Chìa khóa để hướng nghiệp hiệu quả nhất

GD&TĐ - Tại Hội thảo quốc tế “Phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục: Xu hướng Việt Nam và thế giới”; tiến sỹ Phạm Thị Kim Lan đã đưa ra một số gợi ý nhằm nâng cao năng lực hướng nghiệp cho giáo viên trung học.

Hướng nghiệp cần hướng hiểu biết nghề nghiệp cho học sinh theo hướng cung lao động sang hướng cầu của thị trường lao động. Ảnh minh họa/internet
Hướng nghiệp cần hướng hiểu biết nghề nghiệp cho học sinh theo hướng cung lao động sang hướng cầu của thị trường lao động. Ảnh minh họa/internet

Chương trình hướng nghiệp phải mang tính mở

Giáo dục hướng nghiệp không phải là đưa ra con đường có sẵn cho học sinh mà là công cụ giúp cho học sinh tự đưa ra quyết định cho bản thân mình dựa trên sự quan tâm, khả năng thực sự và định hướng nghề nghiệp tương lai của người học. Do đó, công tác hướng nghiệp cần được tiến hành liên tục, trong suốt quá trình học tập của học sinh, không nên để đến khi học sinh cần đưa ra quyết định về nghề nghiệp và tương lai mới trang bị cho các em.

Cụ thể, theo tiến sỹ Phạm Thị Kim Lan, giáo viên cần cập nhật chương trình theo hướng tiếp cận xu hướng phát triển nhân lực và kinh tế của đất nước. Chương trình hướng nghiệp phải mang tính mở, tiếp cận với sự thay đổi của tình hình kinh tế, xã hội và nhu cầu nhân lực phục vụ sự phát triển của đất nước.

Chương trình phải hướng vào mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực tương lai cho đất nước, là khâu đột phá để tạo cơ hội cho thanh niên, học sinh có cơ hội việc làm trong nền kinh tế thị trường.

Hướng nghiệp cần hướng hiểu biết nghề nghiệp cho học sinh theo hướng cung lao động sang hướng cầu của thị trường lao động. Do đó phải đạt được mục tiêu: Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; kết nối giữa đào tạo và thị trường lao động.

Mặt khác, cần tiếp cận theo các chương trình nước ngoài đã áp dụng thành công tại một số quốc gia có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng. Hiện nay, một số quốc gia có điều kiện trước đây hoặc hiện tại tương đối giống điều kiện Việt Nam và họ làm rất tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên.

Một số tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã xây dựng và cung cấp các tài liệu, bộ công cụ về hướng nghiệp trong đó cập nhật khá đầy đủ các nội dung căn bản của công tác hướng nghiệp và cập nhật ngành nghề mà xã hội đang có nhu cầu nhân lực cao. Các cơ quan chức năng cần tham khảo, tiếp thu để điều chỉnh chương trình hiện nay trong trường trung học.

Bên cạnh đó, cần phát huy năng lực, tính chủ động của học sinh trong việc tiếp cận nghề nghiệp, việc làm trong công tác hướng nghiệp. Giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp phải là phương tiện để trao quyền cho học sinh tự mình đưa ra các quyết định dựa trên năng lực hướng nghiệp của bản thân và thị trường lao động.

Giáo viên cần thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật thông tin về ngành nghề, thông tin về thị trường lao động. Ảnh minh họa/internet
Giáo viên cần thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật thông tin về ngành nghề, thông tin về thị trường lao động. Ảnh minh họa/internet

Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên

Chương trình giáo dục phổ thông cần có những phần dành riêng cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp và có định hướng tích hợp rõ ràng trong các môn học. Việc đánh giả hiệu quả của môn học cần được tiến hành toàn diện bao gồm cả phần độc lập và các nội dung tích hợp trong các môn học khác. Để làm được điều này, vai trò của giáo viên giảng dạy công tác hướng nghiệp có vai trò quyết định đến tính hiệu quả của môn học.

Cũng theo tiến sỹ Phạm Thị Kim Lan, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp trong cơ sở đào tạo cần được lựa chọn và đào tạo một cách bài bản, tránh việc kiêm nhiệm như hiện nay.

Giáo viên thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật thông tin về ngành nghề, thông tin về thị trường lao động, về cung - cầu lao động trên thị trường. Đội ngũ giáo viên cần được đào tạo bài bản để có thể tiến hành các hoạt động hướng nghiệp độc lập.

Đồng thời cố vấn cho các giáo viên khác trong việc lồng ghép các kiến thức về hướng nghiệp trong các môn học khác. Để làm được điều này, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo phải có sự chỉ đạo kịp thời, sát sao, chỉ đạo thực hiện một cách đồng bộ tránh tình trạng tùy tiện hiện nay: giáo viên nào cũng có thể dạy hướng nghiệp; cách làm không thống nhất; không có công cụ, phương tiện hỗ trợ giảng dạy.

