Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người Thầy dạy đạo làm người

GD&TĐ - Một học trò của thầy giáo dạy Lịch sử Võ Nguyên Giáp nói: “... Thầy đã dạy tôi những bài học về tự hào dân tộc, lòng yêu nước... Nhưng cái quý nhất, đẹp nhất là thầy đã dạy cho tôi cái đạo làm người”.

Hình ảnh giản dị của người thầy Võ Nguyên Giáp.
Hình ảnh giản dị của người thầy Võ Nguyên Giáp.

Từ bục giảng đến chiến trường

Thầy Phạm Văn Giềng – giảng viên môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, khoa Giáo dục Chính trị, Trường ĐHSP Hà Nội 2 cho biết, dấu ấn sâu đậm nhất về hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là sự thay đổi từ một người thầy trên bục giảng đến một tướng lĩnh trên chiến trường.

Thầy Giềng nhớ lại những kiến thức lịch sử mà mình đã giảng dạy cho các thầy cô giáo tương lai về vị Đại tướng của lòng dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra trong một gia đình nhà giáo. Cha ông là Võ Quang Nghiêm, vốn là một nhà nho giàu lòng yêu nước. Nhà nho này mở lớp dạy chữ Hán cho con em trong làng và bốc thuốc cứu người.

Ngay từ nhỏ, ngôi nhà nhỏ của cậu bé Võ Nguyên Giáp là nơi lui tới học tập, trao đổi của nhiều nhóm trí thức yêu nước, tiến bộ trong làng. Những buổi lên lớp của cha và các trao đổi của những trí thức thời kỳ ấy đã ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời và sự nghiệp của Võ Nguyên Giáp.

Ngay từ thời học sinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bộc lộ sự thông minh hiếm có. Đại tướng luôn bày tỏ niềm đam mê với các cuốn sách về lịch sử, địa lý. Khi mới 14 tuổi, cậu học trò Võ Nguyên Giáp đã tham gia cách mạng. Những tháng ngày sau đó, đại tướng tham gia Tân Việt cách mạng Đảng và trở thành Đảng viên có tư tưởng tiên tiến, đề xuất cải tổ tổ chức này thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.

Năm 1930, Đại tướng bị bắt giam nhưng được thả tự do sau đó không lâu. Năm 1934, đại tướng đỗ tú tài Triết học, trở thành sinh viên trường Luật.

Trải qua nhiều biến cố, đại tướng Võ Nguyên Giáp dạy học tại Trường tư thục Thăng Long cùng với thầy Đặng Thai Mai. Học trò của thầy Mai, thầy Giáp sau này nhiều người đỗ đạt cao, trở thành những nhà trí thức có uy tín và có người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm tới sự nghiệp giáo dục.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm tới sự nghiệp giáo dục.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt yêu thích và có hứng thú mạnh mẽ với môn Lịch sử. Thông qua môn học này, người thầy giáo trẻ đã khéo léo truyền bá tinh thần yêu nước cho học trò.

Các buổi học của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường tập trung vào những tấm gương đầy khí phách, có tinh thần chống giặc ngoại xâm như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu…

Sau giờ dạy, thầy Giáp tranh thủ vào thư viện nhà trường để mượn thêm những cuốn sách về lịch sử chiến tranh, quân sự, bách khoa toàn thư. Qua những cuốn sách đó, tư tưởng quân sự của đại tướng được hình thành và sau này được áp dụng thực tế trên chiến trường. Đó là kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm phương Bắc đến nghệ thuật quân sự của Trung Quốc, Tây Ban Nha…

Những tinh túy trong chiến thuật quân sự của các tướng lĩnh trong lịch sử thế giới đã để lại bài học kinh nghiệm quý báu, được thầy Giáp đưa vào giảng dạy với sự say mê đầy nhiệt huyết.

“Thầy Giáp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi phong cách sư phạm của người cha. Bản thân ông cũng trực tiếp trải nghiệm môi trường học vấn theo kiểu phương Tây trong hệ thống giáo dục Pháp thuộc. Trong mỗi bài học, thầy Giáp đã khéo léo lồng ghép việc học tập lịch sử thông qua các buổi dã ngoại” – giảng viên Phạm Văn Giềng chia sẻ từ những kiến thức lịch sử.

Giảng viên Phạm Văn Giềng cho biết thêm, dạy đến trận chiến Cầu Giấy năm 1873, thầy Giáp đã đưa học sinh đến thăm Ô Cầu Giấy, xem nơi Henri Riviere và Garnier tử trận. Thầy giảng giải ngay tại hiện trường diễn biến trận đánh để gieo vào học sinh lòng yêu nước. Võ Nguyên Giáp còn mạnh mẽ bênh vực tính chính nghĩa của lịch sử và hâm mộ những vị tướng của thế giới, đặc biệt là Napoleon.

Ông Trần Văn Lan, học sinh khóa 1934 – 1938 kể về người thầy Võ Nguyên Giáp rằng: “Thầy tôi hiền lắm, không bao giờ quát mắng học sinh. Thầy đã dạy tôi những bài học về tự hào dân tộc, lòng yêu nước thông qua bộ môn Lịch sử. Nhưng cái quý nhất, đẹp nhất là thầy đã dạy cho tôi cái đạo làm người. Chúng tôi học được rằng phải hết lòng thương yêu học sinh, phải có cái tâm, cái đức của nghề “trồng người”. Thầy có phương pháp giảng dạy đi trực tiếp vào vấn đề, giải quyết những trăn trở của một nhà sử học về cách mạng và đấu tranh. Trong phần lịch sử Pháp, thầy Giáp tập trung giảng về hai thời kỳ là cuộc Đại cách mạng Pháp 1789 và những trận đánh thời Napoleon”.

