Thầy cô dốc sức giúp trò ôn tập thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Nhiều giải pháp được Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) áp dụng, với sự nỗ lực cao nhất của cán bộ, giáo viên để giúp học trò đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.

Cô trò Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong giờ ôn tập. Ảnh: Thế Đại
Cô trò Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) trong giờ ôn tập. Ảnh: Thế Đại

Dạy học, ôn tập bám sát năng lực từng học trò

Cô Trần Thị Hải Yến, hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm cho biết: Hiện nay, ngoài giờ học chính khóa theo chương trình, học sinh còn được tham dự các lớp học tăng cường.

Lớp học tăng cường là lớp ghép các học sinh có cùng lựa chọn môn thi tổ hợp và phù hợp với năng lực. Căn cứ vào lực học của mình và thời gian biểu cá nhân, các em có thể tham gia với thời lượng khác nhau và hoàn toàn tự nguyện.

Thầy cô dốc sức giúp trò ôn tập thi tốt nghiệp THPT ảnh 1
Click vào ảnh để xem nội dung

Tuy nhiên, những học sinh có lực học yếu kém của môn nào thì nhà trường sắp xếp lịch học riêng môn đó; và học sinh này phải tuân thủ nhiệm vụ học tập mà thầy cô đã được nhà trường phân công giúp đỡ giao cho. Việc phụ đạo cho học sinh yếu kém ở trường là hoàn toàn miễn phí.

Sau khi kết thúc chương trình học, trường sẽ phân ra các lớp nhỏ cho phù hợp với năng lực và môn thi tự chọn của học sinh. Sẽ có những lớp có các thầy cô hướng dẫn học sinh luyện đề, từ đó bù đắp kiến thức và kỹ năng còn thiếu hụt. Có những nhóm học sinh sẽ tự học với nhau tại nhà trường dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Các lớp này, học sinh đăng ký tham gia là hoàn toàn tự nguyện.

"Việc chọn trường và chọn ngành sao cho đúng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thời điểm này các em phải quyết định chứ không băn khoăn được nữa. Tôi khuyên các em vẫn nên kiên định theo ngành mà mình yêu thích, phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Và chọn các trường đại học khác nhau có ngành đó rồi sắp xếp thứ tự nguyện vọng trường theo khả năng có thể đỗ của mình khi làm hồ sơ đăng kí xét tuyển vào các trường đại học".
Cô Trần Thị Hải Yến

Chia sẻ về giải pháp ôn tập với đối tượng học sinh yếu, có nguy cơ có kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp, cô Trần Thị Hải Yến cho biết: Căn cứ kết quả các bài kiểm tra thường xuyên, định kì và nhận xét của các thầy cô giáo bộ môn, ngay khi kết thúc học kỳ I nhà trường đã lập danh sách những học sinh cần được giúp đỡ trong việc học và ôn thi tốt nghiệp THPT.

Sau đó, trường phân công giáo viên giúp đỡ những học sinh này ngay từ đầu học kỳ II. Các em được hướng dẫn ôn tập theo nhóm nhỏ, phù hợp với năng lực riêng của mình.

“Hiện Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm vẫn đang áp dụng hình thức ôn tập kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các thầy cô sử dụng nguồn học liệu từ trang HanoiStudy, HANOITV cho việc dạy học và ôn tập. Giáo viên sẽ yêu cầu học sinh làm bài hoặc xem video ở nhà và thực hiện trước một số nhiệm vụ học tập. Trên lớp, giáo viên sẽ giải đáp các thắc mắc, khái quát hóa nội dung, luyện tập và mở rộng kiến thức, kĩ năng cho học sinh.” - cô Trần Thị Hải Yến cho biết thêm.

Cô Yến cũng nhấn mạnh việc tự học, tự rèn luyện thực hành là rất quan trọng. Tự học và biết vận dụng kiến thức là năng lực cần thiết trong cả cuộc đời. Tuy nhiên, với học sinh, nếu chỉ tự học thì có thể phương pháp và hiệu quả học sẽ không cao, nhất là với học sinh yếu kém. Các em vẫn cần sự hướng dẫn, trợ giúp của thầy cô.

“Tại trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, chúng tôi luôn kết hợp giữa việc học sinh học từ thầy cô và tự học. Chúng tôi luôn coi trọng tiết truy bài đầu giờ và bố trí các phòng tự học, học nhóm và tự học có hướng dẫn cho các em học sinh” – cô Yến cho hay.

