Thấp thỏm sống bên bờ biển xâm thực

GD&TĐ -Những ngày gần đây tại biển xã Quảng Công (Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) xuất hiện sóng lớn khiến hàng trăm mét đất, cát dọc bờ biển bị xói lở dữ dội.

Thấp thỏm sống bên bờ biển xâm thực
Thấp thỏm sống bên bờ biển xâm thực ảnh 1Thấp thỏm sống bên bờ biển xâm thực ảnh 2Thấp thỏm sống bên bờ biển xâm thực ảnh 3Thấp thỏm sống bên bờ biển xâm thực ảnh 4Thấp thỏm sống bên bờ biển xâm thực ảnh 5Thấp thỏm sống bên bờ biển xâm thực ảnh 6
Ngày 18/10 chúng tôi đã có mặt tại bãi biển xã Quảng Công chứng kiến cảnh bờ biển tiếp tục bị sóng biển “gặm” sâu. 

Theo bà con ở xã Quảng Công, sau mùa lũ năm 2013, đợt này nước biển xâm thực xâm thực vào đất liền xảy ra nhanh “gặm” hết 20 mét bờ biển đồng thời tràn luôn vào khu neo đậu thuyền của bà con ngư dân vừa đầu tư san ủi mặt bằng.

Sống cùng sạt lở

Thực tế tại bờ biển xã Quảng Công đoạn qua khu vực Tân An (thôn An Lộc) chúng tôi nhận thấy bờ biển sạt lở nghiệm trọng nhất là khu vực Tân An (thôn An Lộc), với chiều dài gần 1 km, ăn sâu 4 - 5 m, điểm sâu nhất 10 m. Tại đây vùng biển xâm thực kéo dài hơn 500 m chạy dọc theo khu vừng dương chắn sóng. 

Do sóng to liên tục diễn ra dài ngày khiển từng tảng cát to bị sóng cuốn dần ra biển, điều này gây hoang mang cho người dân đang sinh sống tại khu vực này. 

Anh Lê Ngọc Hạnh - Ngư dân sinh sống cạnh bờ biển xóm Tân An - lo lắng kể: “Tui ở đây hơn 30 năm rồi chưa có khi mô biển xâm thực như ri. Mới tối qua biển đã xâm thực lấn vô đất liền hơn 4 m.

Nếu cứ tiếp tục bị xâm thực mạnh như thế này không chỉ uy hiếp trực tiếp đến tài sản, tính mạng con người mà còn gây khó khăn cho ghe thuyền ra vào để đánh bắt thủy hải sản".

Ông Lê Truyền - Trưởng thôn An Lộc - cho biết: “Mấy tháng nay nhân dân chúng tôi rất lo lắng vì bờ biển bị xâm thực. Cho dù trên biển Đông chưa có hiện tượng gió bão lớn mạnh, bình thường gió mới cấp 3, cấp 4 mà biển đã bị xâm thực nhanh. 

Bà con trông “ trời xanh biển lặng” để đi làm ăn, nhưng khi trời trong xanh thì biển lại xâm thực. Theo nhân dân thôn An Lộc chúng tôi nhận định do có chiếc tàu nước ngoài mắc cạn ngay tại lạch nước ra vào bờ biển gần 3 năm nay khiến ghe thuyền gặp khó, vì luồng lạch bị bồi lắp. 

Nếu bờ biển tiếp tục xâm thực như ri thôn An Lộc chúng tôi giảm nghèo thì chưa thấy. Nhưng tái nghèo chắn chắn sẽ trở lại. Lí do suốt 3 tháng nay ngư dân trong thôn đã phát hiện nhiều đàn cá cơm trên biển nhưng tàu ghe không thể ra vào biển để đánh bắt hải sản”.

Nỗi lo biển “nuốt” nhà dân

Theo UBND xã Quảng Công, ngoài tác động của biến đổi khí hậu thì nguyên nhân chính dẫn đến bờ biển bị xâm thực ngày càng nghiêm trọng là do việc cản trở và làm biến đổi dòng chảy bởi phần đuôi còn lại của con tàu Malaysia mắc cạn trước đây. 

Hiện tượng xâm thực, sạt lở bờ biển tại xã Quảng Công, huyện Quảng Điền diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhất là các thôn Cương Giáng, Tân Thành, Hải Thành và An Lộc, với số hộ dân ảnh hưởng và cần được di dời tái định cư là 350 hộ. Đây vấn đề hết sức khó khăn đối với bà con ngư dân cũng như chính quyền địa phương xã Quảng Công.

