Thao thức Cửa Đại

GD&TĐ - Câu chuyện có thể coi là bắt đầu từ 10 năm trước, tuy nhiên đến năm 2014 thì người dân Cửa Đại mới cảm thấy rõ rệt bờ biển của mình đang bị sạt lở. Người dân lo lắng, chính quyền lo lắng, tìm cách bảo vệ bờ biển tuyệt đẹp này. Nhưng cơ sự không dễ dàng.

Giải pháp kè mềm đã không cứu được Cửa Đại trước nạn triều cường
Giải pháp kè mềm đã không cứu được Cửa Đại trước nạn triều cường

1. Năm 2015, chuyên trang du lịch nổi tiếng TripAdvisor xếp biển Cửa Đại - Hội An (của tỉnh Quảng Nam, Việt Nam) vào vị trí 18 trong top bãi biển hàng đầu ở châu Á.

Đây là bãi biển dài rộng, nước biển không sâu, du khách tắm biển rất an toàn. Cửa Đại lại không cách khu đô thị cổ Hội An bao xa, rất thuận lợi cho du khách trong và ngoài khi đến Đà Nẵng, Hội An. Vì thế, nhiều nhà hàng, khách sạn nối nhau mọc lên. Người dân trong vùng cũng nhờ đó mà có thêm việc làm ăn, thu nhập khá.

Ai có dịp đến Cửa Đại đều say mê cảnh đẹp, thích thú trước thái độ chân thành, mộc mạc của người dân nơi đây. Khái niệm “chặt chém” không có ở Cửa Đại.

Nhưng rồi, do biến đổi khí hậu, nước biển cao hơn và những con sóng cũng như ngày một dữ tợn hơn. Bờ biển Cửa Đại phải chịu nhiều trận triều cường dữ dội, nhất là vào những tháng cuối năm cũ vắt sang năm mới. Vào tháng 1/2014, bờ biển Cửa Đại bắt đầu sạt lở. Tới thời điểm tháng 10 năm đó, sóng biển đã cuốn phăng toàn bộ rào chắn bằng bê tông cao 5 mét, dài 70 mét và ăn sâu vào đất liền ở bãi Cửa Đại chừng 30 mét. Vài tháng sau, sóng cuốn tiếp khoảng 160 m bãi tắm, nhiều công trình của khu resort bị sóng cuốn đi. Những hàng dừa, phi lao nằm nghiêng ngả, bật gốc.

Sau đó, chính quyền TP Hội An bắt đầu nghiên cứu và đầu tư 25 tỉ đồng để thực hiện kè mềm có chiều dài 100 mét tại khu vực hàng dừa. Đây có thể coi là lần đầu tiên chính quyền địa phương chi tiền để chống

sạt lở cửa biển này. Còn những năm tiếp theo, sạt lở nặng nề hơn nên cũng có nhiều hơn những cuộc hội họp, hội thảo và số tiền chi ra cũng nhiều hơn. Nhưng thật đáng ngại là khi khu vực sạt lở tiến gần lại với tuyến đường nối Cửa Đại với phố cổ Hội An thì cũng xuất hiện những khu du lịch đầu tư dang dở. Như vậy là, sạt lở ở Cửa Đại không chỉ ảnh hưởng đến riêng bờ biển này mà còn ảnh hưởng tới phố cổ Hội An.

2. Trong vòng 10 năm qua, tính trung bình mỗi năm biển Cửa Đại bị xâm thực sâu vào đất liền từ 10 - 15 mét. Đây là con số rất lớn. Biển đang ngoạm vào đất liền, nơi cư trú và sinh kế của người dân từ đó cũng bị đe dọa. Các nhà đầu tư cũng bắt đầu e dè khi nói đến Cửa Đại.

Còn nhớ, tại cuộc hội thảo “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững”, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Đại sứ phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung tổ chức, nhiều ý kiến đã lấy làm lo ngại trước tình trạng biển Cửa Đại sạt lở ngày một rõ ràng hơn.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học nguyên nhân chính dẫn đến xói lở bờ biển Cửa Đại là do thiếu hụt lượng bùn cát từ thượng lưu đổ về. Trong đó, việc khai thác cát ồ ạt trên sông Thu Bồn được coi là nguyên nhân chính gây thiếu hụt bùn cát. Nói như GS.TSKH Nguyễn Kim Đan - Chủ nhiệm Dự án “Nghiên cứu quá trình xói lở bờ biển Hội An”, thì lượng bùn cát bị giữ lại đập thủy điện hơn một nửa đã khiến cho lượng bùn cát đổ ra cửa biển ít hơn. Cùng đó, GS Đan cảnh báo: “Chúng tôi đã tính sóng trong vòng 9 năm thì thấy rằng, tần suất xuất hiện sóng cao nhiều hơn trước rất nhiều, hướng sóng thì thẳng góc với bờ biển. Đó là điều rất đáng ngại”.

