Thầy Chủ nhiệm khoa kính yêu của chúng tôi

GD&TĐ - Tháng 9/1969, tôi được Trường Bổ túc Văn hóa Công nông Việt Bắc cử đi học và thi đậu vào khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (nay là Trường ĐHSP Thái Nguyên). 

Thầy Chủ nhiệm khoa kính yêu của chúng tôi

Hồi ấy, để tránh bom đạn của máy bay Mỹ, cùng với các phòng ban và các khoa trong trường, khoa Văn sơ tán về vùng rừng núi xã Đức Lương (Đại Từ, Thái Nguyên). 

Lớp học, bếp ăn, nơi ở của sinh viên, nhà của các thầy cô giáo và cán bộ, viên chức toàn trường đều được dựng ở sườn núi, ẩn mình dưới bóng cây xanh mát. 

Các thầy cô giáo rất gần gũi với sinh viên. Thầy trò chia sẻ ngọt bùi cùng nhau, từ việc trường, việc khoa đến bó củi, củ sắn, bát cơm... Thầy Cù Đình Tú năm ấy là Tổ trưởng tổ Ngôn ngữ dạy cho sinh viên các lớp trên. 

Sinh viên năm thứ nhất (khóa 4) chúng tôi, dù chưa được học với thầy, nhưng đã nghe các anh chị sinh viên năm thứ 3, thứ 4 nói rất nhiều về sự uyên bác và sự tận tâm của thầy trong nghề nghiệp. 

Tôi còn nhớ lần đầu tiên được biết thầy là trong một đêm liên hoan văn nghệ toàn khoa, thầy đã lên độc tấu guitar. Nhìn vầng trán cao, đôi mắt sáng sau đôi kính cận và dáng đi thong thả, khoan thai của thầy khi thầy từ từ bước lên sân khấu, chúng tôi không ai ngờ là thầy lại có ngón đàn điêu luyện, tài hoa đến vậy. 

Cả hội trường lớn lặng yên trong tiếng đàn réo rắt, khi trầm, khi bổng của thầy. Tiếng đàn của thầy vừa dứt, cả mấy trăm người đứng dậy vỗ tay chúc mừng thầy mãi không dứt.

Lên năm thứ 3, học kỳ I, chúng tôi được học môn Tu từ học với thầy Cù Đình Tú. Những giờ lên lớp của thầy bao giờ cũng có sự hấp dẫn rất lớn đối với sinh viên chúng tôi. 

Thầy giảng rất khúc triết về các khái niệm so sánh, ẩn dụ, ngoa dụ, đảo ngữ, điệp ngữ... và việc các nhà văn, nhà thơ sử dụng các phép tu từ trong sáng tác của họ như thế nào. 

Thầy lấy nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao và nhiều câu văn, câu thơ của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng từ thời trung đại đến thời hiện đại để phân tích cho chúng tôi thấy cái hay, cái đẹp của các phép tu từ... 

Cho đến bây giờ trong ký ức của tôi vẫn còn ghi nhớ rất rõ lời thầy giảng về các câu: “Ăn vóc học hay”, “làm ra ta đây”, “nhờ gió bẻ măng”, “quỷ tha, ma bắt”... 

Thầy thường ra nhiều bài tập để chúng tôi cùng trao đổi, phân tích. Học với thầy, chúng tôi rất thích, nhưng cũng thường sợ thầy vì thầy rất nghiêm, không bao giờ dễ dãi trong việc cho điểm các bài làm của sinh viên. 

Do vậy, vào cuối học kỳ, vì sợ bị dưới điểm môn Tu từ học mà sinh viên chúng tôi đã rất nỗ lực học hành. Thi hết môn, thay vì thi tự luận, thầy đã cho chúng tôi thi vấn đáp. 

