Thảo dược từ lá tre

GD&TĐ - Nhóm tác giả đến từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã chiết xuất thành công thảo dược hỗn hợp dầu với thành phần chính từ lá tre giúp vết thương nhanh lành chỉ trong từ 3 - 10 ngày.

Thảo dược từ lá tre

Tận dụng hoạt tính sinh học từ lá tre

Tại hội thảo “Công nghệ cố định các chiết xuất thảo dược ở hỗn hợp dầu có tính thấm qua da”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM vừa tổ chức, ThS Trần Chí Thành, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết, đã có nhiều cách để chiết xuất các hoạt tính từ thực vật như dùng dung môi, chưng cất, ép, thăng hoa... cho ra hỗn hợp các hoạt chất khác nhau; sau đó kết tinh, chiết lỏng, sắc ký để chiết xuất tinh khiết từng loại hoạt chất, ứng dụng vào sản xuất dược, mỹ phẩm.

Thách thức là ở chỗ, một phân tử hay một hợp chất muốn thấm qua da thường phải dưới 500 Da (đơn vị khối lượng nguyên tử - Dalton). Các phân tử lớn hơn khó có thể xâm nhập, nên không thể tác động đến các tế bào của cơ thể, làm giảm hiệu quả khi sử dụng sản phẩm.

Để khắc phục những vấn đề trên, ThS Trần Chí Thành và cộng sự đã nghiên cứu công nghệ cố định các hoạt chất dịch chiết thực vật trong hỗn hợp dầu có tính thấm nhanh qua da. Nhóm nghiên cứu thử nghiệm công nghệ này trong việc sản xuất gel trị viêm da từ chiết xuất của lá tre.

Theo ông Thành, lá tre có các hoạt chất sinh học như phenolic, flavoinoids có khả năng chống oxy hóa, làm nhanh liền các tế bào da bị tổn thương. Nhóm chọn giống tre Mạnh Tông để cho hoạt chất tốt nhất.

Mạnh Tông là loài tre mọc cụm, không gai. Thân cây cao 12 - 15 m, đường kính thân 5 - 11 cm, lóng dài 32 - 40 cm, vách thân dày 2,2 cm, ngọn cong rủ. Thân cây thẳng, tròn đều. Thân non có nhiều lông mịn mầu hung. Phía trên và dưới vòng mo phủ một lớp lông mịn cao 1,1 cm màu hung, những đốt nằm sát mặt đất thường rất ngắn, gần như sát nhau.

Lá tre được rửa sạch, phơi khô, nghiền nhỏ. Sau đó dùng dung môi (nước cất, ethanol) để chiết xuất các hoạt chất, rồi ủ lạnh ở nhiệt độ 4ºC trong 10 ngày và lọc lấy dung dịch chiết lá tre..

Bên cạnh đó, nhóm sử dụng các loại dầu (dừa, gấc, oliu, nghệ), nhũ tương (hệ phân tán của hai chất lỏng không hòa tan được với nhau), bổ sung thêm chất mang háo nước (đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ - FDA chấp nhận sử dụng trong sản xuất mỹ phẩm), đem ủ ở nhiệt độ thường và khuấy đều hằng ngày, trong 1 tháng rồi lọc và tách lấy lớp dung dịch có dầu.

Nhóm dùng hỗn hợp dung dịch dầu này, phối trộn với dịch chiết từ lá tre nói trên và vaselin (có tác dụng dưỡng ẩm, dưỡng da), sau đó hòa tan ở nhiệt độ 50ºC, thu được gel trị viêm da (nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, hoặc viêm da cơ địa).

Theo các nghiên cứu trung bình, mô lá tre chứa 12,92% protein và proline tương đối cao (7,98%). Lá tre cũng chứa hàm lượng tương đối cao các nguyên tố khoáng đa lượng kali (12,17mg/g) và canxi (5,37mg/g), nồng độ cao của các nguyên tố vi khoáng mangan (388,76μg/g) và sắt (123,19μg/g), và nồng độ thấp của bo (7,8μg/g) và kẽm (28,56μg/g).

