Thầy cô lắng nghe học trò để thay đổi!

Thầy cô lắng nghe học trò để thay đổi!

Nói về văn hóa học đường, cô Nguyễn Hồng Hải – Giáo viên trường THPT Phạm Hồng Thái (HN) chia sẻ:

"Việc kết hợp giữa cha mẹ học sinh và giáo viên rất cần thiết trong giáo dục các con, đặc biệt là cách ứng xử văn hóa. Đối với trường THPT Phạm Hồng Thái, trong buổi họp phụ huynh đầu tiên, giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh thường có những chia sẻ về mục tiêu giáo dục các con không chỉ về kiến thức mà còn cách ứng xử, kỹ năng sống, giao tiếp hàng ngày,…Phụ huynh học sinh thường cùng đồng hành với giáo viên trong việc hỗ trợ các hoạt động giáo dục. Trong suốt quá trình học tập, giáo viên và phụ huynh học sinh có mối liên hệ chặt chẽ, chia sẻ và thống nhất trong cách giáo dục”.

Việc dạy văn hóa ứng xử cho học sinh không phải là việc có thể làm trong “ngày một, ngày hai” mà cần có quá trình. Vì vậy, trong bất kỳ hoạt động giáo dục nào cũng cần lồng ghép dạy văn hóa ứng xử cho học sinh.

Đặc biệt, đối với học sinh lớp 12, sự thay đổi về mặt tâm lý là tương đối nhiều và có nhiều mối quan tâm hơn như hướng nghiệp, tình cảm,…Cô Hải cho rằng: “Việc thay đổi tâm lý cũng là điều bình thường. Đối với giáo viên, phải nhìn nhận và không coi đó là “hiện tượng cá biệt”, mà với mỗi em thì có cách ứng xử khác nhau.

Hẳn là trường nào cũng có những học sinh “cá biệt” nhưng tôi coi đó là học sinh “đặc biệt” như hoàn cảnh học sinh đặc biệt, tâm lý, giới tính đặc biệt,…Những trường hợp đó, sẽ có từng cách giáo dục khác nhau cho phù hợp. Bởi người giáo viên mà coi học sinh đó là cá biệt thì vô hình chung sẽ tạo ra định kiến cho các em”.

Cô Hải cũng chia sẻ thêm, để học sinh có cách ứng xử văn hóa, mỗi nhà trường cần thay đổi từ việc nhỏ nhất để các con thực sự hạnh phúc.

“Khái niệm “hạnh phúc” là một khái niệm rộng nên quan niệm về trường học hạnh phúc cũng sẽ có những điểm khác nhau. Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về hạnh phúc. Nói chung, hạnh phúc là được thỏa mãn về nhu cầu nào đó. Nhà trường hạnh phúc là nhà trường đem đến sự hài lòng cho người dạy và người học. Vì vậy, giáo viên cần thay đổi để có được nhà trường hạnh phúc” – cô Hải nói.

Đồng thời, cô Hải cũng cho rằng, giáo viên là người quan trọng đối với học sinh khi ở trường, vì vậy đòi hỏi mỗi thầy cô cũng cần thay đổi tích cực để các con không bị áp lực, bực bội dẫn đến những hành vi ứng xử không chuẩn mực văn hóa. “Thầy cô cần thay đổi về phương pháp dạy học để những bài học trên lớp thực sự hấp dẫn, sinh động, học sinh cảm thấy hài lòng. Đồng thời, phải thay đổi cách ứng xử.

Trước đây, thầy cô giáo có khoảng cách với học sinh, nhưng hiện nay, giáo viên phải học cách thay đổi để không chỉ là người thầy mà còn là “người bạn” , “người cha, mẹ” để học sinh tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ. Kinh nghiệm của bản thân về sự thay đổi chính là học cách lắng nghe học trò của mình” – cô Hải chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