Đồng lòng xây trường hạnh phúc
Trường học hạnh phúc là nơi thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Tuy nhiên, theo chia sẻ của cán bộ quản lý và giáo viên, để xây dựng trường học hạnh phúc đúng với các tiêu chí, cán bộ quản lý, thầy cô giáo và học sinh trong nhà trường phải nỗ lực không ngừng, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Muốn có trường học hạnh phúc thì học sinh phải được hạnh phúc. Học sinh không thể có hạnh phúc nếu thầy cô dạy các em không hạnh phúc. Như vậy, lãnh đạo nhà trường cần xây dựng môi trường làm việc để giáo viên cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi đến trường: Thầy cô hạnh phúc - Học sinh hạnh phúc - Trường học hạnh phúc.
Để các giáo viên đồng thuận, đồng lòng thay đổi, vai trò của người quản lý rất quan trọng. Hiệu trưởng nhà trường không chỉ là người gương mẫu để thay đổi mà còn phải truyền cảm hứng cho đồng nghiệp của mình tự thay đổi bản thân. Theo cô Mai Thị Hồ Chúc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạnh Lộc 2, huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), đặc thù lao động trong trường mầm non là của phụ nữ, thực hiện công việc chăm sóc, giáo dục trẻ như người mẹ nuôi dưỡng những đứa con. Làm công tác quản lý nhà trường đã khó, phụ nữ quản lý trường mầm non lại càng khó hơn. Bởi vai trò của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội hiện nay đều phải chu toàn.
Cô Chúc cho rằng: Quản lý trường mầm non với đội ngũ đa phần là nữ nên phương pháp phải vừa cương vừa nhu, mềm dẻo, linh hoạt vừa cương quyết, cứng rắn. Đặc biệt, cán bộ quản lý trường mầm non biết phát huy sức mạnh của nữ giới với những phẩm chất thiên tính và thời đại của người phụ nữ Việt Nam: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”. Tuy nhiên, điều quan trọng cô Chúc rút kết chính là việc chú trọng xây dựng phong cách, nhân cách của người quản lý. Hiệu trưởng phải luôn là chỗ dựa tinh thần, tấm gương sáng về cách cư xử, giao tiếp, tinh thần trách nhiệm trong công tác, khả năng xử lý, điều hành các hoạt động trong nhà trường… “Xây dựng uy tín của hiệu trưởng với cấp trên, địa phương, phụ huynh học sinh và cấp dưới của mình không phải bằng cái uy quyền mà phải bằng tác phong, nhân cách và năng lực của bản thân hiệu trưởng”, cô Chúc chia sẻ.
Thay đổi để hạnh phúc
Là giáo viên, đồng thời là người thầy truyền cảm hứng cho học sinh, thầy Thái Thành Thuận, giáo viên Trường THCS Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) luôn quan niệm “mỗi ngày được đứng trên bục giảng là niềm hạnh phúc”.
Thầy Thuận gặp biến cố vì một tai nạn cách đây 4 năm, sau tai nạn thầy phải ngồi xe lăn suốt đời. Thầy cố gắng vượt qua nỗi đau để đi dạy và trở thành người truyền cảm hứng, một tấm gương cho học sinh. Chia sẻ về trường học hạnh phúc, thầy Thái Thành Thuận cho biết: Sự thay đổi không chỉ là dạy kiến thức mà còn quan tâm đến cảm xúc của học sinh. Muốn vậy, giáo viên phải chủ động xóa đi rào cản và bước vào thế giới của học trò, vừa là thầy, vừa là người bạn lớn. Thầy, cô giáo nếu chỉ là người giảng dạy thông thường chỉ dừng lại ở thầy, cô giáo giỏi. Còn thầy, cô giáo hạnh phúc là người biết truyền cảm hứng cho học sinh, và đôi khi cách truyền cảm hứng lại rất đơn giản...
Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, chỉ khi các thầy cô có hạnh phúc, học trò mới hạnh phúc. Muốn vậy, các thầy, cô giáo phải tự thay đổi và dũng cảm thay đổi mình. Để đánh giá thầy cô có đang thay đổi hay không, chẳng ai công tâm và khách quan hơn chính học sinh… Khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học, học sinh sẽ hạnh phúc. Thay vì làm những điều lớn lao, cao xa, mỗi thầy cô, cán bộ quản lý cần học cách làm những việc nhỏ bé, bình thường như: Bình tĩnh lắng nghe; đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc; chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc; gọi tên cảm xúc; sẵn sàng nói lời xin lỗi; kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp…
Với giải pháp này, các trường học ở tỉnh Đồng Tháp bước đầu thành công trong việc xây dựng trường học hạnh phúc. Nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học sinh, nhiều trường học tổ chức đối thoại giữa lãnh đạo trường với hoc sinh. Cuộc đối thoại được thầy, trò trải lòng nhằm chia sẻ, gắn kết học sinh với nhà trường. Cũng từ đây bao “mối tơ lòng” được thầy, trò tháo gỡ… Sau mỗi cuộc đối thoại, những nụ cười, niềm tin và mối quan hệ giữa nhà trường - học sinh; giữa thầy cô giáo - học sinh thêm gắn kết, chia sẻ và hiểu nhau hơn.
Theo cô Mai Thị Thùy Trang, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Tràm Chim (Đồng Tháp): Các cuộc đối thoại là diễn đàn trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh, giúp nhà trường nắm bắt và giải quyết kịp thời những thắc mắc, nguyện vọng chính đáng liên quan đến học tập, rèn luyện, nội quy, quy định; các chế độ chính sách, quyền và nghĩa vụ của học sinh trong giai đoạn học tập tại trường.