Thầy cô có đơn độc trong hành trình giáo dục?

GD&TĐ - Gia đình, nhà trường và xã hội được coi như ba chân kiềng trong giáo dục. Thiếu đi một trong những chân kiềng thì hoạt động giáo dục khó để đạt tới hiệu quả mong muốn. 

Thầy cô có đơn độc trong hành trình giáo dục?

Thế nhưng trong thực tế, nhiều thầy cô giáo đang đối diện đơn độc, thiếu sự đồng hành của gia đình trong giáo dục. Thậm chí, nhiều người làm cha mẹ lại chính là những tấm gương mờ tác động tiêu cực đến nhận thức, nhân cách học trò.

Gia đình – Chân kiềng không thể khuyết

Gia đình – Nhà trường – Xã hội là ba chân kiềng trong quá trình giáo dục một học trò. Thiếu đi một trong những chân kiềng ấy thì việc giáo dục sẽ gặp trở ngại khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn không ít giáo viên phải ngao ngán lắc đầu vì sự bất hợp tác, bảo thủ, cách cư xử thiếu chừng mực, kiềm chế và sự tôn trọng giáo viên, nhà trường của nhiều bậc phụ huynh.

Các thầy cô làm công tác giảng dạy và quản lý các nhà trường đều cho rằng, nhà trường không thể thay thế hoàn toàn trong công tác giáo dục một học sinh cả mặt trí tuệ lẫn đạo đức. Sẽ trở nên khó khăn để cùng hợp tác giáo dục học sinh nếu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên lạc với gia đình nhưng không nhận được sự phối hợp. Khi điện thoại lại không nhấc máy, gửi thư, giấy mời tới trường trao đổi thì lần nào cũng được từ chối bằng lý do: bố mẹ đi công tác, bố mẹ bận, ốm…

Có trường hợp, phụ huynh khi tới trường giải quyết sự việc do con em mình gây ra thay vì bình tĩnh tìm hiểu lỗi lầm sai phạm đến đâu? tìm cách phối hợp giáo dục với nhà trường ra sao để hiệu quả lại vặn vẹo lại thầy cô nhà trường, dọa nạt kiện lại nhà trường nếu xử lý không thỏa đáng. Ngay cả khi thấy rõ lỗi lầm mà con mình gây ra vẫn bảo thủ bênh vực.

Rất nhiều lần giáo viên chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán trước sự bảo thủ, bất hợp tác hay cách cư xử thiếu chừng mực, kiềm chế, thiếu tôn trọng người khác của những phụ huynh cá biệt.

Khi các bậc làm cha làm mẹ không có sự chuẩn mực trong hành vi, lối sống, cách cư xử, thì vô tình họ đã dạy cho con mình những bài học không tốt về thái độ ứng xử hằng ngày. Một học sinh sẽ không thể thấy việc nhuộm tóc xanh đỏ, ăn mặc lố lăng tới trường là không phù hợp. Một học sinh sẽ không thấy việc hút thuốc lá là sai trái, nguy hiểm đến sức khỏe nếu người cha cũng nghiện và tảng lờ nhắc nhở ngăn cấm, giáo dục con.

Đối diện với phụ huynh cá biệt

Tiếp xúc thực tế với đội ngũ nhà giáo trong quá trình hoạt động sư phạm, nhiều thầy cô đã thẳng thắn chia sẻ rằng họ đã gặp, tiếp xúc và giáo dục thành công không ít trường hợp học sinh cá biệt. Với sự nhẫn nại bao dung, tình yêu thương của mình họ đã biến những học sinh chưa ngoan, bướng bỉnh, lười học… thành những học sinh có đạo đức, năng lực tốt. Thế nhưng với những bậc phụ huynh “cá biệt” lại khiến giáo viên rơi vào tình trạng dở khóc dở cười, thậm chí đau đầu để tìm ra cách ứng xử linh hoạt phù hợp. Phần lớn những tình huống mà phụ huynh “cá biệt” mang đến cho giáo viên phải đối diện trong thực tế không có trong bất kỳ giáo án sư phạm nào để họ được tập huấn, chuẩn bị ứng phó.

Cô Nguyễn Thị Vân, một giáo viên THPT ngoài công lập nói: Học sinh nghịch ngợm, cá biệt thầy cô giáo đã quá quen và luôn tìm ra phương pháp giáo dục phù hợp. Thế nhưng khi phụ huynh cũng “cá biệt” thì công tác chủ nhiệm, uốn nắn dạy giỗ học sinh càng trở nên vất vả. “Buổi họp phụ huynh đầu năm học – là dịp để giáo viên chủ nhiệm và gia đình gặp gỡ trao đổi thống nhất những nguyên tắc giáo dục và hỗ trợ lẫn nhau giúp học sinh tốt hơn. Thế nhưng dù phát giấy mời và đốc thúc học sinh nhắc bố mẹ đi họp thì cũng chỉ được gần hai chục phụ huynh tới họp. Có bố mẹ đến lớp trong tình trạng quần ngố, áo hai dây, chân tay săm trổ, ngồi họp gác chân lên ghế như ngồi ăn ngoài chợ, người dở cả thuốc lá ra hút... Mặc dù cảm nhận sự thiếu tôn trọng với mình nhưng giáo viên vẫn phải nhẹ nhàng nhắc nhở và điều khiển cuộc họp đi hết vấn đề – cô V chia sẻ.

Không ít thầy cô đảm nhiệm công tác giám thị các trường cũng cho biết: Nhiều phụ huynh khi được mời tới trường để kết hợp với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm giáo dục sai trái của học sinh. Nhưng tới nơi phụ huynh lại tỏ ra bất hợp tác, quay lại mắng giám thị, đổ lỗi cho nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và bênh vực con cái. Tới khi nhà trường kiên quyết xử lý sai phạm của học sinh lại quay ra khóc lóc, năn nỉ xin giảm hình phạt cho con ở mức nhẹ nhất. Còn học sinh thì nhìn bố mẹ và thầy cô một cách thờ ơ, thách thức trước sai phạm của mình.

Nhiều trường hợp học sinh mang điện thoại di động, laptop… đến trường chơi dù đã có quy định cấm. Khi bị tịch thu xử lý mời cha mẹ đến nhận để kết hợp giáo dục thì phụ huynh đã không nhận thấy sự sai trái của con mình còn mắng lại thầy cô vì làm ảnh hưởng đến sự liên lạc của gia đình mà không biết rằng học sinh đang bị ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập bởi những thiết bị điện tử này...

Theo các chuyên gia tâm lý, để học sinh trở thành những đứa trẻ ngoan, cha mẹ chính là tấm gương, là sự phản chiếu và ảnh hưởng quan trọng nhất từ khi trẻ sinh ra đến hết cuộc đời. Chính vì vậy, để trẻ lĩnh hội được những bài học đầu tiên về ngôn ngữ, hành vi ứng xử và những quy tắc đạo đức phù hợp bằng giáo dục thì cha mẹ, gia đình không thể thiếu đi sự chuẩn mực cần thiết. Nhà trường, xã hội sẽ không thể giáo dục hoàn thiện một con người nếu thiếu sự đồng hành hợp tác từ gia đình, cha mẹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?
Nhiều nhà tuyển dụng e ngại làm việc với “gen Z” vì sự khác biệt thế hệ.

'Gen Z' và 'mác' lười biếng

GD&TĐ - Trên một số diễn đàn, hội nhóm chia sẻ kinh nghiệm làm việc, nhiều nhà tuyển dụng, quản lý cho biết cảm thấy khá e ngại khi làm việc với thế hệ trẻ...