Tháo gỡ bất cập từ Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo, các chuyên gia đồng thời mong muốn, luật sẽ tháo gỡ được những bất cập...

Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán tham gia khóa tập huấn, bồi dưỡng do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Ảnh: BTC
Cán bộ quản lý, giáo viên mầm non cốt cán tham gia khóa tập huấn, bồi dưỡng do Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Ảnh: BTC

Đó là những bất cập liên quan đến đội ngũ; trong đó có công tác tuyển dụng, sử dụng giáo viên.

Bất cập trong tuyển dụng, sử dụng

Đề cập đến vấn đề phân cấp tuyển dụng nhà giáo, ông Tạ Hồng Lựu – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho hay: Hiện, Sở GD&ĐT có trách nhiệm tuyển dụng viên chức thuộc khối THCS & THPT, trường THPT. Còn UBND cấp quận/huyện có trách nhiệm tuyển dụng viên chức khối trường mầm non, tiểu học, THCS theo thẩm quyền quản lý.

Bên cạnh ưu điểm của phân cấp tuyển dụng nêu trên, còn có những bất cập. Cụ thể, việc phải thành lập nhiều hội đồng tuyển dụng, mỗi hội đồng bố trí các ban để phỏng vấn, sát hạch gây lãng phí nhân lực, thời gian và ngân sách. Đó là chưa kể chất lượng tuyển dụng ở mỗi địa phương, đơn vị không đồng đều.

“Có ứng viên tham gia tuyển dụng tại nhiều địa phương nhưng khi trúng tuyển sẽ chọn nơi có điều kiện thuận lợi nhất để hợp đồng làm việc. Điều này gây khó khăn cho các địa phương còn lại trong việc tuyển bổ sung”, ông Tạ Hồng Lựu nêu thực tế.

Về quy trình tuyển dụng giáo viên, ông Tạ Hồng Lựu cho biết, quy trình này bắt đầu từ xây dựng, trình kế hoạch để các cấp có thẩm quyền phê duyệt cho đến thông báo, tổ chức, công khai kết quả tuyển dụng, hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng làm việc… Từ khi rà soát, lập kế hoạch tuyển dụng đến khi tuyển dụng xong mất khá nhiều thời gian; do đó không kịp thời bổ sung số lượng giáo viên còn thiếu.

Hiện, tỉnh Thanh Hóa thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên dạy văn hóa cấp tiểu học và giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học. Theo phân cấp, UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý đội ngũ nhà giáo cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và THCS. Nếu thừa, thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học trong huyện thì không thể điều chuyển giáo viên sang huyện khác.

“Sở GD&ĐT không có thẩm quyền điều phối giáo viên thừa, thiếu giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh dẫn đến một số địa phương phải thực hiện điều chuyển giáo viên từ cấp này sang cấp khác; trong khi người được điều chuyển có trình độ đào tạo không phù hợp với cấp học được chuyển”, ông Tạ Hồng Lựu trao đổi.

Nhấn mạnh, việc tuyển dụng, bố trí, điều động giáo viên tại các địa phương, cơ sở giáo dục còn nhiều vướng mắc, bất cập, ông Lê Tuấn Tứ - đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa viện dẫn, có thực trạng các địa phương tuyển dụng giáo viên đúng quy trình nhưng chú trọng đến kiến thức quản lý Nhà nước nhiều hơn kỹ năng nghiệp vụ.

Điều này vô hình trung khó tuyển được người giỏi vào ngành. Đó là chưa kể việc thiếu cơ chế để thu hút người giỏi thi tuyển vào ngành sư phạm và tham gia tuyển dụng nên một số môn học, cấp học xảy ra tình trạng thiếu nguồn tuyển. Ngoài ra, hiện chưa có đầy đủ chế tài để quản lý nhà giáo ngoài công lập. Các quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Viên chức chủ yếu quản lý với đội ngũ nhà giáo được tuyển dụng vào viên chức.

Cô – trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Hải Minh

Cô – trò Trường Tiểu học Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Hải Minh

Tháo gỡ bằng luật

Đề cập đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh) nhìn nhận, các chính sách, pháp luật đối với giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu đồng bộ, thống nhất, gây khó khăn trong tổ chức, thực hiện.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng viện dẫn, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương có hơn 200 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đội ngũ nhà giáo.

Các văn bản có nội dung điều chỉnh khá rộng, từ chế độ đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá đến những nội dung cụ thể, đặc thù như: Chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông; chương trình bồi dưỡng giáo viên, khen thưởng, tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên… Điều này giúp địa phương, cơ sở giáo dục xây dựng Đề án vị trí việc làm, thực hiện việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, các quy định pháp luật về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục được quy định tại nhiều văn bản pháp lý khác nhau, thiếu tính đồng bộ, thống nhất; thậm chí chồng chéo, gây khó khăn cho việc tra cứu, áp dụng. Nhiều vấn đề chưa điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Từ thực tiễn nêu trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn thống nhất toàn bộ hệ thống văn bản còn chồng chéo, thiếu đồng bộ như hiện nay. Trên hết là xây dựng đạo luật riêng về nhà giáo – Luật Nhà giáo. Qua đó, giúp đội ngũ nhà giáo có cái nhìn tổng thể về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của mình; an tâm công tác; đem hết tài năng, trí tuệ, bản lĩnh cống hiến cho sự phát triển toàn diện giáo dục.

Tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng giáo viên bằng quy định cụ thể của Luật Nhà giáo là đề xuất của ông Tạ Hồng Lựu. Theo đó, các tỉnh, thành phố giao cho ngành Giáo dục phối hợp với ngành Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh, thành phố tổ chức tuyển dụng giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên trên toàn địa bàn, trên cơ sở biên chế được giao và số giáo viên thiếu do các huyện, thị xã, thành phố đề xuất tuyển theo từng năm học. Đồng thời, cần thực hiện tuyển dụng tập trung theo đơn vị tỉnh; bỏ bớt hoặc rút ngắn quy trình, quy định về thời gian tuyển dụng.

Về hình thức tuyển dụng và nguồn giáo sinh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề xuất gỡ khó bằng Luật Nhà giáo; trong đó quy định tăng cường kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ trong tuyển dụng giáo viên hoặc quy định “cứng” tuyển dụng giáo viên theo hình thức thực hành. Ngoài ra, luật này cần quy định điều chuyển giáo viên mầm non, tiểu học, THCS thừa, thiếu giữa các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Ông Lê Tuấn Tứ cho rằng, xây dựng Luật Nhà giáo là cần thiết. Ngoài tháo gỡ khó khăn, bất cập về tuyển dụng, sử dụng giáo viên, luật này còn góp phần nâng cao vị thế, vai trò đội ngũ. Đặc biệt, khi có luật sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc, toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