Thay đổi để lớp học hạnh phúc

GD&TĐ - Trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn được xem là ngôi nhà hạnh phúc thứ hai của HS. Để có những lớp học hạnh phúc, điều cần nhất là GV cần thay đổi, mà ở đó sự bao dung, độ lượng cần được đặt lên hàng đầu. Những câu chuyện từ thực tế của các GV dưới đây cho thấy, “kỷ luật thép” không phải là sức mạnh để có một lớp học hạnh phúc đúng nghĩa.

Cô Lê Thị Thanh Nga, GV Trường THPT Bến Tre (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Cắt từ clip
Cô Lê Thị Thanh Nga, GV Trường THPT Bến Tre (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Ảnh: Cắt từ clip

Thầy cô chúng ta cần thay đổi

Từng được mệnh danh là chủ nhiệm “lớp học quân đội”, cô Nguyễn Thị Thúy - Giáo viên Trường THCS Nguyễn Duy (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ: Trước đây bản thân cô là một người rất cầu toàn. Vì thế mọi thứ đối với cô luôn phải có sự chỉn chu, hoàn hảo. Cũng vì vậy, lớp học của cô lúc nào cũng nằm trong một khuôn khổ nhất định, HS của cô tất cả đều phải thực hiện theo rất nhiều quy tắc mà bản thân cô đã đưa ra.

“Bản thân tôi luôn say sưa với tiết dạy của mình rất vui vẻ nhưng bên cạnh đó, HS của tôi lại rất căng thẳng. Như một HS trong lớp tôi đã từng chủ nhiệm, em đã nói rằng “Luật lệ ở trường không được làm sai bất cứ thứ gì. Tất cả đều phải đúng”. Đó là một yêu cầu rất khó đối với HS. Tôi đã nhận ra rằng, kỷ luật nghiêm khắc không phải là phương pháp duy nhất, cũng không phải là phương pháp tốt nhất mà còn có rất nhiều cách, nhiều phương pháp để chúng ta vẫn đạt được mục đích GD của mình. Nhưng HS cũng như GV tới trường có thể vui vẻ và hạnh phúc hơn” - cô Thúy bộc bạch.

Theo cô Thúy, hiện tại các phương pháp GD của cô thực chất không thay đổi nhiều, chỉ đơn giản là thay đổi về tư tưởng của chính bản thân mình. Với cô, quan niệm HS giỏi là HS phải có động lực tự học tập, sáng tạo và HS được phép sai lầm. “Khi mọi thứ trở nên đơn giản thì các phương pháp sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ thực hiện. Nếu như GV và HS có sự đồng cảm về cảm xúc hay bất kỳ ai nếu được tôn trọng và được chính là bản thân mình thì chắc chắn sẽ vui vẻ và hạnh phúc” - cô Thúy trải lòng.

Cô Nguyễn Thị Thúy - GV Trường THCS Nguyễn Duy (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Cắt từ clip
  • Cô Nguyễn Thị Thúy - GV Trường THCS Nguyễn Duy (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Cắt từ clip

Còn cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga - GV Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng) cho rằng, GV giống như người đang nấu một món ăn. Nếu quá tay thì không được. “Lúc nào mình cũng phải linh hoạt, nhìn thấy các con học đến tầm mình nói mà các con bắt đầu có vẻ hơi chán chán, hoặc bắt đầu bão hòa thì mình lại phải đổi phương pháp, khuấy động hoặc chuyển sang một hình thức mới” - cô Nga chia sẻ.

Cô Nga cho biết: Khi mới vào lớp 10, có những bạn gặp khó khăn trong cuộc sống, hoặc có một số vấn đề rắc rối về mặt tâm lý lứa tuổi. Vì thế để mở được từng đấy “cánh cửa lòng” của HS là điều không dễ đối với GV. “Tôi đã học được ở học trò của mình một điều rất quan trọng là: Cô muốn mở cánh cửa tâm hồn của HS thì bản thân GV phải rất chân thành. Tức là thầy cô chúng ta cần thay đổi. Bản thân tôi không chỉ là sẵn sàng mà luôn mong mỏi thay đổi, để học trò nhận được những điều tốt đẹp và để cô - trò cùng thấy hạnh phúc mỗi khi đến trường” - cô Nga cho hay.

Cần sự bao dung và niềm tin với học trò

Câu chuyện của cô Lê Thị Thanh Nga - GV dạy Lịch sử, Trường THPT Bến Tre (TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc) muốn chia sẻ liên quan đến một vấn đề rất thời sự, đó là nạn bạo lực học đường.

Cách đây khoảng 1 năm, khi còn công tác ở trường cũ, cô được giao chủ nhiệm một lớp khối C. Lớp của cô có một HS rất đặc biệt. Em đó rất thông minh, nhận thức rất tốt nhưng vì hoàn cảnh gia đình cho nên em rất nhạy cảm và rất dễ bị kích động.

“Tôi nhớ, vào khoảng cuối tháng 5, trong buổi học, tôi nhận được tin em có mâu thuẫn với một bạn nam sinh lớp khác trong giờ thể dục. Các bạn đã hẹn nhau cuối giờ học sẽ đánh nhau. Nghe tin đó tôi đã vội vã đi tìm em. Tôi tìm thấy em đang ở cổng trường với thái độ rất hung hăng. Khi đuổi kịp em tôi phát hiện em có cầm theo một con dao thép. Tôi đã phải mất rất nhiều công sức thì em mới bằng lòng đưa con dao cho tôi. Khi nhìn thấy lưỡi dao, tôi thực sự hoảng sợ bởi sự nguy hiểm và sắc bén của nó. Với tính nóng nảy của em ấy, nếu như em không làm chủ được bản thân thì không biết hậu quả sẽ nghiêm trọng như thế nào” - cô Nga kể lại.

Cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga - GV Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng). Ảnh: Cắt từ clip
  • Cô Nguyễn Thị Quỳnh Nga - GV Trường THPT Trần Nguyên Hãn (Hải Phòng). Ảnh: Cắt từ clip

Theo cô Nga, với việc gây mâu thuẫn và đem hung khí đến trường là một lỗi rất lớn. Thông thường trước đây GV giải quyết rất hành chính, đó là sẽ nộp tang vật lên và báo cáo với Ban Giám hiệu, chắc chắn nam sinh này sẽ nhận án kỷ luật. Nhưng cô hiểu rất rõ hoàn cảnh của em HS đó và biết rằng, bản chất của em không xấu. Cô Nga quyết định cho em một cơ hội.
Hai cô trò đã có một buổi nói chuyện nghiêm túc và chân thành. Trong buổi nói chuyện đó cô đã chỉ cho em thấy, HS có những giới hạn không thể vượt qua. Ví dụ, nếu em đánh nhau thực sự và dùng con dao này để đâm bạn, thì không những 12 năm học của em ấy không còn gì cả, mà những người yêu thương em ấy như: Mẹ và cô giáo cũng rất đau lòng. Sau khi nói chuyện với cô giáo xong thì nam sinh ấy tỏ ra rất hối hận. Em đã nhận lỗi và hứa rằng sẽ không vi phạm nữa. Đổi lại cô cũng hứa với em ấy rằng, sẽ giữ câu chuyện này giữa hai cô trò với nhau.

“Sau khi xử lý như vậy, tôi vẫn băn khoăn lắm, không biết em có thực sự sửa đổi hay không. Nhưng em đã chứng minh cho tôi thấy rằng, niềm tin của tôi đặt đúng chỗ. Em đã vượt qua khó khăn và nhận tấm bằng tốt nghiệp” - cô Nga cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.