Thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược của Việt Nam

GD&TĐ - Ngày 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VASC) tổ chức buổi Họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19.

PGS.TS Lê Quang Huấn và cộng sự nghiên cứu tính năng của thuốc.
PGS.TS Lê Quang Huấn và cộng sự nghiên cứu tính năng của thuốc.

Thuốc điều trị Covid-19 từ thảo dược đầu tiên ở Việt Nam

Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước ta, PGS.TS Lê Quang Huấn và cộng sự tại Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã bắt tay nghiên cứu thuốc ức chế virus SARS-CoV-2 từ thảo dược có tác dụng liên kết mạnh với các phân tử liên quan quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2.

Đến nay, nhóm đã tạo ra một chế phẩm thuốc y học cổ truyền thực sự có triển vọng trong điều trị bệnh Covid-19. Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy, sản phẩm an toàn và có tác dụng ức chế sự phát triển của virus SARS-CoV-2, tăng cường miễn dịch trên các mô hình nghiên cứu thực nghiệm.

Nhóm đã sử dụng công nghệ hiện đại tin sinh học để sàng lọc các hoạt chất chính có trong các thảo dược Việt Nam. Các chất này có ái lực liên kết mạnh với các đích phân tử liên quan tới quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2.

Sản phẩm nghiên cứu là thuốc từ tổ hợp các loại thảo dược chứa các hoạt chất đã sàng lọc nhằm tạo ra sản phẩm có hiệu quả điều trị cao nhất trên cơ sở có được sự tương tác cộng hưởng của các hoạt chất theo các cơ chế khác nhau.

Thành phần thảo dược của thuốc gồm xuyên tâm liên, diếp cá, hoàng cầm, đinh hương, hòe hoa, thanh hao hoa vàng, gừng, cam thảo bắc, chùm ngây, sài hồ… Thuốc làm ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ.

Ức chế khả năng nhân lên của virus trong tế bào (đối với những hạt virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ). Kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt virus.

Sản phẩm VIPDERVIR do nhóm nghiên cứu tạo ra đã được đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn tại Bộ môn Dược lý thuộc ĐH Y Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm Thuốc Trung ương, đánh giá khả năng ức chế virus H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Quang cảnh buổi họp báo công bố sản phẩm.

Quang cảnh buổi họp báo công bố sản phẩm.

PGS.TS Chu Hoàng Hà - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết, thuốc đã được Hội đồng Đạo Đức - Bộ Y tế (cuộc họp ngày 7/8/2021) đã đánh giá kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng thuốc và phê duyệt đề cương nghiên cứu lâm sàng trên bệnh nhân Covid-19.  

Đây là loại thuốc từ dược liệu đầu tiên ở Việt Nam được cho phép thử lâm sàng. Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam mong muốn quá trình thử nghiệm lâm sàng được thực hiện một cách khách quan và với tiến độ nhanh nhất theo quy định, để nếu thuốc thể hiện tính hiệu quả sẽ sớm được đưa vào sử dụng góp phần tích cực trong công tác điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

Cuối năm 2021 sẽ đưa vào phác đồ điều trị

TS Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ đào tạo, Bộ Y tế cho rằng đây là một trong những minh chứng sinh động về các bộ ngành, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện chỉ đạo của BCH TW Đảng, Chính phủ trong việc ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển KHCN phục vụ công tác phòng chống dịch.

Tập trung mọi nguồn lực trí tuệ, tâm huyết, kinh nghiệm của các nhà khoa học chung tay với ngành y tế để có sản phẩm phục vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân, điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.

“Chúng tôi cam kết tạo điều kiện tốt nhất triển khai nghiên cứu bảo đảm khoa học khách quan nhất, nhanh nhất để đưa vào ứng dụng. Nếu có kết quả tốt, người bệnh Covid-19 sẽ được tiếp cận với sản phẩm an toàn và hiệu quả trong thời gian sớm nhất”, ông Quang phát biểu.

Cũng theo TS Nguyễn Ngô Quang, Bộ Y tế chỉ đạo thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu. Phấn đấu đến cuối năm 2021 sẽ hoàn thành nghiên cứu lâm sàng để cấp phép sử dụng thuốc vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân F0 thể nhẹ và thể vừa.

Loại thuốc được chế từ thảo dược của Việt Nam.
Loại thuốc được chế từ thảo dược của Việt Nam.

Sau khi Bộ Y tế phê duyệt cấp phép thử nghiệm lâm sàng, thuốc sẽ phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm như tất cả các loại thuốc khác. Tuy nhiên, do thuốc hoàn toàn sử dụng thành phần là dược liệu nên Bộ Y tế cho phép bỏ qua giai đoạn 1 là đánh giá tính an toàn trên người tình nguyện, thực hiện ngay giai đoạn 2 và 3 trên bệnh nhân.

Số lượng thử nghiệm giai đoạn 2 là 60 người để dò liều tối ưu, xem chỉ định 6 hay 8 viên. Trong đó thiết kế 2 nhóm đối chứng, 1 nhóm phác đồ nền và 1 nhóm phác đồ nền cộng với sản phẩm nghiên cứu.

Kết thúc giai đoạn 2 sẽ đánh giá tính an toàn, khả năng giảm tải lượng virus và chọn được liều tối ưu. Giai đoạn 3 sẽ thử 260 người ở liều tối ưu để đánh giá. Thời gian triển khai của hai giai đoạn này khoảng 3 tháng.

“Hiện Việt Nam mới chỉ có phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng như suy hô hấp, nhiễm trùng phổi… Chưa có phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thể nhẹ. Nếu có sản phẩm y học cổ truyền được cấp phép thì bộ Y tế sẽ chỉ định sử dụng ngay”, ông Quang cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em thường học các chuẩn mực và đặc điểm tính cách từ cha mẹ. (Ảnh: ITN).

Dạy con hiểu giá trị của gia đình

GD&TĐ - Nhiều bậc cha mẹ thấm nhuần giá trị tốt đẹp của gia đình vào con cái để giúp con phát triển thành những công dân tốt, có trách nhiệm.