nghiệm Phiên chợ ngày Tết. Ảnh: NTCC

Cô trò Trường Mầm non Suối Lư (huyện Điện Biên Đông) tham gia góc trải nghiệm Phiên chợ ngày Tết. Ảnh: NTCC

Tại Trường Mầm non Na Phát (huyện Điện Biên Đông), trò chơi dân gian ngày Tết là hoạt động trải nghiệm chuyên đề được duy trì tổ chức nhiều năm qua mỗi dịp xuân về. Cô giáo Lò Thị Chung bày tỏ: Không chỉ đơn thuần là trò vui, tạo không khí, đây còn là “bức tranh” sống động, chứa đựng nét đẹp văn hóa Tết đặc trưng vùng miền.

“Để chuẩn bị và tổ chức một hoạt động trải nghiệm ngày Tết cho các con, nhà trường, giáo viên, phụ huynh rất vất vả. Trong điều kiện khó khăn, mọi khâu tổ chức đều được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, cùng nhau chung tay, góp sức. Nhưng nhìn các con phấn khích, vui vẻ tham gia bà con đều nhiệt tình ủng hộ…”, cô Chung cho hay.

Đối với học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải (huyện Mường Nhé, Điện Biên), nhiều năm nay, bữa cơm tất niên “ấm” tình thầy trò luôn là kỷ niệm khó phai của học sinh khi về học tập, sinh hoạt tại “ngôi nhà chung” này.

Mâm ngũ quả được học sinh điểm Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên) bài trí đẹp mắt, tạo nên không khí Tết. Ảnh: NTCC

Mâm ngũ quả được học sinh điểm Nậm Ty, Trường Tiểu học Hua Thanh (huyện Điện Biên) bài trí đẹp mắt, tạo nên không khí Tết. Ảnh: NTCC

Thầy giáo Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, lý giải: Học sinh bán trú của trường hầu hết là dân tộc Mông, đời sống khó khăn. Nhiều em thậm chí không biết hương vị Tết thế nào. Vì thế, nhiều năm qua, nhà trường luôn duy trì tổ chức đêm tất niên, với nhiều hoạt động như một cách sẻ chia, góp thêm Tết đủ đầy cho gia đình học sinh.

“Nhiều năm ở lại ăn Tết cùng đồng bào, nhiều thầy cô trong trường đều thấu hiểu thiếu thốn của bà con. Ngoài bữa cơm sum vầy, 3 năm nay trường cân đối các nguồn để duy trì tặng quà Tết cho học sinh hoàn cảnh khó khăn. Gói quà chỉ đơn giản là hộp mứt, gói bánh, chai dầu ăn, nước mắm, mì chính…, song với bà con ở đây vô cùng ý nghĩa, thiết thực”, thầy Khiêm bộc bạch.

Những ngày giáp Tết này, biết học sinh lại háo hức chờ mong nên thầy Khiêm đã chủ động tính toán. Năm nay, trường có 243/430 học sinh ở bán trú. Sau khi có lịch nghỉ Tết chính thức, thầy Khiêm nhẩm tính số ngày nghỉ dôi dư của học sinh để cân đối quà Tết tươm tất hơn cho học trò.

“Không dư nhiều nên trường phải bù thêm khoảng 20 triệu đồng. Số tiền này hiện tôi đã kết nối xin được từ nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện. Chúng tôi không thể lỡ hẹn. Dù khó khăn nhà trường vẫn sẽ nỗ lực để mỗi học trò trở về nhà đón Tết cùng gia đình với khuôn mặt đầy rạng rỡ…”, thầy Khiêm chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, cho biết: Nhiều năm nay, các đơn vị trường học địa phương đã duy trì tốt các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa vui xuân, đón Tết, đặc biệt ở trường có học sinh ở nội trú. Thông qua đó, giúp học sinh dân tộc thiểu số dù sinh sống ở các bản làng xa xôi đều có góc nhìn đầy đủ về phong tục, tập quán và lễ hội truyền thống Tết dân tộc Việt Nam, để các em luôn cảm nhận và coi trường thực sự là “ngôi nhà thứ hai”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.