Loạt cổ phiếu ngành bất động sản "bốc hơi" gần 80% giá trị tính từ đỉnh

GD&TĐ - Từ tháng 1/2022 đến nay, hàng loạt cổ phiếu bất động sản (BĐS) đi vào chu kỳ giảm giá. Trong đó, nhiều cổ phiếu “bốc hơi” hàng chục % giá trị tính từ đỉnh.

Cổ phiếu BĐS sàn la liệt, trắng bên mua (không có người mua) trong phiên giao dịch ngày 9/5.
Cổ phiếu BĐS sàn la liệt, trắng bên mua (không có người mua) trong phiên giao dịch ngày 9/5.

Cổ phiếu BĐS “rơi tự do”

Nhóm cổ phiếu BĐS lập đỉnh tại phiên giao dịch từ ngày 9 đến 13/1 như CEO, CII, DIG, TCH, SNZ, SZN, L14… đến nay đã “bốc hơi” hàng chục % giá trị. Thậm chí, có cổ phiếu đã giảm đến gần 100%.

Câu chuyện của nhóm cổ phiếu BĐS bắt đầu từ giai đoạn quý IV/2021, khi thị trường hấp thu các thông tin tốt như tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, các giao dịch đất đai “nóng” trở lại sau thời kỳ đóng băng do nghỉ dịch, tin tốt lành từ hoạt động giải ngân đầu tư công và đặc biệt, việc đất vàng Thủ Thiêm, TPHCM được đấu giá với mức cao kỷ lục… đã khiến cho giá cổ phiếu nhóm BĐS tăng phi mã.

Với cổ phiếu CEO, từ ngày 3/11/2021 đến ngày 10/1/2022 đã tăng trên 775% giá trị tương ứng từ mốc giá 11.600 đồng/đơn vị cổ phiếu lên 99.992 đồng/đơn vị cổ phiếu. Sau phiên giao dịch ngày 10/1 đến nay, cổ phiếu CEO “bốc hơi” trên 70% giá trị.

Theo phân tích kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 9/5, giá cổ phiếu CEO xuống dưới mức hỗ trợ 30.600 đồng/cổ phiếu, kèm theo thanh khoản ở mức thấp. Nếu dòng tiền mua không trở lại thì CEO có thể rơi xuống vùng hỗ trợ gần nhất là 27.000 đồng/cổ phiếu và vùng hỗ trợ xa hơn là 11.600 đồng/cổ phiếu.

Nếu quay về vùng hỗ trợ thứ 2, đồng nghĩa với việc cổ phiếu này quay về điểm xuất phát sau thời gian tăng giá phi mã.

Với cổ phiếu CII – đơn vị hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công và quỹ BĐS lớn tại TPHCM cũng đang trong thời kỳ giảm giá mạnh từ mốc 61.800 đồng/cổ phiếu về 19.200 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giá của giai đoạn tháng 10/2021 và mất 68,84% giá trị.

Cổ phiếu TCH cũng mất trên 51% giá trị tính từ đỉnh – tương đương giá 28.100 đồng/cổ phiếu được thiết lập ngày 28/12/2021.

Một mã cổ phiếu khác là FLC cũng “bay” trên 72% giá trị từ mức đỉnh 24.000 đồng/cổ phiếu được thiết lập ngày 10/1/2021, nay chỉ còn 6.700 đồng/cổ phiếu.

Ngoài ra, các mã cổ phiếu BĐS khác như LHG, ITA, DXG, KBC, LDG… cũng rơi vào “thảm cảnh” khi mất hàng chục % giá trị trong gần nửa năm 2022.

Một số nhà đầu tư cho rằng, cổ phiếu BĐS tăng vào giai đoạn cuối năm 2021 do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thị trường BĐS được giải phóng sau đại dịch dẫn đến sốt đất trên nhiều địa phương. Thứ hai là những sự kiện tác động lớn như đấu giá đất ở mức cao nhất thế giới. Thứ ba là kế hoạch giải ngân đầu tư công và cuối cùng là lo ngại về tình hình lạm phát tăng khiến dòng tiền cư ngụ vào đất.

