Thầy 'bảo mẫu' ở trường mầm non vùng cao xứ Thanh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi xuất ngũ, chàng trai Bùi Văn Anh đi học Sư phạm Tiểu học nhưng cơ duyên lại đưa Văn Anh sang ngã rẽ Sư phạm Mầm non...

Thầy giáo Bùi Văn Anh và học trò của mình. Ảnh: NVCC.
Thầy giáo Bùi Văn Anh và học trò của mình. Ảnh: NVCC.

Quyết định ‘bẻ ngang’

Thầy Bùi Văn Anh, giáo viên Trường Mầm non Hạ Trung (Bá Thước, Thanh Hóa), năm nay (40 tuổi). Sinh ra và lớn lên ở vùng miền núi đầy khó khăn, nên sau khi học xong THPT, Bùi Văn Anh đăng ký gia nhập quân đội.

Năm 2005, sau khi xuất ngũ trở về quê, Bùi Văn Anh quyết tâm ôn luyện để thi vào Khoa âm nhạc Sư phạm Tiểu học, Trường Cao đẳng nhạc họa Trung ương (Hà Nội).

Năm 2009, Bùi Văn Anh ra trường, chờ cơ hội để được tuyển dụng vào ngành Giáo dục nhưng bất thành. Bùi Văn Anh xin vào làm cán bộ Văn hóa xã Hạ Trung (Bá Thước).

“Thời gian làm cán bộ Văn hóa xã, mỗi khi xuống trường Mầm non, thấy các cô giáo dạy múa, hát cho các bé, tôi thầm nghĩ: Tại sao các cô làm được, mà mình không thể, trong khi mình đã học Sư phạm âm nhạc. Vậy là, năm 2014, tôi quyết định đăng ký thi văn bằng 2 (Sư phạm Mầm non).

Đến năm 2018, khi có văn bằng Sư phạm Mầm non, tôi quyết định dự tuyển vào ngành và trở thành thầy giáo Trường Mầm non Hạ Trung”, thầy Bùi Anh chia sẻ.

Điều khá đặc biệt là, mẹ đẻ và vợ của thầy giáo Bùi Văn Anh cũng là giáo viên Mầm non. “Năm 2017, mẹ tôi về nghỉ chế độ. Còn vợ tôi là cô giáo Lương Thị Xuân, hiện nay cũng đang dạy cùng trường với tôi”, thầy Bùi Anh tâm sự.

Thầy giáo Bùi Văn Anh chuẩn bị cho trẻ ăn bán trú tại lớp học. Ảnh: NVCC.

Thầy giáo Bùi Văn Anh chuẩn bị cho trẻ ăn bán trú tại lớp học. Ảnh: NVCC.

Cũng theo thầy giáo Bùi Văn Anh, khi quyết định “bẻ ngang” từ cán bộ văn hóa xã sang nghề “bảo mẫu”, cũng có nhiều người cho rằng không phù hợp với nam giới. Mặc dù có người dị nghị, nhưng thầy đã bỏ qua tất cả, để quyết tâm đến với nghề.

"Tôi quyết tâm đến với nghề, cũng chỉ vì yêu mến trẻ. Thực ra, lúc làm cán bộ văn hóa xã, mình cũng có cơ hội phát triển con đường chính trị. Tuy nhiên, trong tâm mình vẫn luôn hướng về ngành Giáo dục để cống hiến. Hơn nữa, mình nghĩ, cứ cống hiến bằng cả sức lực, trí tuệ và trái tim, thì cuộc đời của sẽ được đền đáp.

Ai cũng phải trải qua buổi đầu bằng những chữ Ê -A, rồi mới hình thành nhân cách được. Vì thế, dù là giáo viên bậc mầm non hay cấp phổ thông, thì đều là những người được xã hội quý mến.

Chỉ với suy nghĩ đơn giản vậy thôi, đã giúp mình vượt qua. Và, bây giờ, mình xác định, sẽ cống hiến cho nghề đến khi về nghỉ chế độ như người mẹ của mình", thầy Anh thổ lộ.

