Hơn 40 năm sau ngày tốt nghiệp cấp ba, tôi luôn nhớ và tri ân ngôi trường thân yêu, với thầy, cô giáo đã dạy dỗ chúng tôi nên người.
Ngôi trường yêu dấu
Bất cứ ở đâu, thời điểm hay sự kiện nào, khi lời hát “Trường em, Trường cấp ba Đông Hà, đứng giữa đồi cao lớp lớp mái tôn…” được cất lên thì tất cả chúng tôi - những thế hệ học sinh của trường - đều thấy mình như trẻ lại và lâng lâng nhớ về những tháng ngày học tập, lao động dưới mái trường thân yêu này.
Ngôi trường ngày ấy không lớn lắm, chỉ mấy dãy nhà tôn và một hội trường nhỏ, nhưng nó được đứng chân trên đồi cao lộng gió và hiên ngang với những “ống thu lôi vươn thẳng lên nền trời xanh…”. Tiền thân của Trường cấp ba Đông Hà là Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị, được UBND cách mạng tỉnh Quảng Trị thành lập năm 1973 – là trường trung học đệ nhị cấp đầu tiên ở vùng giải phóng miền Nam. Từ năm 1989, sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị, trường được đổi tên thành Trường THPT Đông Hà. Qua gần 50 năm hình thành và phát triển, Trường THPT Đông Hà luôn là trường trọng điểm, chất lượng cao của tỉnh, góp phần đào tạo nhân lực cho quê hương Quảng Trị và đất nước.
Trở về thăm trường, chúng tôi càng thấy tự hào khi ngôi trường mấy dãy nhà tôn ngày xưa được thay bằng ngôi trường khang trang, bề thế. Mấy hàng cây xà cừ mà ngày trước chúng tôi trồng nay đã trở thành những cây cổ thụ, tỏa bóng mát cho bao thế hệ học trò của trường.
Nữ sinh Trường Trung học Đệ nhị cấp Quảng Trị (tiền thân của Trường THPT Đông Hà) từng đón nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đến thăm. |
Những người thầy kính yêu
Bước chân vào trường, chúng tôi suy nghĩ, chắc thầy, cô giáo cấp ba sẽ khác thầy cô cấp hai, bởi vì, họ là những người có trình độ cao và chắc là nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên, khi được học, được tiếp xúc với thầy cô, chúng tôi mới nhận ra thầy cô cấp ba cũng không khác với thầy cô cấp hai, cũng giản dị, gần gũi, và thương yêu học trò. Thầy cô là những người con Quảng Trị trở về từ miền Bắc, hay ở miền Nam ra, bên cạnh một số thầy cô ở miền Bắc chi viện cho giáo dục miền Nam.
Ngày ấy, cuộc sống của thầy cô vô cùng cực khổ, chủ yếu trông chờ vào chế độ tem, phiếu; lương thấp, gạo thiếu, mỗi người chỉ được 13 kg gạo, mỗi tháng, mà có khi không đủ, phải thêm sắn và bo bo. Một điều mà sau này chúng tôi mới hiểu, hầu hết thầy cô đều được đào tạo ở trường đại học sư phạm 2 năm hoặc 3 năm. Khi vào Nam lại tiếp cận với chương trình hoàn toàn mới, hệ 12 năm, chương trình cao hơn so với chương trình 10 năm ở miền Bắc.
Ngành Giáo dục giai đoạn ấy đâu có “dự án”, hay “chương trình” để tập huấn, bồi dưỡng như những lần đổi mới chương trình, sách giáo khoa gần đây. Tất cả đều dựa vào sự nỗ lực tự học, tự nghiên cứu của mỗi người và sự hỗ trợ giúp đỡ nhau của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn. Chúng tôi có dịp về thăm cô Phan Thị Thọ, một giáo viên Toán. Cô hỏi: “Hồi cô dạy về ánh xạ, song ánh, toàn ánh, mấy em có hiểu không?”.
