Học sinh chưa chịu theo luồng
Nhận định về thực trạng phân luồng HS ở địa phương, Sở GD&ĐT An Giang đánh giá, qua số liệu 3 năm gần nhất cho thấy, việc thực hiện công tác phân luồng HS sau cấp THCS vẫn chưa đạt hiệu quả toàn diện, phần lớn HS vẫn tập trung vào học các trường THPT chính quy, sau đó tiếp tục chọn con đường học ĐH, CĐ hoặc có xu hướng bỏ học ra ngoài lao động phổ thông hoặc phụ giúp gia đình; còn lại hệ GDTX, các trung tâm, trường dạy nghề chưa thu hút HS. Đây cũng là một trong những lý do mà lộ trình phân luồng ở địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Ngành GD-ĐT An Giang trong những năm qua đã có nhiều cố gắng trong việc triển khai thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh, hệ thống các trường phổ thông (có chức năng liên kết với trung tâm GDTX mở lớp bổ túc văn hóa), trung tâm GDTX, trường dạy nghề đã được phủ kín các huyện, thị xã, thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng HS có thể chọn luồng để theo học theo nhu cần nguyện vọng của bản thân…
Địa phương đã quan tâm đầu tư để sẵn sàng cho việc phân luồng HS nhưng vẫn chưa thu hút người theo học. Toàn tỉnh hiện có 5 trường trung cấp nghề, 1 trường trung cấp kinh tế - kỹ thuật, 1 trường cao đẳng y tế, 1 trường cao đẳng nghề. Các trường đều có tuyển HS sau THCS; tạo điều kiện cho HS có nguyện vọng vừa theo học văn hóa, vừa học nghề, với các ngành, nghề khá đa dạng.
Tuy nhiên, hằng năm tỷ lệ tuyển vào THPT luôn đạt cao (khoảng 76%), nhưng ở luồng GDTX và TCCN, trung cấp nghề đều đạt rất thấp! Có năm học, số HS sau THCS tiếp tục theo học bậc THPT lên đến 76,8%; chỉ có 4,4% HS vào học ở các trung tâm GDTX; có 0,2% HS vào học TCCN và 1,3% HS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
“Khơi thông” luồng để hút học sinh
Theo ông Lý Thanh Tú - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, khó khăn trong công tác phân luồng HS sau THCS do nhiều nguyên nhân. Trong đó do tâm lý hầu hết các bậc phụ huynh đều mong muốn con em mình được học tiếp hệ phổ thông, đặc biệt là trường công lập. Vì lý do này mà phần lớn HS không vào được trường THPT thì bỏ học. Khi các em bỏ học cũng không đăng ký vào học các loại hình học tập khác, làm phát sinh nguồn lao động phổ thông, thu nhập bấp bênh.
Ngoài ra, một số HS trúng tuyển vào lớp 10 hệ chính quy nhưng có hoàn cảnh khó khăn cũng không theo học hết cấp THPT. Căn cứ số liệu thực tế 3 năm học qua, tỷ lệ tuyển sinh vào hệ THPT dao động ở mức 76% - 78% đạt theo lộ trình; nhưng ở 2 luồng GDTX và TCCN còn lại đều đạt thấp.
Một nguyên nhân khác là các trường, trung tâm dạy nghề công lập chỉ tập trung nơi thị tứ, mạng lưới dạy nghề tư nhân chưa nhân rộng đều khắp, chưa tạo sự thuận lợi cho việc đi học. Một số cơ sở đào tạo nghề; trung tâm GDTX - là những nơi đón nhận sự phân luồng HS, lại chưa có sự chuẩn bị tốt về chất lượng đội ngũ, điều kiện dạy học.
Bên cạnh đó, công tác tư vấn hướng nghiệp tại các trường THCS còn đơn điệu, chưa mang lại hiệu quả. Một số phụ huynh còn nặng tâm lý khoa bảng, bằng cấp, chỉ muốn con em tiếp tục học THPT và lên đại học chứ không muốn vào học GDTX hay TCCN, TCN mà không quan tâm đến năng lực học tập của con em mình. Các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kể cả trong khu vực chưa phát triển, nên chưa thu hút lao động nhiều, từ đó dẫn đến không cân đối giữa đào tạo và sử dụng…
Một thực tế ở trường phổ thông là chưa có giáo viên phụ trách dạy hướng nghiệp nên giáo viên chủ nhiệm khối 9 phụ trách dạy hướng nghiệp cho lớp chủ nhiệm. Do đó việc tư vấn hướng nghiệp cho HS chưa được sâu sát. Cũng vì thiếu nhân lực hướng nghiệp nên việc tư vấn cho phụ huynh, HS còn gặp khó khăn.
Một số phụ huynh và HS lựa chọn nguyện vọng tuyển sinh vào lớp 10 chưa phù hợp, còn theo ý kiến chủ quan của cá nhân, dẫn đến việc HS không đủ điều kiện vào THPT theo nguyện vọng. Phụ huynh và HS vẫn còn lo lắng khi học xong trung cấp nghề thì vấn đề việc làm có thuận lợi không? Một số HS theo học nghề một thời gian lại bỏ giữa chừng để đi làm lao động tự do…
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác phân luồng HS, tỉnh An Giang đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, mục tiêu và thực hiện phân luồng HS, đặc biệt là phân luồng HS sau THCS.
Nâng cao, đổi mới công tác tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông và nghiên cứu có chính sách khuyến khích cho người học khi được phân luồng vào giáo dục nghề nghiệp ở chế độ tuyển sinh, chế độ học bổng và học phí...
Theo ông Lý Thanh Tú - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang: Ngành GD-ĐT An Giang kiến nghị với địa phương quan tâm đầu tư kinh phí tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề trong các trường học; đầu tư thiết bị dạy nghề phổ thông, kinh phí tổ chức tìm hiểu thực tế lao động sản xuất gắn với từng chủ đề dạy học trong nhà trường.
Nội dung và chương trình đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề, trường TCCN, cao đẳng cần mở những mã ngành nghề phù hợp, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, thị trường. Đào tạo nghề phải gắn với việc làm, thông qua việc hợp đồng cung ứng lao động của các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cần khuyến khích phát triển và quản lý tốt hệ thống trường nghề tư nhân. Phát triển loại hình vừa đào tạo nghề, vừa học bổ túc văn hóa để HS sau khi ra trường sẽ đạt trình độ văn hóa và nghề nghiệp…