Tháo gỡ “điểm nghẽn” về phát triển nguồn nhân lực

GD&TĐ - Theo PGS.TS. Phạm Văn Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục: Phân luồng trong giáo dục phổ thông được hiểu là tạo ra các con đường và định hướng cho học sinh phổ thông sau khi tốt nghiệp một cấp, bậc học nào đó có thể lựa chọn hướng đi phù hợp để học tiếp hoặc tham gia thị trường lao động.

Phân luồng trong giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực. Ảnh minh họa/internet
Phân luồng trong giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực. Ảnh minh họa/internet

Mỗi học sinh đều có cơ hội lựa chọn nghề nghiệp phù hợp

PGS.TS. Phạm Văn Sơn – phân tích: Phân luồng là việc quy hoạch phát triển giáo dục theo các hướng khác nhau của toàn hệ thống giáo dục sau cấp học phổ cập bắt buộc để định hướng cho việc phát triển nguồn nhân lự (NNL) quốc gia.

Phân luồng đi học lên cấp cao hơn, học nghề, phân ngành nghề, cấp bậc học cho phù hợp với đặc điểm mỗi cá nhân là việc làm có tính khoa học, nhân văn, mang lại lợi ích cho cá nhân và xã hội. Những đặc điểm, năng lực của từng cá nhân được hình thành và bộc lộ dần trong quá trình trưởng thành.

Thông qua các hoạt động, trải nghiệm trong cuộc sống, con người dần định hình và hoàn thiện nhân cách. Vì vậy, hiểu được sở trường, năng lực vốn có của bản thân và nhu cầu nhân lực của xã hội là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình học tập của học sinh, sinh viên, từ đó mỗi học sinh sẽ lựa chọn cho mình một, hoặc một số nghề để học tập, làm việc kiếm thu nhập để duy trì và phát triển cuộc sống phù hợp với hoàn cảnh xã hội.

“Thực tế cho thấy, mỗi học sinh có những thiên hướng, năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, thực hiện phân luồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mỗi học sinh đều có cơ hội để lựa chọn cho mình con đường nghề nghiệp phù hợp để phát triển năng lực, sở trường, nguyện vọng của mình và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cá nhân, đáp ứng nhu cầu về NNL của đất nước.

Phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông (học sinh sau THCS, THPT) còn nhằm điều chỉnh sự phân bố NNL của quốc gia cho phù hợp với yêu cầu của đất nước trong từng giai đoạn phát triển để sử dụng một cách có hiệu quả nhất tài nguyên con người cho đất nước” - PGS.TS. Phạm Văn Sơn nhấn mạnh.

Công tác phân luồng học sinh sau trung học là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài
Công tác phân luồng học sinh sau trung học là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài

Tạo động lực thúc đẩy toàn xã hội phát triển nhanh chóng, hài hoà

Cũng theo PGS.TS. Phạm Văn Sơn, phân luồng trong giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo nhân lực với cơ cấu trình độ, ngành nghề phù hợp trong từng giai đoạn phát triển kinh tế.

Vì vậy, nếu có chính sách phân luồng đúng sẽ có cơ cấu tuyển sinh và cơ cấu đào tạo cân đối, dẫn tới cơ cấu NNL hợp lý, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động trong và ngoài nước, tạo động lực thúc đẩy toàn xã hội phát triển nhanh chóng, hài hoà.

Nếu không thực hiện tốt chính sách phân luồng sẽ lãng phí nguồn tài nguyên con người, nhiều sinh viên tốt nghiệp khó tìm việc làm và nhiều học sinh tốt nghiệp các cấp không được học tiếp.

Từ sự phân tích trên cho thấy, công tác phân luồng ở giáo dục phổ thông phải được coi là một nhiệm vụ hết sức quan trọng để tạo nguồn đào tạo NNL ở nước ta. Từ nhiều năm qua chủ trương hướng nghiệp để phân luồng trong giáo dục phổ thông đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã được khẳng định trong các văn bản pháp luật quan trọng.

Cho rằng, công tác phân luồng học sinh trong GDPT hiện nay đang gặp nhiều khó khăn và bất cập, song PGS.TS. Phạm Văn Sơn – khẳng định:

Thực hiện phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh sau trung học chính là việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nguồn đào tạo NNL cho đất nước, theo yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong tiến trình CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế; tạo cơ hội thuận lợi cho mỗi người lao động không ngừng phát triển nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường của cá nhân.

"Để góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn” về phát triển NNL trong thời gian tới, bài toán đặt ra cho ngành Giáo dục, ngành LĐ,TB-XH và toàn xã hội là làm sao đẩy mạnh công tác phân luồng ở giáo dục phổ thông để tạo nguồn đào tạo nhân lực cho thị trường lao động. Vì vậy, công tác phân luồng học sinh sau trung học là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài" - PGS.TS. Phạm Văn Sơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