Tuy nhiên, thế thượng phong của BĐS bị phá vỡ với cú sốc lớn đến từ việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc đất Thủ Thiêm. Tiếp đến là cơ quan chức năng tiến hành các bước thanh lọc thị trường chứng khoán, bắt nhiều lãnh đạo công ty lớn. Đồng thời, giai đoạn này, tình hình xung đột thế giới cũng là yếu tố quan trọng nhấn chìm chỉ số Vnindex nói chung và dòng BĐS nói chung.

Chờ thanh lọc lớp nhà đầu tư mới

Theo chuyên gia, ngày 9/5, Vnindex cho tín hiệu khá tiêu cực khi mất 59,64 điểm – tương đương 4,49% điểm giá trị so với phiên trước đó. Chỉ số kỹ thuật cho thấy, Vnindex có phiên tes lại đáy 1.269. Mặc nến ngày 9/5 cao hơn nến cũ chút ít, nhưng giá bị dìm xuống, vì vậy không xuất hiện nến rút chân. Đây là dấu hiệu cho thấy nguy cơ Vnindex sẽ thủng vùng hỗ trợ 1.260 trở về vùng 1.200 trong các phiên giao dịch tiếp theo. Tín hiệu tích cực duy nhất là thanh khoản ngày 9/5 cao hơn so với phiên trước đó.

Theo quan điểm của Broker Nguyễn Mạnh Thiệp, Công ty Chứng khoán VPS, nhóm cổ phiếu BĐS đang ở mức rủi ro ngắn hạn. Nguyên nhân đến từ việc các ngân hàng siết nguồn tín dụng đổ vào đất nhằm hạn chế “bong bóng” BĐS. Đây là kế hoạch điều hành, quản lý thị trường trước mắt của cơ quan chức năng. Tình hình có thể thay đổi khi thị trường đất đai ổn định trở lại.

Về dài hạn, ông Nguyễn Mạnh Thiệp cho rằng, nhóm cổ phiếu BĐS vẫn có độ hấp dẫn riêng, do hiện tại, nhiều cổ phiếu đang bị giảm dưới giá trị thật và tình hình kinh doanh của nhiều công ty vẫn đang tốt.

Đánh giá thị trường chung, ông Thiệp nhận định: Thị trường đang có những biểu hiện giống giai đoạn 2018 khi Vnindex lao dốc. Lúc này, dòng tiền rút dần khỏi thị trường, quá trình thanh lọc, thay thế lớp nhà đầu tư khác sẽ diễn ra. Quá trình này sẽ phải tính bằng nhiều tháng chứ không tính bằng vài tuần giao dịch.

Về vĩ mô, thông tin về việc Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ sửa một số luật nhằm khơi thông thị trường BĐS trong bối cảnh nguốn vốn cho lĩnh vực này bị siết chặt.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS – Bộ Xây dựng, trả lời báo chí ngày 6/5 tại buổi đối thoại “Nhận diện chân thực vai trò của thị trường bất động sản trong nền kinh tế”, cho rằng: Nếu siết nguồn vốn thì thị trường BĐS sẽ không phát triển được.

Vì thế, Bộ Xây dựng đã đề xuất sửa một số quy định theo hướng ưu tiên cấp vốn cho những dự án có sự đánh giá, chọn lọc chứ không phải doanh nghiệp BĐS nào cũng được cấp vốn như nhau.

Trước những diễn biến hiện nay, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI), nhận định: Hiện, chưa thể đánh giá khả năng tăng, giảm của nhóm cổ phiếu BĐS. Bởi giai đoạn cuối năm 2021 đầu 2022, nhiều cổ phiếu đã tăng phi mã. Với chính sách quản lý vĩ mô hiện tại, chưa thể dự đoán cổ phiếu BĐS sẽ giảm đến mức nào.

Liên quan thông tin Bộ Xây dựng đề xuất khơi thông dòng vốn vào BĐS, ông Ngọc cho rằng: Đó là thông tin, nhưng để ra văn bản luật có thể mất nhiều thời gian và để phản ánh vào giá cổ phiếu có lẽ sẽ phải chờ đợi thêm.

Về hành động của nhà đầu tư trong xu thế giảm giá, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng: Nhà đầu tư cần quản lý chặt Margin (tiền của các công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay mua cổ phiếu), tuân thủ quy tắc về cắt lỗ nếu không có thể đối diện với nguy cơ Call Margin (công ty chứng khoán tự động bán cổ phiếu của nhà đầu tư vay vốn nhằm thu hồi vốn) và bay sạch tài khoản.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.