Mỗi bài học của thầy Giáp là một câu chuyện kể mà ở đó, sức hấp dẫn của nghề giáo trở nên đặc biệt với hướng tập trung vào những sự kiện nổi bật, rút ra bài học lịch sử cho thời đại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời gian làm giáo viên Trường tư thục Thăng Long.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời gian làm giáo viên Trường tư thục Thăng Long.

Nếu không là người lính, sẽ là một người thầy

Từ một người kể sử, dạy sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành người viết sử. Ông là hiện thân cho những dấu ấn đậm nét và mạnh mẽ trong lịch sử dân tộc trong thế kỉ XX với cả hai nghĩa: Người viết sử và làm nên lịch sử!

Hình ảnh thầy giáo Võ Nguyên Giáp đáng kính về nhân cách, vững vàng về kiến thức và phong cách sư phạm gần gũi đã để lại dấu ấn với các thầy cô dạy Lịch sử.

“Có lần, tôi dạy đến cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tôi thuộc lòng kiến thức của trận chiến này để truyền đạt lại cho sinh viên. Đó cũng chính là dấu ấn của tôi về hình ảnh của một người thầy ra chiến trường” – giảng viên Phạm Văn Giềng nói.

Trong trận đánh lịch sử “trấn động địa cầu”, nhiều người lính tại trận Điện Biên Phủ năm nào nhắc đến Đại tướng bằng sự trân trọng: “Nếu giữ cách đánh cũ, chắc không thể giải phóng Điện Biên, mà cũng không giữ được tính mạng của chiến sĩ”.

Cho đến khi Đại tướng từ trần, nhiều người lính Cụ Hồ với sự chỉ huy của Đại tướng đã đạp xe hàng trăm km đến tiễn biệt “người anh cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những hình ảnh đó đã tạo ra sự xúc động to lớn đối với thế hệ trẻ.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết hàng trăm bài. Xuyên suốt, nổi bật trong các bài viết như thế là tư tưởng chỉ đạo sát sao mang tầm chiến lược với mục tiêu xây dựng con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa và chủ trương phát triển toàn diện con người. Đó là tư tưởng chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ, cải cách triệt để nội dung và phương pháp giáo dục.

Năm tháng đã lùi xa, nhưng thế hệ trẻ ngày nay vẫn luôn trân trọng và biết ơn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Người thầy dạy Lịch sử đã trở thành niềm tự hào của mọi người dân Việt Nam, là biểu tượng của độc lập dân tộc và khát vọng hòa bình cho hôm nay và mai sau.

Thầy giáo Võ Nguyên Giáp về họp mặt ở ngôi trường xưa năm 1985.
Thầy giáo Võ Nguyên Giáp về họp mặt ở ngôi trường xưa năm 1985.

Cô giáo Đặng Thị Vui – nguyên giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) chia sẻ từ những bài giảng: Sinh ra trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, cậu bé Võ Nguyên Giáp luôn trăn trở tìm kiếm cách thức để giải phóng dân tộc. Đầu thế kỉ XX, những tài liệu của Nguyễn Ái Quốc được chuyển về đã tác động mạnh mẽ đến tư tưởng của ông.

Quãng thời gian học ở trường Luật và dạy Sử đã giúp Võ Nguyên Giáp đã tạo thêm hành trang vững vàng để ông cống hiến cho cách mạng. Hi sinh lợi ích bản thân và chấp nhận xa gia đình, Võ Nguyên Giáp thoát ly để làm cách mạng.

Năm 1940, Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc để học tập. Năm 1941, ông trở về nước cùng Hồ Chí Minh, tham gia xây dựng cơ sở cách mạng và tiếp tục mở các lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh. Năng lực sư phạm đã giúp Võ Nguyên Giáp dễ dàng giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức cho các chiến sĩ, cán bộ cách mạng.

Sau này, khi trở thành Đại tướng và sánh ngang với nhiều danh tướng trong lịch sử Việt Nam và thế giới, Võ Nguyên Giáp vẫn luôn giữ cốt cách của một nhà giáo.

Trả lời cho câu hỏi: Vì sao một thầy giáo dạy Sử lại trở thành một vị tướng cầm quân kiệt xuất, Đại tướng đã nói một cách khiêm tốn: “Điều đó chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trả lời được”.

Đến khi về hưu, trả lời một nhà báo Mỹ khi được hỏi về quá khứ là giáo viên, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Nếu không trở thành người lính, có lẽ tôi vẫn là một thầy giáo, có thể dạy môn Triết học hoặc Lịch sử”.

Đại tướng thường tâm sự với các vị lãnh đạo ngành, các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên rằng: “Giáo dục và đào tạo không chỉ có sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài… mà còn có sứ mệnh tạo ra những định hướng giá trị về văn hóa, đạo đức, thẩm mỹ và tinh thần có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của xã hội. Bởi vì giáo dục và đào tạo là mục đích của cuộc sống, vì con người và vì cuộc sống…”.

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà giáo đầy nhiệt huyết và phong cách sư phạm gần gũi. Trong cảnh nước mất nhà tan, nhiều thầy cô giáo sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, hi sinh lợi ích của bản thân và gia đình vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Kể cả sau này, khi trở thành người đứng đầu lực lượng vũ trang, Đại tướng vẫn giữ cốt cách của một nhà giáo qua cách nói chuyện, viết sách, trả lời phóng viên trong nước và nước ngoài” – cô giáo Đặng Thị Vui nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.