Thu nhập trăm triệu nhờ trồng lúa tím thảo dược

GD&TĐ - Trồng lúa tím thảo dược theo hướng hữu cơ sinh học, vợ chồng bà Lê Thị Nga (56 tuổi) và ông Đoàn Văn Tài (57 tuổi) ngụ ấp Kinh, xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long) thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm.

Bà Nga cầm trên tay lúa tím thảo dược được trồng theo hướng hữu cơ sinh học.
Bà Nga cầm trên tay lúa tím thảo dược được trồng theo hướng hữu cơ sinh học.

Thoát cảnh “được mùa, mất giá”

Chỉ vào những hạt lúa tím được đóng gói, nhãn mác, đầy đủ thông tin, mã vạch truy xuất nguồn gốc sản phẩm… bà Nga phấn khởi kể, lúc trước gia đình bà trồng lúa nhưng do giá cả bấp bênh, điệp khúc “được mùa, mất giá” liên tục xảy ra khiến kinh tế gia đình ngày càng kiệt quệ.

Nhằm chuyển hướng canh tác đạt hiệu quả hơn nên vợ chồng bà cùng nhau tìm giống lúa mới để chuyển đổi trồng thử nghiệm. Năm 2011, tình cờ thông qua mạng internet và báo, đài bà biết được giống lúa tím thảo dược Vĩnh Hòa ở Nghệ An. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy giống lúa này có nhiều ưu điểm vượt trội so với giống lúa thông thường nên mạnh dạn nhập 2kg giống về trồng thử nghiệm trên 300m2 đất ruộng.

Ban đầu, do giống lúa này được trồng chủ yếu ở miền ngoài, thời tiết khác biệt nên khi đem trồng tại miền Tây, cây lâu trổ bông, năng suất không đạt. Không nản chí, vợ chồng bà Nga tìm tòi, học hỏi, tự đúc rút ra kinh nghiệm. Để cải thiện nguồn giống, bà đã lựa những bông trổ trước và to khỏe, đồng đều để lấy giống gieo trồng lại cho những đợt sau và tự sản xuất nguồn giống để trồng nhân rộng trên 2,5ha theo hướng an toàn.

Song song đó bà còn trồng trên 1ha lúa Nhật và lúa thơm. Mãi đến năm 2017, nguồn giống hoàn toàn thuần chủng và thích ứng với thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu phát triển mạnh và cho năng suất cao. Bên cạnh đó, bà còn ứng dụng canh tác lúa theo hướng hữu cơ góp phần tạo ra các sản phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe khách hàng, bảo vệ môi trường sinh thái.

Tuy nhiên, khi gạo tím thảo dược được bán ra thị trường, đầu ra vô cùng khó khăn vì ít người biết giống lúa này, một số khác cho rằng gạo nhuộm màu, nấu ra nước có màu đỏ tươi, không dám ăn. Để tạo niềm tin cho khách hàng, những người đến mua gạo đều được bà Nga nấu cơm tại nhà để ăn thử, ai cũng khen ngon và đặt hàng cũng như giới thiệu bạn bè đến mua. Bên cạnh đó, gia đình bà còn mang sản phẩm đi kiểm tra chất lượng gạo và hàm lượng dinh dưỡng, nhờ cách làm này đã tạo được uy tín, sản phẩm ngày càng được nhiều người biết đến và đặt hàng.

Gạo tím thành phẩm được xuất bán.
Gạo tím thành phẩm được xuất bán.

Thu nhập cao từ lúa tím

Vợ chồng bà Nga áp dụng canh tác theo hướng hữu cơ sinh học vì khác với giống lúa thường, lúa thảo dược không được sử dụng phân, thuốc hóa học mà phải sử dụng phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học được chiết xuất để bồi dưỡng cho cây.

