Tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác giáo dục Việt Nam - Liên bang Nga

GD&TĐ - Chiều 29/10, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc làm việc với Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga P.A. Shevtsov về các vấn đề hợp tác giáo dục giữa 2 bên.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tiếp đón đoàn công tác Liên bang Nga tới làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc tiếp đón đoàn công tác Liên bang Nga tới làm việc tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại buổi làm việc, ông P.A. Shevtsov cho biết, Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga đang phụ trách các vấn đề về tuyển ứng viên duhọc tại Liên bang Ngatheo diện học bổng hiệp định; thực hiện các dự án phổ biến tiếng Nga; cung cấp sách giáo khoa tiếng Nga cho các nước có giảng dạy ngôn ngữ này…

Theo Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga, hoạt động tuyển ứng viên Việt Nam sang du học tại quốc gia này những năm qua rất hiệu quả. Trong số 965 chỉ tiêu học bổng hiệp định của năm 2019, có 200 chỉ tiêu được tuyển qua các cuộc thi Olympic của Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga.

Các học viên Việt Nam sang Liên bang Nga du học được đánh giá là có chất lượng học tập tốt, thái độ nghiêm túc, cầu tiến. Sau tốt nghiệp cử nhân, một số ứng viên có mong muốn được học lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ khoa học. Do đó, Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga đề xuất Bộ GD&ĐT Việt Nam phối hợp để bổ sung 30 chỉ tiêu học bổng thạc sĩ, tiến sĩ khoa học cho các học viên tài năng người Việt đang học tập tại đây.

Trước đó, Liên bang Nga đã hợp tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ khoa học với 182 quốc gia và có kết quả tốt. Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga cũng đang phối hợp các Bộ ngành liên quan để tăng chỉ tiêu học bổng hiệp định trình độ cử nhân dành cho ứng viên Việt Nam, lên con số 1.000.

Tại Việt Nam hiện nay có 10 trường phổ thông còn giảng dạy tiếng Nga. Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga đề nghị Bộ GD&ĐT Việt Nam quan tâm tới các cơ sở giáo dục này, đồng thời cho phép mở rộng mạng lưới trường phổ thông giảng dạy tiếng Nga. Về phía mình, Liên bang Nga sẽ nỗ lực giúp giáo viên Việt Nam nâng cao trình độ ngoại ngữ này, đồng thời cử giảng viên người Nga sang Việt Nam giảng dạy.  

Về những đề xuất hợp tác giáo dục của Phó giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ sự ủng hộ. Thứ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ rà soát các trường phổ thông còn giảng dạy tiếng Nga và có sự quan tâm thích đáng. Việc mở rộng cơ sở giáo dục phổ thông giảng dạy ngôn ngữ này cũng có thể tiến hành ở những địa phương mà người dân có nhu cầu biết tiếng Nga như: Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa… 

Cảm ơn những đề xuất sẽ góp phần thúc đẩy mối quan hệ hợp tác vốn tốt đẹp và lâu bền giữa hai nước Việt Nam - Liên Bang Nga, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, những năm qua việc hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia đang phát triển. Liên bang Nga là nước cung cấp số lượng học bổng hiệp định lớn nhất cho Việt Nam. Bộ GD&ĐT Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga và các cơ quan liên quan khác của Nga, để tăng cường hơn nữa hiệu quả các hoạt động hợp tác.

Thứ trưởng đề nghị, Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga cử giáo viên người Nga sang hỗ trợ giảng dạy tiếng Nga tại Việt Nam hỗ trợ tài liệu sách giáo khoa giảng dạy tiếng Nga trong các trường phổ thông của Việt Nam.

Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga P.A. Shevtsov cảm ơn sự đón tiếp và ủng hộ của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc. Ông cho biết, Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam xây dựng bộ sách giáo khoa tiếng Nga giảng dạy trong các trường phổ thông, cũng như nỗ lực phối hợp để phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa việc hợp tác giáo dục giữa hai bên.

Sáng cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đã có cuộc trao đổi hợp tác song phương với Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Giáo dục Liên bang Nga P.S. Zenkovich và dự Phiên toàn thể Khóa họp lần thứ 22 Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.