Thầy cô linh hoạt, sáng tạo khi triển khai chương trình mới

GD&TĐ - Khi triển khai chương trình mới, ngoài tự nâng cao trình độ thì giáo viên cần linh hoạt, sáng tạo trong giảng dạy để tăng tính hấp dẫn cho bài học.

Cô trò lớp 4A6 Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) trong một giờ học Toán.
Cô trò lớp 4A6 Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) trong một giờ học Toán.

Tận dụng lợi thế địa phương

Cô Hà Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Thái Bình) trao đổi, năm học 2023-2024, toàn trường có tổng số 1.770 học sinh. Việc triển khai chương trình SGK mới gặp nhiều thuận lợi, giáo viên được tập huấn đầy đủ và áp dụng nhiều giải pháp linh hoạt khi giảng dạy.

Ngày 26/10 vừa qua, thầy Nguyễn Hoàng Long đã thực hiện tiết dạy chuyên đề Lịch sử - Địa lý địa phương tại lớp 5C tìm hiểu về di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo - một biểu tượng, niềm tự hào của người dân quê lúa Thái Bình.

Thầy Nguyễn Hoàng Long thực hiện chuyên đề lịch sử địa lý địa phương.

Thầy Nguyễn Hoàng Long thực hiện chuyên đề lịch sử địa lý địa phương.

Thầy Nguyễn Hoàng Long khẳng định, dạy học lịch sử, địa lý địa phương có ý nghĩa lý luận, thực tiễn hết sức to lớn, giúp học sinh hiểu biết về lịch sử hình thành, những truyền thống tốt đẹp của cha ông. Từ đó ý thức về trách nhiệm và bổn phận của mình để góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Cô Hà Thị Xuân đánh giá, đây là một tiết chuyên đề có sự đầu tư, thầy giáo đã rất sáng tạo khi bố trí bài giảng hợp lý, khoa học, cập nhật tính thời sự cao. Qua tiết học các em học sinh được cung cấp những thông tin cơ bản về di tích quốc gia đặc biệt chùa Keo - Thái Bình.

Các em học sinh tham gia tiết học chuyên đề với sự tập trung cao và phát biểu trao đổi với thầy giáo.

Các em học sinh tham gia tiết học chuyên đề với sự tập trung cao và phát biểu trao đổi với thầy giáo.

Chùa có tên chữ là Thần Quang Tự nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư. Chùa có 2 dịp lễ hội theo lệ “xuân thu nhị kì” gồm: Hội Xuân diễn ra vào mồng 4 tháng Giêng và hội Thu diễn ra từ ngày 13 - 15 tháng 9 ÂL. Đây cũng là nơi lưu giữ nghệ thuật kiến trúc và văn hóa độc đáo mà hiếm có ngôi chùa nào trên đất nước ta có được…

Năm học này, thầy trò khối 5 tiếp tục thực hiện việc dạy và học theo chương trình hiện hành, song cũng tiệm cận với Chương trình GDPT 2018 để điều chỉnh nội dung kiến thức, đổi mới phương pháp dạy học, cách kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

Giáo dục lịch sử địa lý địa phương góp phần giúp học sinh thêm hiểu, yêu và tự hào về quê hương mình hơn.

Giáo dục lịch sử địa lý địa phương góp phần giúp học sinh thêm hiểu, yêu và tự hào về quê hương mình hơn.

"Giáo dục lịch sử, địa lý địa phương là một trong những điểm mới của Chương trình GDPT 2018. Qua chuyên đề này một lần nữa khẳng định giáo viên trường Tiểu học Lê Hồng Phong luôn có ý thức đi đầu trong việc đổi mới, sáng tạo trong chuyên môn để giúp học sinh phát triển toàn diện về năng lực và phẩm chất", cô Hà Thị Xuân chia sẻ.

Nâng chất lượng đội ngũ

Là năm học đầu tiên thầy trò được thụ hưởng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học hiện đại tại quận Long Biên (Hà Nội) - Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng đang có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện Chương trình SGK mới.

Cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng.
Cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng.

Cô Lê Thị Thu Hường - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2023-2024 trường hiện có 761 học sinh ở 29 lớp; riêng khối 4 có 6 lớp, khối 5 là 5 lớp. Toàn trường có tổng số 69 CBGVNV; trong đó gồm 2 giáo viên Mỹ thuật, 2 Âm nhạc, 6 Giáo dục thể chất, 1 Tin học, 4 Tiếng Anh. Trong đó, cả 4 giáo viên Tiếng Anh đều đạt và vượt yêu cầu trình độ IELTS 5.5.

Trường có hai giáo viên đạt IELTS 6.0; một giáo viên đạt 6.5 và một giáo viên đạt 7.0. Ngoài ra, trường cũng có 3 giáo viên đã tham gia đề án đào tạo phương pháp giảng dạy cho giáo viên Tiếng Anh và đạt chứng chỉ giảng dạy TKT CLIL (phương pháp học tích hợp ngôn ngữ và nội dung) năm 2022 của Cambridge English công nhận toàn cầu.

Cô trò cùng hoạt động tại Phòng học STEM của trường.

Cô trò cùng hoạt động tại Phòng học STEM của trường.

Năm nay, trường tiếp cử 2 giáo viên tham gia lớp học đào tạo về phương pháp. Hiện đã có 3 cô giáo có chứng chỉ Cambridge (English) và đạt chứng chỉ về phương pháp giảng dạy môn Khoa học.

"Chương trình giáo dục của nhà trường có tính thúc đẩy về mặt phương pháp. Năm nay, điều kiện cơ sở vật chất được đầu tư mới, tăng cường các trang thiết bị âm thanh nghe nhìn ở các phòng học và bộ môn để phục vụ thầy trò giảng dạy - học tập", cô Hường thông tin.

Tại Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, sĩ số mỗi lớp chỉ hơn 30 học sinh.

Tại Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, sĩ số mỗi lớp chỉ hơn 30 học sinh.

Về thực hiện Chương trình GDPT 2018 với lớp 4, trong đó có Giáo dục STEM, trường thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội từ năm học trước. Năm nay là hoạt động giáo dục bắt buộc với cấp Tiểu học. Bộ GD&ĐT đã biên soạn các tài liệu hướng dẫn cho giáo viên, quận cũng tổ chức tập huấn cho thầy cô.

STEM là hoạt động giáo dục song hành cùng các môn học trong chương trình SGK mới. Nhà trường quan tâm thực hiện tốt các bài dạy STEM ở mức độ 1 trong Chương trình GDPT 2018. Ngoài ra, trường có phòng học STEM, trong đó quan tâm đến Không gian sáng chế và Lập trình để các em phát huy được khả năng của mình, phát huy bài giảng STEM ở mức 2.

"Bên cạnh đó, chương trình giáo dục lịch sử- địa lý địa phương được nhà trường xây dựng chi tiết, linh hoạt. Nhà trường triển khai đồng bộ, hiệu quả phù hợp với thực tiễn của Giáo dục truyền thống lịch sử và các yếu tố địa lý, làng nghề truyền thống của quê hương Long Biên" - cô Lê Thị Thu Hường trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