Thầy chủ nhiệm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tạm gác lại việc chuyên môn, cả đêm miên man nhớ về lớp, nhớ về thầy… biết bao nhiêu kỉ niệm chất chứa trong lòng không thể viết hết.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

1.

Tôi đang miệt mài soạn giáo án chuẩn bị cho tiết dạy thao giảng chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam thì có tiếng tin nhắn Zalo vang lên. Nhìn vào màn hình điện thoại, lướt qua một loạt hội nhóm thì ra là tin nhắn trong nhóm bạn học cấp ba. Mà đúng là loạt hội nhóm vừa mới ra đời kể từ đợt phải giãn cách vì dịch dã. Nào là nhóm cơ quan, nhóm phòng ban, nhóm tập huấn. Nào là nhóm phụ huynh con học lớp 1, nhóm con học lớp 4, nhóm bạn học cấp hai, cấp ba, đại học. Nào nhóm tổ chuyên môn, các nhóm lớp mình dạy đến nhóm mua sắm online… Bạn lớp trưởng nhắn tin bảo sắp đến ngày Hội khóa 20 năm ra trường nên nhờ tôi viết một điều gì đó về lớp. Đọc xong suy nghĩ, biết viết gì đây? Biết viết gì, không phải không có gì để viết mà có biết bao nhiêu kỉ niệm chất chứa trong lòng lúc này không thể viết hết. Vậy là tạm gác lại việc chuyên môn, cả đêm miên man nhớ về lớp, nhớ về thầy…

2.

Lớp chúng tôi ngày ấy có những 57 bạn đến từ các xã ở Nghi Lộc và Hưng Nguyên. Phần lớn trong số ấy gắn bó với nhau suốt cả ba năm cấp ba. Tôi còn nhớ rất rõ, lớp có bạn Yến, bạn Kiên theo gia đình chuyển vào Nam khi mới học đến giữa lớp 10. Bạn Thanh, bạn Thuận thì phải nghỉ học giữa chừng vì điều kiện gia đình khó khăn. Có nhiều bạn sau một kỳ, thậm chí một năm mới chuyển đến gia nhập gia đình chúng tôi như bạn Dương, bạn Sơn, bạn Huề, bạn Hợi, bạn Ninh… Có những bạn lớn hơn bọn tôi ba bốn tuổi như bạn Bá, bạn Bảo, Đinh Luật… Lớp tôi có hai điều đặc biệt, thứ nhất là có rất nhiều “chủ tịch” lớp, có lẽ số lượng lớp trưởng thay đổi nhiều nhất khóa.

Đầu năm lớp 10 là bạn Kiên, sang kỳ 2 là bạn Hoàng – chúng tôi vẫn hay gọi bằng cái tên “trìu mến” … Hoàng Điện, bởi cái bộ dạng lầm lì của hắn. Sau lên lớp 11, có thêm hai lần đổi lớp trưởng nữa là bạn Minh và bạn Thắng. Phải đến cuối lớp 11, sau khi bạn Thắng xin nghỉ thì đích thân thầy chủ nhiệm cử bạn Sơn lên thay thì chức vụ lớp trưởng mới ổn định cho đến hết khóa học. Lớp trưởng Sơn là người chuyển đến lớp tôi sau cùng nhưng nhờ khả năng kết nối khối đoàn kết của lớp nên đã được thầy chú ý và đề cử vào cương vị chiếc ghế nóng của lớp. Và có thể nói trị vì trên “ngai vàng” danh giá mà nhiều áp lực được lâu nhất là lớp trưởng Sơn.

Cũng từ khi Sơn lên làm lớp trưởng, lớp đã có nhiều tiến bộ. Sự hài hước, dí dỏm trong giao tiếp cùng tinh thần làm việc hết lòng vì tập thể đã thu phục lòng tin của các bạn lớp tôi. Nhiều tổ nhóm riêng lẻ đã được tập hợp lại. Những bạn hay quậy phá được “điều trị” đến nơi. Sự quyết đoán, công tâm trong điều hành lớp đã đưa lớp tiến bộ trông thấy. Các phong trào đoàn đội là phát triển lớn mạnh hơn cả, nhất là văn nghệ, thể dục thể thao. Nhớ những lần tham gia giải bóng đá toàn trường chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Lớp tôi với những messi Lĩnh, Backham Dương, carlot Đồng, butfon Thắng Biên, Tielo Chín… Đá đâu thắng đó! Kết thúc giải lớp đoạt chức vô địch một cách thuyết phục. Điều đó như tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho cả lớp gặt hái được nhiều thành công hơn trong học tập.

Tôi cũng còn nhớ những bạn ngồi cùng bàn và trong tổ với mình như thằng Thiên, thằng Minh ít nói mà sâu sắc. Thằng Đồng ngồi học lúc nào cũng rung đùi và thi thoảng lại với tay rứt tóc bạn Nga bàn trên. Nhưng nhớ mãi cái lần hắn bị ăn thước oan ức. Chả là hôm ấy đang tiết kiểm tra Lý, tôi giải bài xong thế là thành rảnh rỗi, với tay lên kéo tóc bạn Nga, nhanh như cắt tôi trở lại vị trí như đang làm bài. Cái Nga tức tối quay người lại. Cái thước vụt xuống và gãy đôi. Thằng Đồng chỉ kịp đưa tay lên đỡ mà không hiểu vì sao mình lại bị đánh. Thầy giáo chủ nhiệm nhanh chóng bước xuống bàn tôi. Tim tôi đập nhanh, mặt tôi nóng ran vì hoảng sợ. Thằng Đồng thì ú ớ không nên lời. Cái Nga lúc ấy khuôn mặt cũng đỏ bừng lên.