Ông Nguyễn Đính - Chủ tịch UBND xã Quảng Công - cho biết: Hiện tại ở khu vực sạt lở nghiêm trọng là thôn An Lộc có 75 hộ ngư dân ở khu vực này đang được bố trí tái định cư xen ghép theo phê duyệt của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, do bà con ở đây chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, cơ sở hạ tầng khu tái định cư chưa được đầu tư hoàn thiện nên việc di dời đến nơi ở mới là vấn đề không chỉ ngày một, ngày hai. 

Đến nay toàn xã có 113 hộ dân được tổ chức tái định cư. Trong số 113 hộ TĐC cũng mới chỉ có 64 hộ vào ở, còn lại do đời sống còn gặp khó khăn nên phải sống ở gần bờ biển để thuận lợi trong việc đánh bắt thủy sản. 

Mấy năm trước, những hộ dân vào ở khu tái định cư được hỗ trợ 10 - 14,5 triệu đồng làm nhà, riêng năm 2013 được hỗ trợ đến 24,5 triệu đồng và đất ở 390 m2

Số tiền đó cũng chỉ đủ cho bà con vận chuyển vật liệu, tài sản vào khu TĐC, xây móng nhà, không đủ điều kiện để xây nhà ở, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp chính quyền, ban ngành chức năng.

“Hiện nay cùng với phương án sớm tháo gỡ xác tàu Malaysia để tránh tình trạng xâm thực cục bộ, thì người dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở bờ biển cũng như chính quyền xã Quảng Công rất mong nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh và các ngành chức năng về các phương án và giải pháp chống sạt lở bờ biển trước mắt cũng như lâu dài nhằm ổn định đời sống nhân dân” - Ông Đính kiến nghị.

Trong lúc đó bờ biển xã Phú Thuận (thị trấn Thuận An, Phú Vang) cũng đang lâm vào cảnh tương tự. Ông Nguyễn Văn Chường - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận - cho biết: Sạt lở bờ biển bắt đầu xảy ra từ cơn lũ lịch sử năm 1999 đến nay. Các ban ngành, địa phương cũng đã có nhiều biện pháp phòng chống, như trồng dương liễu, xây kè bằng rọ đá… nhưng sạt lở vẫn thường xảy ra. 

Toàn xã Phú Thuận có hơn 100 hộ sống ven bờ biển nằm trong vùng nguy hiểm, buộc di dời và tái định cư khẩn cấp nhằm tránh thiệt hại tính mạng và tài sản trong mùa bão lũ. 

Do thiếu kinh phí nên thời gian qua xã mới xây dựng khu tái định cư cho 45 hộ; mỗi hộ được cấp 140 m2 đất và hỗ trợ 14,5 triệu đồng để làm nhà ở. Số hộ còn lại sẽ tổ chức tái định cư trong thời gian tới.

Ông Trần Đức Duy - Phó Chi cục Phòng chống lụt bão và Quản lí đê điều Thừa Thiên Huế - cho biết: “Hiện nay có nhiều biện pháp để chóng sạt lở bờ biển, chủ yếu là “mỏ hàn cứng và mỏ hàn mềm”. 

Nhưng muốn xây dựng một hệ thống đê chống sạt lở không phải chuyện đơn giản. Khi có dự án xây dựng thì phải nghiên cứu dòng hải lưu, tốc độ dòng chảy, hướng gió… Đối với Thừa Thiên Huế, thời tiết khá phức tạp nên càng khó xây dựng.

Số liệu từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết bờ biển Thừa Thiên Huế có tổng chiều dài 127 km và diện tích vùng đầm phá khoảng 22 ngàn ha. 

Toàn tỉnh có 42 xã, với 61.267 hộ/306.337 nhân khẩu sống ven biển và đầm phá; trong đó, có khoảng 1.500 hộ/5.735 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp do bão lũ và biển xâm thực. 

Mấy năm qua, tỉnh đầu tư TĐC cho trên 1.000 hộ, số còn lại cũng đã đề nghị Trung ương hỗ trợ trên 40 tỷ đồng để tổ chức TĐC cho người dân trong thời gian tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