Từ đó, để bảo vệ Cửa Đại, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển được đưa ra, kể cả giải pháp khẩn cấp, như: Cấm mọi hình thức khai thác cát ven sông Thu Bồn và khu vực Cửa Đại; nuôi bãi kết hợp xây dựng đê ngầm dài gần 7 km dọc theo bờ biển; tăng lưu lượng trầm tích từ cửa sông Thu Bồn đến bờ biển phía Bắc; nạo vét luồng rộng 200m và chiều sâu 8m, dọc theo bờ trái cửa sông.

Tuy nhiên, trên thực tế, kết quả không cao. Kể cả việc Chính phủ Pháp hỗ trợ tỉnh Quảng Nam triển khai Dự án “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững”, triển khai từ tháng 7/2016, kinh phí hỗ trợ 300.000 euro (tương đương 7,4 tỷ đồng), tỉnh Quảng Nam đối ứng 5 tỷ đồng. Theo người dân trong vùng, muốn làm gì thì làm nhưng quan trọng nhất là phải làm sao để bờ biển không lở nữa và tái tạo trở lại.

Nhưng, đó là điều vô cùng khó khăn.

Đã có lúc hy vọng đã được thắp lên khi cát dần bồi lấp trở lại cho Cửa Đại. Đó là vào năm 2016. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, sang 2017, tình trạng sạt lở, xâm thực lại tái diễn, tuy không quá nặng nề.

Còn tại thời điểm đầu năm 2019, bờ biển Cửa Đại lại bị triều cường tấn công khiến hàng trăm mét kè rơi vào tình cảnh tái sạt lở. Người dân địa phương cho biết, dù không có mưa bão lớn như năm 2017 nhưng cuối năm 2018, đầu năm 2019 những con sóng lớn trên 1 mét xuất hiện, đánh thẳng vào bờ, nhất là đoạn kè mềm phía ngoài khu nghỉ dưỡng Victoria đến khu nghỉ dưỡng Palm Garden.

Doanh nghiệp lo lắng, người dân lo lắng khi mà những con sóng lớn vượt qua bờ kè mềm bằng bao tải chứa cát kéo sập nhiều đoạn bờ tường của nhà hàng, quán ăn ra biển. Nói như ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch TP Hội An thì chính quyền địa phương lo nhất ở tuyến kè mềm, mỗi năm dù đã được tạo bãi tự nhiên lẫn nhân tạo và có kè mềm, nhưng qua mỗi mùa mưa bão, bờ biển lại tiếp tục bị xâm thực. Còn 2 tuyến kè cứng với tổng chiều dài hơn 800m ở phường Cửa Đại vẫn an toàn.

Như vậy, có thể nói, giải pháp “kè mềm” không hiệu quả với Cửa Đại, mà phải là “kè cứng”. Nhưng kinh phí xây dựng kè cứng là rất cao, không dễ gì có được. Được biết, những năm qua, toàn tuyến kè Cửa Đại đã được đầu tư hơn 78 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương, chưa kể các doanh nghiệp khách sạn tự đầu tư để bảo vệ tài sản của mình, nhưng tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại vẫn còn đó như một thách thức.

Nên, bao giờ Cửa Đại mới bình yên vẫn là nỗi niềm thao thức của người dân và chính quyền nơi đây.

Bảo vệ Cửa Đại, nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp được đưa ra, kể cả giải pháp khẩn cấp, như: Cấm mọi hình thức khai thác cát ven sông Thu Bồn và khu vực Cửa Đại; nuôi bãi kết hợp xây dựng đê ngầm dài gần 7 km dọc theo bờ biển; tăng lưu lượng trầm tích từ cửa sông Thu Bồn đến bờ biển phía Bắc; nạo vét luồng rộng 200m và chiều sâu 8m, dọc theo bờ trái cửa sông. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả không cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh lớp 12 đăng ký phương thức xét tuyển sớm của Trường Đại học Công Thương TPHCM, tháng 4/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Điểm cao chẳng thể chủ quan

GD&TĐ - Dù đạt điểm cao ở các kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh vẫn cần tập trung tốt cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng hiệu quả nhất.