Hôm thi, tôi bắt được một câu hỏi không dễ, nhưng nhờ học kỹ bài nên tôi trả lời rất suôn sẻ. Để kiểm tra và đánh giá đúng năng lực học tập của tôi, thầy còn hỏi thêm mấy câu hỏi phụ. Nghe tôi trả lời xong, thầy nhìn tôi mỉm cười hài lòng. Tôi thật vui khi được thầy ghi điểm tối đa về câu trả lời của mình.

Gần cuối năm học thứ 3, vào tháng 6/1972, hàng chục sinh viên khoa Văn rời mái trường sư phạm lên đường nhập ngũ. Chia tay thầy chủ nhiệm lớp và các thầy cô trong khoa cùng bè bạn, chúng tôi rất mong sau ngày chiến thắng lại có dịp được trở về trường cũ để đi tiếp con đường học hành đang dang dở. 

Hơn 3 năm cầm súng, anh em chúng tôi, người ở miền Bắc, kẻ đi chiến trường miền Nam. Hòa bình lập lại, sau năm 1975, trừ các anh đã hy sinh hoặc phục vụ trong quân đội lâu dài, phần lớn sinh viên chúng tôi đều được xuất ngũ. 

Trường ĐHSP Việt Bắc tiếp nhận và cho mấy chục sinh viên năm thứ 3 chúng tôi được học lên năm thứ 4 vì chúng tôi đã học hết các học phần của năm trước đó dù chúng tôi chưa có điểm thi. 

Thầy Cù Đình Tú lúc này là Chủ nhiệm khoa Văn. Xa chúng tôi hơn 3 năm nhưng thầy không quên tên họ một sinh viên nào. Thầy ân cần hỏi han chúng tôi về sức khỏe, về những ngày ở quân ngũ, về việc gia đình và tạo nhiều điều kiện tốt nhất về giờ giấc, về sách vở để chúng tôi học hành. 

Trước khi sinh viên thi tốt nghiệp, thầy tổ chức phụ đạo cho chúng tôi, giúp chúng tôi ôn tập kiến thức của các năm trước và động viên chúng tôi vui vẻ, tự tin bước vào phòng thi. Năm ấy, tất cả sinh viên lớp tôi đều tốt nghiệp và được phân về các tỉnh công tác. 

Riêng tôi được khoa giới thiệu về học lớp sau đại học khóa I ở Trường ĐHSP I Hà Nội. Trước ngày rời Thái Nguyên, tôi đã tới nhà thầy để chào thầy cô. 

Trao tặng tôi 2 tập sách Tu từ học tiếng Việt hiện đại (xuất bản năm 1975) và Giáo trình tiếng Việt hiện đại, tập I (xuất bản năm 1972), thầy Cù Đình Tú căn dặn: 

“Em học khá môn ngôn ngữ. Về Hà Nội học, em nên đi sâu vào môn này. Thầy sẽ hướng dẫn em làm luận văn tốt nghiệp. Em hãy cố gắng học thật tốt để sau này về miền Nam dạy tốt, nghiên cứu khoa học tốt”.

Dù không được đi theo con đường giảng dạy bộ môn ngôn ngữ như thầy nhưng từ ngày được về dạy ở Trường ĐHSP Huế đến nay, tôi luôn ghi nhớ lời thầy dạy là phải lấy việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học sao cho đạt kết quả tốt nhất làm lẽ sống còn của người giảng viên đại học. 

Giờ thầy đã đi xa, ngồi viết những dòng này, lòng tôi trào dâng bao niềm xúc động. Tôi cũng như bao bè bạn sinh viên khóa 4 của khoa Văn Trường ĐHSP Việt Bắc luôn nhớ về thầy và biết ơn thầy vô hạn. 

Những giờ giảng, những lời dạy của thầy và các thầy cô khác trong khoa với chúng tôi luôn luôn là những kỷ niệm, những bài học sâu sắc giúp chúng tôi vững tin và đạt hiệu quả tốt trong nghề nghiệp, trong cuộc sống. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