Thắt chặt quan hệ hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Liên bang Nga

GD&TĐ - Sáng 5/4, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc có buổi tiếp đoàn công tác của Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Nga đang thăm và làm việc tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga do ông Konstantin Mogilevsky, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga dẫn đầu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và xác định Liên bang Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại.

Nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đồng thời gửi lời cảm ơn Chính phủ Liên bang Nga đã có những hỗ trợ quý báu đối với ngành giáo dục và đào tạo Việt Nam.

Một minh chứng là trong những năm qua, Chính phủ Liên bang Nga đã dành số lượng học bổng lớn cho sinh viên Việt Nam. Hiện nay, khoảng 5.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Liên bang Nga, trong đó, gần 3.000 du học sinh đi học theo diện Hiệp định tại hơn 180 cơ sở đào tạo tại Liên bang Nga.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết tiếng Nga đã trở thành một trong những Ngoại ngữ 1 được dạy trong trường phổ thông Việt Nam. Thứ trưởng bày tỏ mong muốn phía Liên bang Nga hỗ trợ biên soạn sách giáo khoa tiếng Nga dành cho học sinh phổ thông.

Về phía lưu học sinh, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị phía Nga tiếp tục dành chỉ tiêu học bổng Hiệp định cấp cho Việt Nam; tiếp nhận và bố trí lưu học sinh Việt Nam vào các cơ sở đào tạo có chất lượng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (phải) và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga Konstantin Mogilevsky trao quà lưu niệm.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc (phải) và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga Konstantin Mogilevsky trao quà lưu niệm.

Ngoài các vấn đề trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc thông tin thêm, từ sau năm 1991 đến nay, Chính phủ Việt Nam thông qua Bộ GD&ĐT vẫn duy trì hoạt động của Phân viện Puskin Hà Nội như một minh chứng của tình hữu nghị truyền thống lâu đời giữa hai dân tộc. Tuy nhiên, việc triển khai một số hoạt động tại Phân viện còn gặp khó khăn.

Trao đổi thông tin liên quan đến Phân viện Puskin, Thứ trưởng Konstantin Mogilevsky cho biết phía Nga sẽ cố gắng cử chuyên gia sang làm việc và hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động của Phân viện Puskin trong năm 2023.

Thay mặt đoàn công tác của Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga, Thứ trưởng Konstantin Mogilevsky gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam và Bộ GD&ĐT Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Liên bang Nga trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Thứ trưởng Konstantin Mogilevsky tin tưởng việc hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giữa hai nhà nước trong thời gian tới sẽ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ trước đã xây dựng.

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ GD&ĐT Việt Nam và Bộ Khoa học và Giáo dục đại học Liên bang Nga đã trao đổi, thảo luận về những vấn đề cùng quan tâm như Hiệp định liên chính phủ thay thế Thỏa thuận năm 1983 về nâng tầm hoạt động của Phân viện Puskin tại Hà Nội; Hiệp định giữa 2 Chính phủ về giáo dục và đào tạo thay thế văn bản cũ từ năm 2005; dạy và học tiếng Nga trong các cơ sở giáo dục Việt Nam; trao đổi giảng viên giảng dạy tiếng Nga giữa các trường đại học...
Phân viện tiếng Nga A.X.Puskin tại Hà Nội (nay là Phân viện Puskin) được thành lập theo Quyết định số 188/CT ngày 06/7/1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam theo Thỏa thuận về việc thành lập và hoạt động của Phân viện tiếng Nga mang tên A.X.Puskin tại Hà Nội. Chương trình giữa Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp Việt Nam và Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp Liên Xô ký vào tháng 11 năm 1983 tại Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.