Bên cạnh đó, thực trạng canh tác lúa bà con thường dùng và lạm dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật nên không chỉ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người nông dân. Nay, khi canh tác lúa hữu cơ, không còn tình trạng vỏ chai thuốc tràn lan bừa bãi tại các bờ ruộng mà thay vào đó còn giúp tăng trưởng cho cây lúa và cải tạo đất.

Theo bà Nga, để trồng lúa thảo dược này đạt chất lượng cao, phải mất từ 2 năm trở lên để cải tạo đất, nhằm loại bỏ tạp chất. Ngoài ra phải áp dụng đúng các quy trình, kỹ thuật trồng, chăm sóc vô cùng nghiêm ngặt, cũng như tuân thủ biện pháp canh tác “3 giảm, 3 tăng”.

Do canh tác theo hướng này nên lúc sạ và cấy không sử dụng thuốc trừ cỏ nên dẫn đến chi phí thuê mướn nhân công cắt cỏ rất tốn kém. Cũng như không tốn nhiều công chăm sóc hơn vì phải sử dụng các chế phẩm sinh học được chiết xuất từ các loại thảo dược như: nấm la hán quả, gừng, tỏi, ớt, trái bình bát được chiết xuất làm thuốc… để phòng ngừa sâu bệnh cho cây lúa.

Đặc tính vượt trội của giống lúa này là gạo có hàm lượng các vi chất dinh dưỡng, vi lượng và các vitamin A, B (B1, B2, B6), lipit, chất xơ, omega chống ung thư, chống loãng xương, hỗ trợ tim mạch, huyết áp, khớp rất tốt…

Khi ăn làm quên cảm giác đói, rất có lợi cho người thừa cân, đặc biệt là chất omega chống ung thư nên bà Nga đã nảy sinh ý tưởng chiết xuất chất này từ cây lúa để có sản phẩm phục vụ người tiêu dùng. Nghĩ là làm, bà bắt tay tìm tòi, nghiên cứu và và sản xuất thành công trà gạo thảo dược có chứa hàm lượng omega3, omega 6; và omega 9.

So với các loại gạo thông thường, gạo tím thảo dược thường bị kiến, mọt ăn nếu không giữ kín; khi nấu hương thơm dịu, lâu thiu, để nguội vẫn dẻo, mềm và có vị ngọt… Gạo được dùng nấu cơm để ăn, rang vàng xay làm trà uống, xay thành bột làm sữa gạo…

Mỗi năm bà Nga trồng 2 - 3 vụ lúa tím thảo dược, từ khi trồng đến khi thu hoạch khoảng 95 - 100 ngày, với năng suất bình quân 1ha thu được 4,5 tấn/vụ. Sau khi chà gạo lức bán ra với giá 40.000 đồng/kg, cho thu nhập mỗi năm hơn 300 triệu đồng/ha/năm.

Bà Nga đã đầu tư máy móc để hút chân không, đóng gói và đóng nhãn truy xuất nguồn gốc thực phẩm, hỗ trợ người tiêu dùng yên tâm sử dụng, xây dựng được thương hiệu an toàn. Lúa thảo dược được bà Nga đóng gói kỹ càng cung ứng cho người tiêu dùng và các siêu thị ở khắp cả nước, nhưng nguồn cung không đủ cầu.

Vừa qua, gạo tím thảo dược của bà Nga cũng đã được một doanh nghiệp ký kết hợp đồng thu mua mỗi tháng hơn 10 tấn gạo để xuất bán sản phẩm sang thị trường Singapore, nhưng bà Nga đành từ chối vì không đủ hàng cung ứng. Ngoài ra, vợ chồng bà Nga còn mở Hợp tác xã để liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa giống, lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ cho bà con tại địa phương có đầu ra ổn định.

Kế hoạch sắp tới, vợ chồng bà Nga sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng trồng thêm giống lúa tím thảo dược nhằm cung ứng cho thị trường. Với những đặc tính nổi bật, lúa thảo dược đang cho thấy một tiềm năng lớn trong sản xuất, tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu thị trường dinh dưỡng tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

“Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.