Mang Tết về trường

GD&TĐ - Nhiều năm qua “mang Tết về trường” dường như trở thành “sứ mệnh” của giáo viên vùng cao.

Học sinh Trường Mầm non Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) háo hức cùng góc trải nghiệm Tết.
Học sinh Trường Mầm non Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) háo hức cùng góc trải nghiệm Tết.

Các hoạt động vui xuân, đón Tết sớm được ví như sợi dây vô hình giữ “chân” học trò thêm yêu và gắn bó với mái trường, thầy cô…

Ngày hội gói bánh chưng

Vào dịp cuối năm, các tổ chức Đoàn, Đội Trường PTDTBT Tiểu học Xam Măn, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) lại lên kế hoạch tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm “Gói bánh chưng Tết”.

Ông Mùa A Hòa, Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn cho biết: “Hàng năm, mỗi dịp Tết đến, xuân về các thầy cô giáo thường tổ chức các hoạt động đón Tết sớm cho học sinh và mời chính quyền xã, bà con cùng tham gia. Người dân trong xã đa phần là đồng bào Mông và Thái, bởi vậy khi được tìm hiểu và trực tiếp tham gia hoạt động gói bánh chưng thì rất phấn khởi. Đây vừa là ngày hội của các con, song cũng góp phần giúp phụ huynh nâng cao nhận thức chăm lo việc học cho con em mình”.

Theo cô giáo Sầm Thị Gấm, đây là một trong những hoạt động thu hút sự tham gia đầy phấn khích của học sinh. Mỗi giáo viên vừa trong vai người hướng dẫn, vừa trở thành bạn đồng hành với học sinh thực hiện mọi công đoạn, từ khâu chuẩn bị cho đến hình thành nên chiếc bánh.

“Mặc dù còn vụng về, song em nào cũng hào hứng, thích thú khi được tận tay rửa lá, gói chiếc bánh cho riêng mình. Trong quá trình đó, chúng tôi thường kết hợp kể chuyện, giải thích về ý nghĩa của chiếc bánh chưng, Tết xưa… để các em hiểu và có thêm góc nhìn về Tết cổ truyền”, cô Gấm bộc bạch.

Cũng theo cô Gấm, đa phần học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Xam Măn là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các năm trước, thường vào những ngày cận Tết, học sinh hay háo hức về nhà nên không yên tâm học tập. Nhiều em thậm chí nghỉ Tết từ sớm, với lý do nhà xa xôi, đi lại khó khăn… Song từ khi có các hoạt động trải nghiệm Tết, tình trạng này giảm hẳn. “Nhiều em cứ đến giáp Tết là lại háo hức hỏi: “Cô giáo ơi! Năm nay có được gói bánh chưng không?””, cô Gấm nói.

Còn tại Trường Mầm non Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), vài năm trở lại đây, hoạt động gói bánh chưng không chỉ thu hút học sinh mà luôn có sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo phụ huynh. Cô Lò Thị Hà, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường khuyến khích phụ huynh tham gia trên tinh thần tự nguyện. Các gia đình có gì sẽ quyên góp thứ đó, từ nguyên vật liệu gói bánh đến chất đốt hoặc có thể tham gia các công đoạn chuẩn bị  cùng thầy cô…

“Lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, lạt giang… đều do bà con tự sản xuất ra nên họ rất phấn khởi khi mang lên trường cho con trải nghiệm và tham gia trực tiếp cùng con. Đây vừa là cơ hội để phụ huynh có thêm trải nghiệm thú vị, song cũng góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với việc học của con em mình”, cô Hà tâm sự và cho hay: Phần lớn số bánh sau khi luộc chín sẽ dành tặng cho học sinh, góp thêm vào mâm cỗ ngày Tết của gia đình. Số ít còn lại được chia đều về các lớp để học sinh trực tiếp thưởng thức thành quả của mình.

Phụ huynh và học sinh Trường Mầm non Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) cùng tham gia trải nghiệm gói bánh chưng Tết.
Phụ huynh và học sinh Trường Mầm non Si Pa Phìn (huyện Nậm Pồ) cùng tham gia trải nghiệm gói bánh chưng Tết.

Góc trải nghiệm

Trường Mầm non Tủa Thàng số 2 (huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) có đa phần học sinh là con em dân tộc Mông, Thái, Dao. Theo cô Trần Thị Phương, Hiệu trưởng nhà trường, trước kia cách ngày Tết Nguyên đán chừng 1 – 3 tuần là thời gian cao điểm học sinh nghỉ hoặc đi học không chuyên cần. Giáo viên phải vất vả để duy trì sĩ số lớp.

“Song vài năm trở lại đây tình trạng này đã không còn. Phần vì nhận thức của các gia đình đã được nâng lên, song đó cũng là kết quả từ sự nỗ lực “làm mới” trường, lớp của giáo viên”, cô Phương nói.

Theo cô Phương phân tích, lứa tuổi mầm non thường bị thu hút bởi thị giác và rất hứng thú với những thứ mới mẻ. Bởi vậy, trước tiên nhà trường chú trọng đến việc trang trí không gian trường, lớp để cuốn hút. Đặc biệt, từ năm 2020 dịch bệnh phức tạp, các hoạt động tập trung đông người bị hạn chế thì nội dung này càng được quan tâm.

Với chủ đề Tết và Mùa xuân, giáo viên đã khéo léo “đưa Tết về trường” thông qua việc trang hoàng, bày trí, “biến” lớp học trở thành những khu vườn ngập tràn hoa xuân và không khí Tết. “Việc làm này cũng không mất nhiều kinh phí, do chúng tôi tận dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương, như: Tre, gỗ, vỏ chai nhựa, đá… Đặc biệt, thứ không thể thiếu là cành đào thì ở đây luôn sẵn có”, cô Phương cho hay.