Theo tiến sỹ Phạm Thị Kim Lan, cần lồng ghép với các chương trình, môn học khác trong nhà trường. Giáo viên cần có kiến thức khái quát, tổng quan về ngành nghề trong xã hội, ngành nghề liên quan đến môn học mình phụ trách giảng dạy để có sự định hướng cho học sinh phù hợp thông qua các ví dụ tiễn, làm cho các môn học và bài giảng có tính thiết thực, sinh động và đáp ứng được nhu cầu hiểu biết của học sinh về các ngành nghề.

“Nội dung giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phải phản ánh được điều kiện và xu thế của thị trường lao động không chỉ của địa phương mà cả khu vực, cả nước và thậm chí là các ngành nghề theo xu hướng của thế giới.

Qua đó góp phần hướng học sinh trong việc lựa chọn ngành nghề thông qua thế giới nghề nghiệp sinh động và đa dạng” - tiến sỹ Phạm Thị Kim Lan trao đổi, đồng thời nhấn mạnh:

Các trường cao đẳng, đại học sư phạm đào tạo đội ngũ giáo viên cho các trường trung học cần có chương trinh đào tạo chuyên ngành về giáo viên hướng nghiệp, hình thành khoa chuyên ngành làm công tác đào tạo giáo viên lĩnh vực này.

Cùng với đó là việc nghiên cứu áp dụng các công cụ được thiết kế khoa học phù họp với thực tiễn Việt Nam, của từng vùng miền, địa phương và từng đối tượng, nhóm đối tượng cụ thể.

Môn học hướng nghiệp cần được đặt ở vị trí quan trọng ngang hàng với các môn khoa học khác, trở thành môn học độc lập tương đối, không phải tích hợp trong các môn học khác hoặc lồng ghép hết với các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Môn học hướng nghiệp cần được đặt ở vị trí quan trọng ngang hàng với các môn khoa học khá. Ảnh minh họa/internet
Môn học hướng nghiệp cần được đặt ở vị trí quan trọng ngang hàng với các môn khoa học khá. Ảnh minh họa/internet

Phát huy vai trò tự chủ, sáng tạo của học sinh

Bên cạnh đó, tiến sỹ Phạm Thị Kim Lan – cho rằng, tiếp cận công tác hướng nghiệp theo hướng phát huy vai trò tự chủ, năng lực sáng tạo của học sinh trong việc tìm hiểu bản thân, năng lực trong công tác hướng nghiệp.

Thay vì cung cấp thông tin một chiều, giáo viên chỉ làm vai trò dẫn dắt, định hướng do đó, giáo viên cần có kiến thức tổng hợp, có phương pháp giảng dạy phù hợp.

Đặc biệt là áp dụng được bộ công cụ chuẩn đoán năng lực (được xây dựng phù hợp với Việt Nam) và thiên hướng nghề nghiệp phù hợp với bối cảnh của công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp Việt Nam.

Bộ công cụ này cần được nghiên cứu, xây dựng khoa học, phù họp với thực tiễn, không đi ngược lại các giá trị văn hóa của con người Việt Nam và các giá trị văn hóa dân tộc.

Giáo viên ngoài các kiến thức xã hội, nghề nghiệp cần thiết, cần được tập huấn thường xuyên để có thể áp dụng bộ công cụ một cách nhuần nhuyễn và bổ sung những thay đổi phù hợp với sự thay đổi của kinh tế, xã hội, nghề nghiệp trong từng năm, từng giai đoạn.

“Vấn đề quan trọng không kém trong việc nâng cao chất lượng của công tác hướng nghiệp trong nhà trường ở Việt Nam là vấn đề nguồn lực đầu tư cho công tác này.

Các nguồn lực cần được đầu tư một cách thích đáng gồm: Nguồn lực nhà nước thông qua cải cách chương trình, thông qua các đề án cụ thể; nguồn lực huy động xã hội hóa thông qua việc huy động các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng tham gia vào quá trình hướng nghiệp cho học sinh và nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng góp cho công tác này” - tiến sỹ Phạm Thị Kim Lan nhấn mạnh.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hướng nghiệp, lựa chọn nghề nghiệp, phân luồng học sinh đang trở thành vấn đề sống còn để phát triển hài hòa, đảm bảo sự cân đối về lao động giữa các trình độ, giữa lao động có kỹ năng cao và lao động phục vụ sản xuất trực tiếp.

Đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp, nhưng để thay đổi căn bản thực trạng này đòi hỏi cả một quá trình lâu dài, khó khăn với sự tham gia của toàn xã hội, cha mẹ học sinh và chính bản thân các em học sinh.

Đã đến lúc công tác giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp cần được đặt đúng vị trí, vai trò quan trọng của nó. Làm được điều này, vấn đề cốt lõi trước tiên là phải có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản trong các trường phổ thông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.