Để ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối; cấp tín dụng với nhóm khách hàng lớn.
Theo đó, thông qua thanh tra vốn, tình hình sở hữu cổ phần, hoạt động cho vay, đầu tư, góp vốn, nhà chức trách sẽ giám sát an toàn hoạt động của ngân hàng đó và xem xét chuyển cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu vi phạm.
Trường hợp phát hiện rủi ro, vi phạm, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tổ chức tín dụng xử lý các tồn tại.
Đối với các trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét chuyển cơ quan công an điều tra, làm rõ hành vi vi phạm (nếu có) để xử lý nhằm ngăn ngừa rủi ro.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tình trạng sở hữu cổ phần trực tiếp, sở hữu chéo giữa các ngân hàng, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây.
Tuy nhiên, việc kiểm soát sở hữu vượt giới hạn quy định, sở hữu chéo vẫn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên hộ số cổ phần sở hữu để lách quy định.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng và người có liên quan góp vốn, mua cổ phần không được vượt quá 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết, sở hữu cổ phần tại ngân hàng khác giảm, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro.
Do vậy, điều này dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch và chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trong đó có việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung Luật các tổ chức tín dụng, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của các tổ chức tín dụng có thể dẫn đến việc thâu tóm, chi phối; cấp tín dụng với nhóm khách hàng lớn. (Ảnh minh họa) |
Từng trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Kim Toàn (đoàn đại biểu tỉnh Bình Định) đã bày tỏ mối lo ngại về tình trạng sở hữu chéo, doanh nghiệp sân sau trong các ngân hàng thương mại cổ phần chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ bất ổn hoạt động ngân hàng.
Do đó, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp xử lý rốt ráo câu chuyện sở hữu chéo trong ngân hàng, vấn đề bất cập của thị trường trái phiếu để lành mạnh hoá và phát triển tốt hơn các thị trường này.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng
Cũng tại văn bản số 3205/NHNN-TTGSNH do Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây, cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu để đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng.
Trong đó, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ xấu và nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Đối với các tổ chức tín dụng cổ phần, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng đối với cổ đông và người có liên quan.
Với tổ chức tín dụng có sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý quyết liệt vấn đề này, phối hợp chặt chẽ cổ đông lớn xây dựng giải pháp thoái vốn theo quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm tuân thủ quy định của pháp luật.