5 yếu tố cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo

GD&TĐ - Từ thực tiễn tại Việt Nam và kinh nghiệm của quốc tế, Bộ GD&ĐT đề xuất hành một Luật riêng.

Một lớp học thuộc quận Ba Đình (Hà Nội).
Một lớp học thuộc quận Ba Đình (Hà Nội).

Chia sẻ về sự cần thiết đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo, ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, trên cơ sở quán triệt các nghị quyết của Đảng, kết quả nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thi hành pháp luật về nhà giáo và kinh nghiệm quốc tế cho thấy sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo.

Thứ nhất, ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về giáo dục và vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục: “Thực sự coi phát triển giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Qua đó, nhằm phát huy nguồn lực con người, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; trong đó vai trò quan trọng, quyết định của đội ngũ nhà giáo là “yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người”.

Các văn bản chỉ đạo của Đảng qua các thời kỳ đều thể hiện sự quan tâm sâu sắc, toàn diện, liên tục, nhất quán của Đảng đối với việc xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo. Các chủ trương của Đảng và Nhà nước đều xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục.

Lực lượng nhà giáo là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả. Do đó, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục, là khâu đột phá trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao - khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước.

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục, trong đó có pháp luật về nhà giáo. Thực tế, mặc dù ở Việt Nam đã có Luật Viên chức và nhà giáo chiếm 70% tổng số viên chức toàn quốc.

Tuy nhiên, Luật Viên chức chưa bao quát hết đối tượng nhà giáo (công lập, ngoài công lập, nhà giáo có yếu tố nước ngoài); chưa phù hợp với mô hình quản lý hiện đại.

Việc quản lý nhà giáo chung với các viên chức khác vẫn theo mô hình quản lý nhân sự (nhà giáo được coi chủ yếu như một đối tượng quản lý chứ không phải là nguồn lực cần phát triển để đảm bảo sự thành công của giáo dục);

Trong khi đó, trên thế giới đã tiếp cận theo mô hình quản lý nguồn nhân lực (nhà giáo là nguồn lực cần được bồi dưỡng và phát triển để bảo đảm sự thành công của giáo dục, là những nhà chuyên nghiệp trong nghề dạy học, cần được đào tạo, tuyển dụng và sử dụng theo một khung pháp lý bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, năng lực, động lực, cơ cấu của đội ngũ nhà giáo với các mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục).

Thứ ba, xây dựng Luật Nhà giáo nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo trên cơ sở tôn trọng đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo vì nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác.

Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những thay đổi trong cơ cấu dân số, những thách thức của nền kinh tế tri thức và bài toán toàn cầu sẽ dẫn tới những biến đổi tất yếu trong giáo dục nói chung và trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Lao động sư phạm của nhà giáo là lao động đặc biệt, từ đối tượng, công cụ, quy trình cho đến sản phẩm đều do con người thực hiện và trực tiếp tác động đến con người, giúp cho con người sống hạnh phúc, có ích hơn. Đồng thời, lao động sư phạm của nhà giáo cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho đất nước.

Tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo nêu trên đặt ra yêu cầu cần có môi trường làm việc, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, phù hợp tạo thuận lợi cho nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề và tâm huyết với nghề;

Mặt khác, tạo điều kiện cho sự phát triển sáng tạo, trong một không gian văn hóa được trân trọng, tôn vinh, ghi nhận, phối hợp và hỗ trợ của toàn xã hội. Điều này, là vô cùng cần thiết đối với đội ngũ nhà giáo, không phân biệt nhà giáo làm việc trong trường công lập hay ngoài công lập.

Học sinh tiểu học TPHCM trong ngày khai giảng năm học 2023- 2024. Ảnh: Nguyễn Dũng/Tiền phong.

Học sinh tiểu học TPHCM trong ngày khai giảng năm học 2023- 2024. Ảnh: Nguyễn Dũng/Tiền phong.

Thứ tư, xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo môi trường hoạt động nghề nghiệp mới cho nhà giáo trong bối cảnh phát triển của khoa học- công nghệ, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, giáo dục Việt Nam cần phải hòa vào dòng chảy chung để thực hiện sứ mệnh đào tạo các thế hệ công dân toàn cầu. Các nhà giáo cần có môi trường để phát triển nghề nghiệp một cách sáng tạo, liên tục.

Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang trao cho nhà giáo nhiều quyền tự chủ hơn, vì vậy cần có hành lang pháp lý đầy đủ để nhà giáo yên tâm hoạt động nghề nghiệp, triển khai các hoạt động giáo dục phù hợp và được sáng tạo, đổi mới trong hoạt động nghề nghiệp của mình.

Thứ năm, việc xây dựng Luật Nhà giáo phù hợp với xu thế chung của thế giới. UNESCO đã chỉ ra rằng: “Không một nền giáo dục nào có chất lượng vượt qua chất lượng đội ngũ nhà giáo…”.

Những nước phát triển trên thế giới đều xây dựng hệ thống pháp luật về nhà giáo với các chính sách nhằm phát triển bền vững đội ngũ nhà giáo, coi vị thế nghề nghiệp của nhà giáo như là một yếu tố chủ chốt của mục tiêu giáo dục.

Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cho thấy, có 3 mô hình cơ bản trong xây dựng pháp luật về nhà giáo bao gồm:

Mô hình 1: Ban hành Luật Nhà giáo.

Mô hình 2: Xây dựng một chương hoặc một quyển về nhà giáo trong Bộ Luật Giáo dục.

Mô hình 3: Ban hành luật nhằm thể chế hóa một số chính sách đặc trưng của nhà giáo.

Từ kinh nghiệm của quốc tế, việc lựa chọn mô hình 1 - xây dựng một Luật riêng về nhà giáo là phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ phát triển luật pháp ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, thời gian vừa qua, Bộ GD&ĐT đã kiên trì đề xuất theo hướng ban hành 1 Luật riêng về nhà giáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.