Nhưng tất cả không ai ngờ thầy chỉ nhẹ nhàng cúi người xuống nhặt hai nửa cái thước lên và còn đùa: “Thước này người ta làm chất lượng kém quá!”. Cả lớp đang căng thẳng bỗng lại cười ồ lên. Nói xong, thầy nhắc nhở cả lớp giữ trật tự để tiếp tục làm bài thi và thầy trở về bàn giáo viên quan sát. Lớp lại chìm vào yên tĩnh, chỉ còn nghe tiếng viết bài sột soạt. Ngoài sân trường trong khoảnh khắc ấy hình như ánh nắng vàng thêm.

Cơn gió cuối thu thổi nhẹ vào lớp, đùa nghịch với những mái tóc dài của các bạn nữ. Tôi nhẹ lòng nhưng đầy hối hận với việc mình đã làm. Dĩ nhiên, hết tiết kiểm tra, tôi đã phải thành khẩn gặp thầy xin lỗi và đã được thầy tha thứ. Và, tôi hiểu rằng thầy không muốn xử lý sự việc một cách nặng nề ngay lúc đó vì sẽ ảnh hưởng đến việc cả lớp đang làm bài thi. Có lẽ, đó cũng là một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất của tôi với thầy giáo chủ nhiệm.

Ảnh minh họa Internet.

Ảnh minh họa Internet.

3.

Điều đặc biệt ấn tượng thứ hai khi nhắc đến lớp tôi, hẳn mọi người đều nhất trí đó là hình ảnh “vị thuyền trưởng” trẻ trung, đẹp trai, gần gũi… thầy chủ nhiệm. Tôi và một số bạn khác nối nghiệp nghề “gõ đầu trẻ” ít nhiều cũng từ niềm cảm hứng mang tên thầy. Hình ảnh thầy đội cái mũ cối với chiếc xe đạp Phượng hoàng ngày ngày đến trường và cũng chiếc xe ấy đã đạp bon bon đến hầu hết nhà các bạn trong lớp, từ Hoa Thuận Long Xá… đến Hưng Trung, Hưng Yên xa xôi. Mình còn nhớ rõ như in cái lần thầy ghé thăm nhà mình, khi ấy đang đúng vụ thu hoạch, mình đang diện cái quần đùi, sân nhà đầy khoai lạc.

Thế là, mình đón tiếp thầy bằng một bữa “thịnh soạn” toàn khoai và lạc luộc. Rồi những lần có bạn nào trong lớp ốm, thầy đều đến thăm. Thầy đến thăm gia đình từng bạn, mãi đến bây giờ mình mới hiểu là bởi thầy muốn biết gia cảnh học trò mình để giúp đỡ. Hơn hai năm chủ nhiệm, chưa bao giờ mình thấy thầy nhắc tên ai đó trước lớp vì chậm nộp tiền học. Bây giờ, mình làm chủ nhiệm lớp cũng học được sự quan tâm hoàn cảnh học trò sát sao đó từ thầy.

Cái sự gũi gần đó của thầy không chỉ dừng lại ở những ngày dạy dỗ, chỉ bảo bọn mình khi còn trên ghế nhà trường, sau này khi mấy đứa dậy thì thành công hớn hở cầm tấm thiệp hồng đến mời, dù rất bận, thầy đều vui vẻ nhận lời đến chung vui, chúc mừng. Từ đám bạn Dương, Thắng, Phước, Sơn, Thiết, Vạn… thầy đều có mặt và ngồi lại sau cùng. Ngoài đời, thầy rất gần gũi, thân mật nhưng trong giờ lại rất nghiêm khắc. Những giờ vật lí thầy giảng bài thật dễ hiểu, từ một đứa học kém môn lí như mình , bỗng nhiên trở nên yêu thích, đam mê với môn học.

Phương pháp dạy của thầy điềm tĩnh, ngôn ngữ minh họa dễ hiểu cũng có khi pha chút hài hước, dí dỏm. Nhớ những lần lớp ồn hay vệ sinh chưa ổn thầy lại hướng mắt ra ngoài cửa sổ và hỏi “Các em có nghe thấy gió nói gì không?”. Và thế là lớp cười ồ vui vẻ và lại yên tĩnh học tiếp... Tôi và nhiều bạn khác có lẽ đều ấn tượng với những cách xử lí các tình huống sư phạm của thầy như thế. Nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều giờ sinh hoạt vô cùng căng thẳng bởi mức độ vi phạm kỉ luật, vị thứ xếp loại của lớp trong những lần xếp thứ nhất từ dưới lên…

Kể về công ơn của thầy có lẽ sẽ không bao giờ kể hết, chỉ biết nói rằng lớp mãi mang ơn thầy. Chỉ biết rằng, chúng em là khóa học đầu tiên mà thầy dạy dỗ. Và, có lẽ cũng là khóa học khiến thầy phiền lòng nhiều nhất. Tuổi học trò nhiều nông nổi, bồng bột nên mong thầy sẽ bao dung. Cùng với thầy chủ nhiệm lớp ta còn mang ơn công lao dạy dỗ của biết bao thầy cô khác như thầy Hùng, cô Thảo, cô Trang, cô Vân, cô Hướng, cô Hương, cô Tuyết, thầy Khầm, thầy Sơn, thầy Đàm, cô Yến… Hai mươi năm – khoảng thời gian đủ dài để chúng ta ngoái lại ngắm nhìn quá khứ một cách an nhiên nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