Giáo viên giỏi cấp trường

Trong năm học 2022-2023, thầy Anh được Ban giám hiệu nhà trường phân công làm chủ nhiệm, trực tiếp giảng dạy lớp mẫu giáo A2.

Trong năm học này, ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, thầy Bùi Văn Anh còn giúp tập thể lớp mẫu giáo A2 đạt danh hiệu lớp tiên tiến xuất sắc. Về công tác chăm sóc nuôi dưỡng, 100% trẻ đạt kênh bình thường, đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ. Ngoài ra, trẻ đến trường và vui chơi trong môi trường sạch sẽ và an toàn.

Về chất lượng giáo dục, lớp của thầy Anh phụ trách có 95,2% trẻ đạt chất lượng tốt theo yêu cầu của trường tiểu học thuộc 29 chữ cái, 10 chữ số và biết cách cầm bút thành thạo.

Bên cạnh đó, thầy Bùi Văn Anh và học trò của mình còn đạt giải Nhì cuộc thi “Bé với làn điệu dân ca cấp trường”, trang trí nhóm lớp, làm đồ dùng đồ chơi đều xếp loại A cấp trường. Ngoài ra, có 90% trẻ đạt bé chăm ngoan học giỏi cấp trường.

Tham gia hội thi Bé với làn điệu dân ca đạt giải Nhì cấp huyện. Trong năm học này, bản thân thầy Bùi Văn Anh cũng có sáng kiến kinh nghiệm được xếp loại C cấp huyện.

Thầy Bùi Văn Anh hướng dẫn cho trẻ hoạt động trải nghiệm ở trường. Ảnh: NVCC.

Thầy Bùi Văn Anh hướng dẫn cho trẻ hoạt động trải nghiệm ở trường. Ảnh: NVCC.

Ông Hà Tự Nhiên – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước, cho biết: “Trong quá trình công tác, thầy Bùi Văn Anh không ngừng học tập, trao đổi với các đồng nghiệp để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Thường xuyên nghiên cứu tài liệu tham khảo để tìm ra những phương pháp mới, tích cực trong giảng dạy.

Đồng thời, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, tương trợ. Tích cực tham gia các phong trào thi đua và không vi phạm các quy chế của Ngành, nội quy của cơ quan”.

Cũng theo ông Nhiên, thầy Bùi Văn Anh là giáo viên luôn có tinh thần tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ. Tháng 1/2023, thầy vinh dự được BCH Đảng bộ xã Hạ Trung tặng giấy khen là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cũng trong năm học vừa qua, thầy đã tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Tiêu biểu như ủng hộ đồng bào chịu thiên tai, lũ lụt; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn,...

“Nhờ tích cực trong công tác chuyên môn, thầy Bùi Văn Anh được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường năm học 2020-2021; Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm học 2022-2023, thầy tiếp tục được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường cùng nhiều thành tích khác”, ông Nhiên thông tin.

"Trở về sau buổi Chương trình “Thay lời tri ân” tối 19/11, được tổ chức tại Hà Nội, đoàn giáo viên mầm non của huyện Bá Thước (17 người) chúng tôi mang theo rất nhiều cảm xúc.

Xin cảm ơn Bộ GD&ĐT, Báo GD&ĐT, Đài Truyền hình Việt Nam... đã tạo điều kiện cho anh, em chúng tôi được tham gia trải nghiệm chương trình.

Chúng tôi đã vinh dự được tri ân và vinh danh, nên càng có thêm động lực, niềm tin yêu, sự phấn chấn để tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho ngành”, thầy Bùi Văn Anh – Giáo viên Trường Mầm non Hạ Trung (Bá Thước, Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường Tiểu học Ngô Quyền lúc tan học. Ảnh: Trúc Hân

Mô hình hiệu quả về an toàn giao thông

GD&TĐ - Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” được các trường trên địa bàn tỉnh Kon Tum triển khai những năm qua đã nâng cao ý thức cho cả HS và phụ huynh.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

Nghe Trịnh để yêu ngày tới...

GD&TĐ - Những cô gái trong nhạc Trịnh luôn đẹp nhưng không thể chạm, tưởng như trước mắt mà thật xa xôi, nhìn thấy mà vời vợi biết mấy.