Mang Tết lên núi

GD&TĐ - Ngoài liên hoan, học sinh 15 điểm trường trên những dãy núi xa xôi hẻo lánh của huyện Nam Trà My (Quảng Nam) còn tham gia gói bánh chưng để góp Tết cùng gia đình. Mỗi em còn nhận được một bao lì xì.

Mang Tết lên núi được tổ chức tại các điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn của huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam).
Mang Tết lên núi được tổ chức tại các điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn của huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam).

“Mang Tết lên núi” là chương trình tất niên mà nhóm thiện nguyện Bạn thương nhau (Đà Nẵng) tổ chức tại 15 điểm trường trên những dãy núi xa xôi hẻo lánh của huyện vùng cao Nam Trà My (Quảng Nam). Mang Tết lên núi, ngoài một bữa ăn thật ngon, HS còn tham gia gói bánh chưng, nấu nếp nương địa phương và nhận phong bao lì xì. Bánh chưng sẽ là quà để các em mang về góp Tết cùng gia đình.

Bánh chưng của mình sao ngộ ghê, không giống bánh chưng của cô giáo gói.
Bánh chưng của mình sao ngộ ghê, không giống bánh chưng của cô giáo gói.

Hai anh em Hồ Quảng Khiên (điểm Trường Tắk Pổ thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập) lúng túng khi lần đầu tiên học gói bánh chưng. Cô Trà Thị Thu hướng dẫn cho Khiên từ cách đong nếp, đặt nhân bánh, gói lá rồi buộc lạt. Chiếc bánh của Khiên và các bạn tự làm không được vuông vắn nhưng bạn nào cũng hớn hở với thành quả của mình. Sau khi trải nghiệm gói bánh chưng là một bữa “tiệc” tất niên với món cà – ri, bánh mì.

Lần đầu trải nghiệm tự gói bánh chưng của HS điểm trường Tắk Pổ.
Lần đầu trải nghiệm tự gói bánh chưng của HS điểm trường Tắk Pổ.
Phụ huynh cùng tham gia nấu bánh chưng.
Phụ huynh cùng tham gia nấu bánh chưng.

Hôm sau quay trở lại trường, bánh chưng đã được cô giáo nấu chín. HS điểm trường Tắk Pổ lại thêm một lần liên hoan bằng bánh chưng do mình tự gói. Những chiếc bánh đẹp nhất do cô giáo và các đoàn viên đoàn thanh niên hỗ trợ được chọn để HS đem về nhà. Ngoài bánh chưng, Khiên còn nhận được phong bao lì xì màu đỏ với trị giá 10.000 đồng.

Bánh của chúng mình tự làm, ngon quá!
Bánh của chúng mình tự làm, ngon quá!
Những cái bánh đẹp nhất được lựa chọn để làm quà tặng cho HS mang về nhà.
Những cái bánh đẹp nhất được lựa chọn để làm quà tặng cho HS mang về nhà.

Ở điểm trường Mang Dí, học sinh học làm nướng nếp ống và bánh ú sừng trâu. Thầy cô gáo sẽ giới thiệu thêm cho các em về phong tục Tết cổ truyền của người Việt. Cho dù đồng bào dân tộc thiểu số không có phong tục đón Tết Nguyên đán, nhưng CLB Bạn thương nhau vẫn mong muốn các em biết được thế nào là niềm vui nhận được tiền mừng tuổi, biết cảm giác ngồi canh lửa bên nồi bánh chưng sôi bập bùng…

Cô giáo cùng HS điểm trường Mang Dí cùng làm bánh ú sừng trâu – một đặc sản trên núi.
Cô giáo cùng HS điểm trường Mang Dí cùng làm bánh ú sừng trâu – một đặc sản trên núi.

Anh Nguyễn Bình Nam – Chủ nhiệm CLB Bạn thương nhau cho biết: “Năm nay không làm được chương trình Én nhỏ vùng cao như hàng năm vì dịch nên chúng tôi trao đổi với một số GV ở các điểm trường còn nhiều khó khăn về ý tưởng tổ chức tất niên cho HS. Với Mang Tết lên núi, chúng tôi mong muốn động viên tinh thần cho thầy cô và các em ở những điểm trường lẻ trên những dãy núi xa xôi. 

Dự kiến lúc đầu có 8 điểm trường tham gia. Sau đó, số điểm trường đăng ký tổ chức tất niên cho HS tăng lên với 15 trường, sẽ có thêm 2-3 điểm trường nữa tham dự”.

Háo hức, tò mò khi nhận được phong bao lì xì.
Háo hức, tò mò khi nhận được phong bao lì xì.

Tuỳ vào số lượng HS và công việc thầy cô nhận như nấu ăn liên hoan, bánh kẹo, nước ngọt, nấu bánh chưng, nấu nếp nướng, trang trí hoa mai đào, cá viên chiên…, chi phí của mỗi điểm trường sẽ dao động từ 3,5 – 5 triệu đồng.

Bữa tiệc tất niên của HS các điểm trường lẻ được thầy cô tổ chức chu đáo và ấm cúng.
Bữa tiệc tất niên của HS các điểm trường lẻ được thầy cô  tổ chức chu đáo và ấm cúng.
Sân trường rực rỡ sắc xuân.
Sân trường rực rỡ sắc xuân.

Tết đang ghé qua những điểm trường trên núi Ngọc Linh đậm sương của những ngày mưa lạnh cuối năm. Sân trường Lang Lương, Man Dí, Tu Gia, Tắk Rối… ấm áp, tươi vui với cành đào, cành mai được chính tay HS và phụ huynh trang trí đón Tết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cốm Làng Vòng được làm từ loại lúa nếp cái hoa vàng và là loại lúa non.

Giữ 'hồn' cho cốm làng Vòng

GD&TĐ - Làng Vòng, thuộc phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi gắn liền với nghề làm cốm từ nhiều thế kỷ trước.