Sử dụng sách giáo khoa theo Chương trình mới sao cho hiệu quả?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thay đổi cách tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa là yêu cầu quan trọng đối với đội ngũ nhà giáo khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Học sinh tham quan triển lãm sách giáo khoa năm 2022.
Học sinh tham quan triển lãm sách giáo khoa năm 2022.

Tuy nhiên, không phải giáo viên nào cũng có thể khai thác được lợi thế có nhiều bộ sách và sử dụng sách giáo khoa hiệu quả.

Vượt qua rào cản

Qua tập huấn cho đội ngũ, cô Nguyễn Ngọc Thuý, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) nhận thấy nhiều thầy cô còn khó khăn khi đọc, nghiên cứu nhiều bộ sách giáo khoa để chọn được bộ sách phù hợp với trường mình và dạy song song 2 chương trình.

“Để khai thác, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa, trước hết giáo viên phải nghiên cứu sâu cả chương trình tổng thể và chương trình môn học mình phụ trách. Thầy cô cũng cần thay đổi cách tiếp cận, dạy học, kiểm tra đánh giá… Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 mới triển khai đến lớp 8 ở cấp THCS. Tôi tin khi có thời gian trải nghiệm, nghiên cứu về chương trình và các bộ sách giáo khoa, giáo viên sẽ mạnh dạn thay đổi, đáp ứng được yêu cầu mới”, cô Nguyễn Ngọc Thuý cho hay.

Việc khai thác ưu điểm của các bộ sách cũng có rào cản từ yếu tố chủ quan và khách quan. Đó là việc giáo viên chưa thực sự đầu tư, tìm hiểu sâu về các bộ sách (ngoài bộ sách giáo khoa nhà trường lựa chọn), nên cách an toàn nhất là sử dụng văn bản, bài trong sách giáo khoa đang dạy. Cùng đó, nếu muốn đưa vào ngữ liệu mới, giáo viên phải tìm cách để học sinh được tiếp cận bằng phô tô tài liệu, gửi đường link…, đồng nghĩa mất nhiều thời gian, công sức hơn.

Theo thầy Trang Minh Thiên, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), thay đổi cách tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa khi triển khai Chương trình GDPT 2018 là tất yếu. Tuy nhiên, giai đoạn đầu triển khai, cả giáo viên và học sinh đều gặp khó vì có nhiều lựa chọn; trình bày, sắp xếp nội dung giữa các bộ sách khác nhau.

Tuy nhiên, với sự đồng hành của lãnh đạo nhà trường và tổ chuyên môn, cũng như nghiên cứu kĩ văn bản chỉ đạo, thầy cô đã linh hoạt hơn trong sử dụng sách giáo khoa; mạnh dạn trao đổi, chia sẻ thông tin về nội dung có thể vận dụng ở các bộ sách khác nhau để tổ chức hoạt động dạy và học.

“Qua năm thứ 2 thực hiện chương trình mới, tôi luôn linh hoạt sử dụng các bộ sách giáo khoa; tùy vào nội dung mà lựa chọn cách lý giải hợp lý, khoa học và ngắn gọn nhất cho học sinh dễ hiểu. Tôi cho rằng, để sử dụng sách giáo khoa hiệu quả, giáo viên phải nghiên cứu nội dung bài học ở các bộ sách khác nhau. Từ đó, thầy cô đúc rút nội dung cốt lõi đáp ứng được yêu cầu cần đạt của bài và tiến hành xây dựng kế hoạch bài dạy hợp lý, linh hoạt, khoa học; thiết kế slide trình chiếu sinh động để thu hút học sinh”, thầy Trang Minh Thiên chia sẻ.

Là giáo viên dạy Khoa học tự nhiên, thầy Nguyễn Ngọc Khiêm, Trường THCS Thân Nhân Trung (Việt Yên, Bắc Giang) cho rằng: Để khai thác, sử dụng hiệu quả sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018, giáo viên cần xác định mục tiêu bài học, từ đó đi sâu vào kiến thức cơ bản; căn cứ vào nội dung của từng phần để lựa chọn phù hợp…

Cô Nguyễn Ngọc Thuý, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và học trò trong giờ học. Ảnh: NVCC

Cô Nguyễn Ngọc Thuý, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) và học trò trong giờ học. Ảnh: NVCC

Đồng hành cùng giáo viên đổi mới

Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng, Chương trình GDPT 2018 muốn đạt được chiều sâu, thực chất, giáo viên cần thay đổi quan niệm, cách sử dụng sách giáo khoa, thói quen trong chuyên môn; hiệu trưởng đổi mới cách quản lý.

Theo Chương trình GDPT 2018, chương trình là duy nhất, thống nhất toàn quốc; sách giáo khoa là học liệu đặc biệt có kiểm duyệt của Bộ GD&ĐT. Chương trình quy định nguyên tắc, định hướng chung yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của học sinh, nội dung, phương pháp và đánh giá kết quả giáo dục.

Về phía Sở GD&ĐT An Giang đã triển khai nhiều việc để thực sự thay đổi cách tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa theo chương trình mới đến từng giáo viên. Trong đó có tuyên truyền đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh và cộng đồng xã hội về việc thực hiện một chương trình có thể có nhiều bộ sách giáo khoa; sách giáo khoa không phải “pháp lệnh” mà là học liệu tham khảo, giáo viên có thể tham khảo nhiều sách giáo khoa.

Sở GD&ĐT cũng triển khai Chương trình GDPT tổng thể cho tất cả giáo viên nghiên cứu và góp ý kiến trước khi Bộ ban hành Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên về chương trình; tham gia góp ý các bộ sách giáo khoa; tổ chức tập huấn cho tất cả giáo viên sử dụng sách giáo khoa.

Sở GD&ĐT đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghiên cứu bổ sung vào kế hoạch bài dạy của giáo viên nhiều nguồn học liệu khác ngoài học liệu chính là sách giáo khoa. Trang bị bổ sung sách giáo khoa theo Chương trình GDPT 2018 cho thư viện để giáo viên tham khảo, nghiên cứu. Hội đồng cốt cán của sở GD&ĐT hỗ trợ tư vấn chuyên môn các tổ chuyên môn, giáo viên về cách tiếp cận và sử dụng sách giáo khoa; tư vấn xây dựng các kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy nhằm thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018…

“Thực tế triển khai không tránh khỏi khó khăn bởi phải chuyển đổi thói quen từ sử dụng sách giáo khoa như “pháp lệnh” sang chỉ là học liệu tham khảo quan trọng. Tuy nhiên, với nhiều giải pháp thực hiện, giáo viên trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi nhanh chóng trong tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa mới; không còn áp lực về nội dung kiến thức, thời gian như trước. Thầy cô tự chủ thời gian, nội dung kiến thức phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh, bảo đảm yêu cầu cần đạt của chương trình”, ông Trần Tuấn Khanh nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