Lá tre hay trúc diệp hơi cay, vị ngọt nhạt, tính lành. Lá tre có nhiều tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu giảm sốt. Ngoài ra lá tre có thể sử dụng làm tinh dầu, cho mùi thơm, như lá sả, lá hương nhu, bạc hà, khuynh diệp… làm thuốc xông hơi trị cảm mạo.

Thảo dược từ lá tre  ảnh 1

Lành tính, nhanh hồi phục

ThS Trần Chí Thành cho biết, thử nghiệm sản phẩm cho thấy, da nhanh lành sau 3 ngày đối với bệnh nhân bị dị ứng corticoids; tay bị bong tróc lên da non sau 3 ngày và khỏi hoàn toàn sau 10 ngày. Ngoài ra, thử nghiệm trên tay bị viêm da của một số nhân viên y tế ở Bệnh viện Cần Giờ, TPHCM cho thấy da phục hồi hoàn toàn trong 10 ngày điều trị. Sản phẩm cũng không gây bí hay ngứa khó chịu, tạo cảm giác thoải mái cho người dùng.

Trong y học cổ truyền, lá tre có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải nhiệt, hạ sốt, giảm nôn, thanh âm, tiêu đờm, cầm huyết, dùng trong chữa trị cảm sốt, cảm nắng, cảm ho, sốt cao, phiền nhiệt viêm nhiễm đường hô hấp.

Với y học hiện đại, chiết xuất flavonoid có trong lá tre có tác dụng chống oxy hóa ngăn chặn các tế bào khỏi bị tổn thương, giảm stress. Những chất chống oxy hóa chiết xuất từ lá tre hứa hẹn sẽ được ứng dụng trong thực tế nhằm phát triển các sản phẩm chức năng chiết xuất từ lá tre.

Các thành phần polysaccharid hòa tan trong nước (NP) có khả năng ức chế sinh trưởng của các vi khuẩn như E.Coli, S. aureus và B. subtilis khi nồng độ NP nằm trong khoảng 0,50-50,0 mg/mL. Do đó, kết luận rằng NP từ lá tre có thể được sử dụng như một chất chống oxy hóa diệt vi khuẩn tự nhiên.

Theo ThS Thành, dịch chiết từ lá tre có tác dụng làm nhanh lành da bị tổn thương, kết hợp với công nghệ sản xuất trên, khi thoa lên da, các phân tử của sản phẩm kết hợp nước có trong da, nên thấm vào da một cách nhanh chóng và không gây ngứa.

Sản phẩm đã được Sở Y tế Long An cấp phép lưu hành và công nghệ sản xuất của nhóm tác giả đã đoạt giải quán quân của Cuộc thi Tìm kiếm tài năng quốc tế năm 2021 do Trường Đại học Leipzig (Đức) tổ chức.

Theo ThS Thành, công nghệ nói trên không phá huỷ hoạt tính các chất trong dịch chiết thảo dược, có thể áp dụng chung cho các loại thảo dược khác nhau. Bất kỳ hoạt chất dịch chiết nào cũng có thể áp dụng công nghệ này để sản xuất dược, mỹ phẩm giúp thấm nhanh qua da, nâng cao hiệu quả của sản phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Một tiết học Lịch sử tại Trường Tiểu học số 223, Warsaw, Ba Lan.

Tranh cãi bỏ bài tập về nhà

GD&TĐ - Chính phủ Ba Lan quy định những quy định mới về việc giao bài tập về nhà, trong đó cấm giao bài tập cho học sinh lớp 1 - 3.
Học sinh Trường Tiểu học Đỉnh Bàn thực hành thuyết minh giới thiệu về lịch sử.

'Giáo án' đặc biệt

GD&TĐ - Nhằm tạo không gian học tập và trải nghiệm hấp dẫn cho học sinh, nhiều trường học tại Hà Tĩnh đã thiết kế các khu trải nghiệm lịch sử trong khuôn viên.