“Thưa cô, chúng em có hiểu nhưng không chắc lắm”, chúng tôi trả lời. Cô cho biết, sau mấy năm giảng dạy Toán lớp 10, cô mới hiểu sâu sắc những vấn đề mà cô đã dạy cho các em. Vậy đó, tất cả các môn học, đặc biệt là các môn Khoa học tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Sinh đều cao hơn chương trình hệ 10 năm.
Không được tập huấn nhiều, lại thiếu thốn tài liệu và đời sống của giáo viên vô cùng khó khăn. Song, với lòng yêu nghề và trách nhiệm với học trò, tất cả thầy cô ngày đêm tự nghiên cứu, trao đổi với nhau, miệt mài với từng trang giáo án để có thể cho chúng tôi những bài giảng hay và sâu sắc.
Thầy Hiệu trưởng Lê Quang Vãn, với vầng trán cao, nghiêm khắc nhưng lại gần gũi với học trò. Thầy là người đề xướng truyền thống “Chăm học, chăm làm, cầu tiến bộ” của học sinh cấp ba Đông Hà. Được học Toán với thầy Đinh Hữu Trạch, những học sinh như chúng tôi cảm thấy thích thú và yêu Toán hơn, bởi những lập luận logic, sáng sủa với những ví dụ gần gũi trong cuộc sống, đã làm cho chúng tôi hiểu được những khái niệm khó và trừu tượng của Toán học cao cấp như nhóm, vành, trường, số phức...
Chúng tôi nhớ mãi bài giảng của thầy về “Phép kéo theo”: “Đúng kéo theo Đúng là Đúng”; “Đúng kéo theo Sai là Sai”; “Sai kéo theo Đúng là Đúng” và “Sai kéo theo Sai là Đúng”. Những phép toán tưởng chừng khô khan ấy, đã theo chúng tôi suốt cuộc đời.
Thầy giáo dạy văn Lê Ngọc Minh, đã có những bài giảng mà mãi sau này nhiều khóa học sinh còn nhớ và kể lại. Đó là bài giảng về truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu. Lời giảng của thầy còn đọng mãi với học trò: “Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu lại là mảnh trăng tỏa sáng giữa cái không gian đạn bom chết chóc của cuộc kháng chiến ác liệt nhất, dữ dội nhất của dân tộc”; “Nguyễn Minh Châu đã nhìn thấy tình yêu lãng mạn mà cao cả của Nguyệt và Lãm giữa khung cảnh của sự hủy diệt. Đây chính là điều lý giải vì sao dân tộc ta lại chiến thắng một kẻ thù mạnh nhất”.
Thầy cô ảnh hưởng đến quyết định của tôi
Là thế hệ học sinh khóa 4, giai đoạn từ năm 1976 - 1979, chúng tôi hội tụ về đây từ những miền quê khác nhau, đa số là học sinh nông thôn. Đã bao nhiêu năm rồi nhưng chúng tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác vui sướng pha chút tự hào khi được ôm một chồng sách mới, còn thơm mùi mực in được mượn từ thư viện nhà trường.
Lớp chúng tôi là lớp ban C (Toán, Lý, Hóa), do vậy, chuẩn bị tốt nghiệp và làm hồ sơ dự thi đại học, đa số các bạn trong lớp đều đăng ký dự thi các trường Bách khoa, Tổng hợp, Sư phạm, Thủy sản, Y khoa. Ngày đó, tôi làm hồ sơ dự thi Bách khoa Đà Nẵng. Tuy nhiên, hình ảnh thầy cô và nghề giáo cứ ấn tượng trong tôi, nên cuối cùng tôi quyết định thi vào Khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Huế, trong sự ngạc nhiên của nhiều người.
Tốt nghiệp đại học, tôi được về dạy khối chuyên Lý, Trường chuyên THPT Quốc học Huế, sau ngày chia tách tỉnh Bình Trị Thiên, tôi trở về dạy ngay chính trường ngày xưa mình học. Hơn 40 năm đã qua, giờ đây tôi có thể trả lời với bạn bè rằng, chính thầy cô đã ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đổi ngành từ bách khoa sang sư phạm của tôi ngày ấy.