Học sinh Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) trao đổi bài học trong khuôn viên nhà trường.
Học sinh Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) trao đổi bài học trong khuôn viên nhà trường.

Kết hợp nhiều hình thức dạy học

Thí sinh năm nay trải qua 2 kỳ Covid-19 với nhiều biến động trong việc học. Để học sinh để có tâm thế tốt trước kỳ thi, Trường THPT Trần Phú – Hoàn Kiếm đã gửi thông tin đầy đủ tới học sinh, cha mẹ học sinh; nhất là những văn bản chỉ đạo của Ngành để mọi người được hiểu rõ tình hình và không hoang mang.

Nhà trường còn chỉ đạo thực hiện nhiều hình thức dạy học phù hợp theo phương châm “tạm dừng tới trường, nhưng không dừng việc học”; phân nhỏ các lớp học phù hợp với năng lực và nguyện vọng của học sinh để giúp các em một cách tối đa trong việc học và ôn thi.

Ngoài học tập trực tiếp cùng thầy cô trên các lớp học, các em còn được cùng thầy cô giao bài, chữa bài và thảo luận trên internet để tiết kiệm thời gian di chuyển tới các lớp học.

“Việc kết hợp nhiều hình thức dạy học giúp nhà trường, các thầy cô giám sát tốt việc học của học sinh và các bậc cha mẹ học sinh cũng an lòng vì thầy cô luôn đồng hành cùng các em” – Hiệu trưởng Trần Thị Hải Yến chia sẻ.

Trước băn khoăn về các khóa học ôn thi online, cô Yến lưu ý học sinh cần hoàn thành các nội dung học ở lớp, ở trường. Vì nhà trường có trách nhiệm dạy học và ôn tập cho học sinh đáp ứng yêu cầu của kì thi. Với thí sinh tự do, cũng nên liên hệ tới trường mà mình đã học lớp 12 để được tham dự các lớp ôn tập. Các trường THPT có trách nhiệm hỗ trợ các em trong vấn đề này.

Đồ họa: An Nhiên
Đồ họa: An Nhiên

“Tại Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, tất cả học sinh của trường vì lý do nào đó chưa tốt nghiệp THPT, đều được nhà trường chủ động liên hệ tư vấn, giúp đỡ, hướng dẫn các em trong việc ôn tập. Với học sinh của đã tốt nghiệp THPT có nhu cầu tham gia kỳ thi để xét tuyển vào đại học, cao đẳng, cũng vẫn được nhà trường hỗ trợ chu đáo. Trong cả 2 trường hợp này, học sinh đều không phải mất kinh phí.Ngoài ra, các em có thể tham gia các kênh học online nếu có thời gian và bản thân thấy có hiệu quả” – cô Trần Thị Hải Yến thông tin.

Nói thêm về kinh nghiệm triển khai ôn tập từ đề thi tham khảo, cô Yến cho biết, tại Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, giáo viên bộ môn giới thiệu đề minh họa cho học sinh tự làm. Tiếp đó, các thầy cô sẽ chữa, đồng thời ra các đề tương tự đề minh họa, phủ hết nội dung chương trình, cho học sinh tự làm và chấm chéo lẫn nhau. Sau đó giáo viên bộ môn sẽ chữa và sửa bài cho học sinh, nhận xét bài làm của học sinh để học sinh nhận ra những ưu điểm và hạn chế của mình, từ đó có kế hoạch bồi đắp kiến thức.

Nội dung đề thi bám sát chương trình và sách giáo khoa hiện hành, nên việc học kiến thức và kĩ năng trong sách giáo khoa là rất cần thiết. Ngoài ra, em có thể sử dụng thêm các sách tham khảo. Song cần phải biết lựa chọn sách của các tác giả và nhà xuất bản có uy tín, phục vụ cho nội dung ôn thi. Các em có thể xin ý kiến tham khảo của các thầy cô trong trường. Nếu chỉ học theo SGK nhưng biết đào sâu suy nghĩ, có tư duy phản biện để xem xét vấn đề ở các khía cạnh khác nhau và liên hệ với thực tiễn cuộc sống thì em vẫn có thể đạt được điểm cao khi làm bài thi.
Cô Trần Thị Hải Yến

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.