Bên cạnh không gian, nhà trường còn đặc biệt quan tâm đến việc tạo dựng các góc trải nghiệm mang đậm hương sắc Tết. Trong đó, Góc ẩm thực là không gian để học sinh được trổ tài, thể hiện với những món ăn đặc trưng của dân tộc mình. Góc văn hóa là nơi khám phá những nét đẹp về trang phục, lời ca, điệu múa… Góc trò chơi là nơi các em thỏa sức với nhiều hoạt động lý thú: Ném pao, ném còn, kéo co…

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải (huyện Mường Nhé) phấn khởi nhận túi quà Tết từ thầy cô giáo.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải (huyện Mường Nhé) phấn khởi nhận túi quà Tết từ thầy cô giáo.

“Các em rất hứng thú và phấn khích với hoạt động vui chơi, trải nghiệm như thế. Cứ mỗi dịp tổ chức là học sinh háo hức từ nhiều ngày trước đó. Đây chính là sức hút để các em yêu trường, yêu lớp, gắn kết tình cảm cô – trò và bạn bè với nhau”, cô Phương chia sẻ.

Đối với Trường Mầm non Si Pa Phìn, “góc trải nghiệm” cũng đã được nhà trường đa dạng hóa để mang lại những “món quà” tinh thần đầy ý nghĩa cho học sinh mỗi dịp Tết đến xuân về.

“Dựa trên điều kiện thực tế và văn hóa đặc trưng tại mỗi điểm bản, giáo viên sẽ chủ động lựa chọn hoạt động phù hợp. Vì thế, tại mỗi điểm trường sẽ mang một sắc màu khác nhau. Có thể kể chuyện, giới thiệu, đố vui về phong tục Tết của các dân tộc; gói bánh chưng, bánh trôi; giã bánh dày; ném còn…”, cô Hà cho hay.

Theo cô Hà, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tết sớm cho học sinh. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh phức tạp nên sẽ không tập trung như các năm trước mà đưa về từng nhóm lớp, điểm trường. Dẫu vậy, mục đích và ý nghĩa nhà trường mong muốn mang lại cho học sinh sẽ không có gì thay đổi.

Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Xam Măn, huyện Điện Biên Đông tham gia hoạt động gói bánh chưng Tết.
Cô và trò Trường PTDTBT Tiểu học Xam Măn, huyện Điện Biên Đông tham gia hoạt động gói bánh chưng Tết.

Quà Tết “đậm” tình thầy

Với hàng trăm phụ huynh Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), Tết Nguyên đán Tân Sửu (năm 2021) vô cùng đáng nhớ bởi lần đầu con em họ đi học còn mang quà về cho gia đình. “Con đi học, đã không có gì cảm ơn thầy cô mà ngược lại còn được mang quà Tết về nhà”, là điều mà nhiều phụ huynh “thốt” lên khi cầm trên tay túi quà thầy cô trao trong ngày rời lớp về nhà ăn Tết.

Theo thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng nhà trường, đây là hoạt động lần đầu tiên được tổ chức sau khi tính toán, cân đối từ nguồn chế độ ăn bán trú của học sinh. “Số tiền dôi dư từ những ngày nghỉ học trong năm của các em. Trước kia nhà trường thường dành khoản này để tổ chức bữa ăn tất niên. Nhưng sau khi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh và phụ huynh, chúng tôi đã chuyển sang tặng quà Tết”, thầy Khiêm nói.

Công tác tại địa bàn, trong đó có nhiều năm ở lại ăn Tết cùng đồng bào, giúp thầy Khiêm và nhiều giáo viên trong trường thấu hiểu khó khăn, thiếu thốn của bà con. Chỉ đơn giản là hộp mứt, gói bánh, chai dầu ăn, nước mắm, mì chính… có thể không mang nhiều giá trị vật chất song với bà con Chung Chải lại vô cùng ý nghĩa.

“Xã biên giới xa xôi không phải thứ gì cũng sẵn. Bà con ở đây đa phần là đồng bào dân tộc Mông và Hà Nhì, đời sống hết sức khó khăn. Nuôi được đàn gà cả năm, bán đi cũng không đủ tiền sắm Tết. Mà có tiền rồi, sắm sửa cũng khó. Vì thế, chúng tôi muốn sẻ chia, góp thêm Tết đủ đầy cho gia đình học sinh. Đồng thời, cũng là thể hiện sự quan tâm, tạo nguồn động viên, khích lệ tinh thần các em”, thầy Khiêm bộc bạch.

Những ngày giáp Tết này, cũng như nhiều trường học có mô hình bán trú ở vùng cao, học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Chung Chải lại háo hức với các hoạt động đón Tết sớm. Giờ đây, bữa cơm tất niên sẽ “gọn nhẹ” hơn và đúng với ý nghĩa của một buổi chia tay. Đổi lại, mỗi cô cậu học trò biên viễn rạng rỡ hơn khi trở về nhà ăn Tết với túi quà đậm tình thầy trò.

Tết dân tộc là hoạt động thường niên được nhà trường duy trì tổ chức hàng năm, thường trước thời gian nghỉ Tết khoảng 1 tuần. Trong dịp này, học sinh được tham gia gói bánh chưng và nhiều hoạt động văn nghệ, trò chơi dân gian. Ngoài ra, nhà trường kết nối với các tổ chức từ thiện để có những món quà ý nghĩa “góp Tết” cùng các em. Đây là cơ hội để học sinh và giáo viên trải nghiệm hoạt động thực tế, gắn kết tình thầy – trò và cũng là dịp để chăm lo đời sống tinh thần cho trò nghèo vùng cao. - Cô Nguyễn Thị Vượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Mường Mươn (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