Cổ phiếu BĐS áp đảo trong đà tăng của VN-Index

GD&TĐ - Hàng loạt cổ phiếu bất động sản (BĐS) tăng hết biên độ. Đặc biệt, NVL, PDR nhìn thấy sắc tím sau gần 20 phiên giảm sàn...

Bên mua áp đảo trong 2 tuần gần đây khi VN-Index tăng trở lại. Ảnh: FireAnt
Bên mua áp đảo trong 2 tuần gần đây khi VN-Index tăng trở lại. Ảnh: FireAnt

Cổ phiếu BĐS đồng loạt tím

Từ đầu năm 2022 đến nay, cổ phiếu ngành BĐS trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư khi liên tiếp phải đối mặt với tình hình khó khăn trong và cả ngoài nước.

Hàng loạt mã cổ phiếu giảm sàn khiến nhà đầu tư lo lắng. Trong bối cảnh đó, sự trông chờ giải cứu từ Nhà nước trở thành nỗi đau đáu của không chỉ nhà đầu tư, mà đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, nhỏ.

Có thể điểm danh hàng loạt cổ phiếu đã giảm đến mức rất sâu, thậm chí mất 70 - 90% từ đỉnh. Như DIG, CEO, BCG, KBC, TCH... Đặc biệt, hai mã cổ phiếu NVL và PDR được giới đầu tư chú ý nhiều nhất khi giảm sàn gần 20 phiên liên tiếp.

Các động thái giải cứu NVL và DPR xuất hiện vào ngày 22/11 đến nay với phiên giao dịch đỉnh điểm của NVL lên đến trên 3.000 tỷ đồng. Còn PDR thanh khoản cao xuất hiện vào ngày 26/11 và đỉnh điểm là ngày 29/11 với giá trị đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Đến ngày 30/11, những mã cổ phiếu BĐS tâm điểm nêu trên tiếp tục tăng hết biên độ (CE) với giá trị thanh khoản đạt mức cao.

Theo nhà đầu tư Nguyễn Xuân Thái, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, việc VN-Index tăng điểm trở lại do cạn cung khi hàng loạt các công ty chứng khoán bán giải chấp mạnh mẽ trong thời kỳ thị trường giảm điểm. Vì vậy, khi xuất hiện cầu tương đối thì diễn biến đảo chiều, giúp phe mua chiếm ưu thế và VN-Index đạt sắc xanh.

Có nhà đầu tư chứng khoán cho rằng: Tình hình kinh tế thế giới có dấu hiệu được cải thiện giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư. Trong nước, Nhà nước đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy kinh tế phát triển trở thành động lực giúp vực dậy tinh thần của nhà đầu tư sau thời kỳ giảm giá mạnh.

Đặc biệt, nhóm ngành BĐS được hưởng lợi kép từ 2 yếu tố. Đó là việc Trung Quốc tung gói giải cứu thị trường BĐS quốc nội sau hơn 1 năm nguy khốn. Thứ 2 là hiệu ứng giải ngân đầu tư công trong nước kéo theo sự phát triển của 25 ngành khác nhau, trong đó hưởng lợi lớn nhất là các nhà cung ứng vật liệu, xây dựng, BĐS.

Ngoài BĐS, cổ phiếu nhóm ngân hàng được cho là có ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường. Nhóm ngân hàng chiếm tỷ lệ vốn hóa cao nhất trên sàn chứng khoán cho phiên tăng đồng đều. Thậm chí các mã VCB, BVB, SHB, NAB... đạt mức tăng từ 2 - 4% giá trị trong 2 phiên giao dịch 29 và 30/11.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, phân bón hóa chất, đầu tư công... cũng bật tăng với tỷ lệ từ 2 - 6% so với phiên giao dịch trước.

Theo biểu đồ theo dõi chuyển dịch dòng tiền của FireAnt, ngày 29/11 sàn đại diện của VN-Index là HSX có tới 350 mã cổ phiếu đạt sắc xanh, 60 cổ phiếu tham chiếu và có khoảng 100 cổ phiếu giảm điểm. Sự áp đảo của bên mua rất rõ ràng.

Thanh khoản tại sàn HSX cũng tăng rất thuyết phục trong nhiều tháng gần đây khi đạt giá trị trên 18.000 tỷ đồng.

Đến đầu giờ chiều ngày 30/11, HSX cũng có trên 300 mã cổ phiếu đạt sắc xanh, với bên mua chiếm ưu thế. Thanh khoản thị trường được đánh giá là đạt kỳ vọng của nhà đầu tư trong nhiều tháng trở lại đây.

VN-Index có thể tăng trung hạn

Anh Lê Văn Thắng, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, nhà đầu tư đang giải ngân mạnh vào cổ phiếu KBC, nhận định: Giai đoạn từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023 VN-Index có thể đạt nhịp tăng trung hạn.

Lý do là bởi hiệu ứng tích cực từ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Tình hình lạm phát tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu có dấu hiệu chững lại và FED ra tín hiệu giảm đà tăng lãi suất.

Về góc nhìn kỹ thuật, chỉ báo trung bình biến đổi phân kỳ hội tụ (MACD) liên tục tăng trưởng dương - Chỉ báo tương ứng với xu hướng tăng giá của VN-Index những tuần gần đây khi tạo 2 đáy với giá trị thanh khoản cao nhất trong gần nửa năm 2022.

Ngoài ra, chỉ số sức mạnh tương đối của thị trường (RSI) cũng đồng pha với MACD khi đạt phân kỳ dương và vươn đến vùng quá mua với 60 điểm.

Tuy nhiên, theo công cụ phân tích của 24hmoney thì chỉ số dòng tiền tạo lập (MCDX) chưa xuất hiện rõ ràng. Điều này là chỉ dấu quan trọng của sức mạnh thị trường. Nếu dòng tiền tạo lập xuất hiện mạnh mẽ hơn thì đó là tín hiệu hoàn hảo của việc VN-Index tăng trưởng dài hạn.

Theo ông Nguyễn Văn Thiệp, Broker Công ty Chứng khoán VPS, các chỉ số kỹ thuật chỉ là công cụ tham khảo. Nhà đầu tư cần theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô như lạm phát tại Mỹ và các nước châu Âu, chính sách điều hành kinh tế của FED, biến động địa chính trị thế giới và các chính sách điều hành kinh tế trong nước của Chính phủ… từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.