Gian nan thầy cô đi vận động học sinh đến lớp ở miền núi xứ Thanh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chuẩn bị bước vào năm học mới, giáo viên đến tận nhà vận động học sinh ra lớp. Thế nhưng, có gia đình không muốn con đi học, nên không hợp tác.

Thầy giáo Lương Minh Thắng, Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) và học trò của mình. Ảnh: TL.
Thầy giáo Lương Minh Thắng, Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) và học trò của mình. Ảnh: TL.

Lặn lội đi tìm học trò

Khi nghe chuyện về những giáo viên vùng cao, biên giới lặn lội vào tận bản xa xôi để vận động phụ huynh học sinh cho các con đến trường, nhưng gia đình lại không hợp tác, khiến chúng tôi không khỏi mủi lòng.

Mặc dù, những trường hợp như vậy không phải nhiều, nhưng cũng chẳng phải là ít đối với học sinh ở vùng cao, biên giới của xứ Thanh.

Nghe giáo viên kể chuyện đi tìm học trò ra lớp đã nhiều, nhưng khi nhìn thấy tờ biên bản được nhà trường lập, có cả chữ ký của chính quyền địa phương mà ở trong đó có dòng chữ “gia đình không hợp tác”, chúng tôi cảm thấy mủi lòng cho các thầy cô.

Câu chuyện về thầy, cô đi vận động học trò ra lớp, bị gia đình không hợp tác vừa diễn ra ở Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa).

Kể chuyện này với chúng tôi, thầy giáo Lương Minh Thắng – Hiệu trưởng nhà trường nói: Những ngày gần cuối tháng 8 vừa rồi, để chuẩn bị đón năm học mới, nhà trường rà soát, thống kê những học sinh ở bản xa, gia đình nghèo khó để đến vận động phụ huynh học sinh cho các con ra lớp học.

Thế nhưng, có gia đình nhất định không hợp tác với nhà trường và chính quyền địa phương để đưa con đến trường. Vậy là, các thầy cô giáo và thành viên trong đoàn (là cán bộ địa phương) đành phải “ngậm ngùi” chốt biên bản.

Biên bản vận động học sinh, nhưng "Gia đình không hợp tác". Ảnh: TL.

Biên bản vận động học sinh, nhưng "Gia đình không hợp tác". Ảnh: TL.

“Có 3 em định bỏ học, thì nhà trường đã vận động được 2 em. Trong đó, có một em học lớp 8, nhà gần trường, tôi đã đến nhà trực tiếp vận động, hiện nay em đang học rồi. Còn một em hôm làm việc với các thầy, cô giáo và đoàn vận động, thì em ấy đồng ý rồi nhưng sau đó vẫn chưa ra học.

Tôi dự định, mấy hôm nữa cho giãn việc của nhà trường, rồi sẽ cùng giáo viên trở lại nhà em ấy, tiếp tục động viên cho em ra học. Thật lòng, nhìn thấy ở trong bản Bàng, có một số hộ dân khổ quá, thương lắm!”, thầy Thắng chia sẻ.

Theo thầy Thắng, trong 3 trường hợp mà nhà trường đi vận động, thì có 2 em vào lớp 6, còn 1 em vào lớp 8. Mặc dù có 2 học sinh mới vào đầu cấp, nhưng vì gia đình khó khăn quá, trong khi bản Bàng cách xa trường 9km, lại không còn trong diện đặc biệt khó khăn, nên các em không được hưởng chế độ bán trú. Vì thế, gia đình các em cũng không tha thiết gì về việc cho con đến trường học chữ.

“Hôm vào vận động, thì gia đình của em V., không hợp tác. Các thầy, cô động viên em đi học, em có đồng ý nhưng sau không thấy ra học. Còn trường hợp em H.V.Th., là học sinh mồ côi cha, em ấy tự ý bỏ học 2 năm trước. Năm ngoái, thầy cô đi vận động mãi không được. May sao, năm nay chúng tôi đã vận động em ra học được rồi”, thầy Thắng tâm sự.

Những dòng tin nhắn giữa thầy và trò

Trong lúc trò chuyện, thầy Thắng cho chúng tôi xem những đoạn tin nhắn trao đổi giữa thầy và học trò H.V.Th. Bởi lẽ, nếu học đúng tuổi, thì năm nay em ấy đã vào lớp 11. Tuy nhiên, do gia cảnh khó khăn quá, bố mất sớm, nên em quyết định ở nhà để đỡ đần cho mẹ.

Trong những dòng tin nhắn của em gửi thầy giáo, em là người đã có suy nghĩ khá cứng cáp, nhưng vì lớn tuổi hơn nhiều so với các bạn học lớp 8, nên em có phần e ngại.

“Thầy ơi, hiện tại em vẫn rất mông lung, không biết nên thế nào. Em bây giờ đi học lại, ít nhiều cũng khó hoà hợp được với các em, bởi độ tuổi và suy nghĩ. Thầy giáo có thể cho em vài lời khuyên định hướng không ạ?

Hiện tại em đang nghĩ đến trường bổ túc vì trong đấy em sẽ hòa hợp với các bạn hơn. Theo thầy, em có nên tiếp tục đi học trường cũ hay đi tìm học bổ túc ạ? Em xin lỗi vì đã để thầy bận tâm trong thời gian vừa qua....”, tin nhắn của học trò gửi thầy Thắng.

Học sinh Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng trong giờ học. Ảnh: TL.

Học sinh Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng trong giờ học. Ảnh: TL.

Sau khi nhận được tin nhắn của học trò, thầy Thắng đã trả lời và động viên em nên vào học lớp 8. Năm sau tốt nghiệp THCS, nếu không muốn học lên THPT, thì cũng sẽ có cơ hội đi tìm công ăn, việc làm cho mình thuận lợi hơn.

“Đôi khi, đến nói chuyện trực tiếp lại không hiệu quả bằng tư vấn qua tin nhắn với học trò, anh ạ! Bởi lẽ, khi mình ngồi đối diện, bạn ấy sẽ mất bình tĩnh và bị ảnh hưởng tâm lý”, thầy Thắng nói.

Từ khi Quyết định 861-QĐ/CP của Chính phủ có hiệu lực, Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng chỉ còn 21 học sinh thuộc diện hưởng bán trú. Những học sinh này đều ở bản Khạn – bản đặc biệt khó khăn của xã Trung Thượng.

Hiện nay, nhà trường chỉ còn 21 học sinh thuộc diện bán trú. Vì thế, nhà trường phải bố trí một giáo viên ở lại trường để quản lý bán trú. Một số bản ở cách xa trường như bản Bàng (cách 9km), bản Máy (cách 7km) cũng đã bị điều chỉnh theo Quyết định 861. Trong khi đó, những em bỏ học thường là rơi vào hoàn cảnh gia đình rất khó khăn hoặc mồ côi cha, mẹ.

“Nếu dự thảo về: “Quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách” của Chính phủ sớm thông qua, thì tốt quá. Vì khi ấy, sẽ giúp đỡ được phần nào cho những mảnh đời bất hạnh, đặc biệt là học sinh, anh ạ”, thầy Lương Minh Thắng -Hiệu trưởng Trường PTDTBT-THCS Trung Thượng, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Lạc quan xây hạnh phúc

GD&TĐ - Chị đang lúi húi dưới bếp chuẩn bị bữa cơm chiều, nghe tiếng gọi hoảng hốt của mấy đứa nhỏ đang chơi ngoài ngõ vội chạy ra.