(GD&TĐ)-Sau hàng loạt các sai phạm của một số trường được phát hiện, chấn chỉnh kịp thời trong năm 2012; bước sang năm 2013, công tác thanh tra được Bộ GD&ĐT xác định là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm với quyết tâm siết chặt kỷ cương, nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại TP. HCM |
Theo quan điểm của Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng, thanh tra không phải chỉ nhằm để phạt mà quan trọng là để tác động đến ý thức toàn hệ thống. Cũng theo ông Nguyễn Huy Bằng, thực tế các trường không sợ bị phạt mấy chục triệu, họ sợ bị dừng tuyển sinh, bị cắt chỉ tiêu, bị cấm mở ngành, đó mới là những giải pháp có tác động mạnh mà Bộ GD&ĐT hướng tới. Những trường không tạo được tuy tín thì bản thân việc không tuyển sinh được chắc cũng phải theo quy luật, sẽ bị đào thải.
PV.Tiếp tục những tín hiệu tích cực của năm 2012, năm 2013 này, công tác thanh tra sẽ được thực hiện như thế nào? Trọng tâm của công tác thanh tra năm 2013?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Năm 2013 là năm ngành giáo dục quyết tâm lập lại kỷ cương trong GDĐH, vì vậy chúng tôi tiếp tục thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm để qua đó tác động đến toàn hệ thống. Vừa rồi chúng tôi thanh tra, kiểm tra và công khai kịp thời, vì thế được dư luận rất ủng hộ.
Năm 2013, thực hiện Luật GDĐH, có 2 việc quan trọng nhất phải làm đó là xây dựng hệ thống văn bản pháp luật và thanh tra kiểm tra. Năm nay, chúng tôi sẽ tập trung thanh tra hoạt động liên kết đào tạo trong và ngoài nước, thanh tra đào tạo không chính quy vừa làm vừa học, tiếp tục thanh kiểm tra việc thực hiện điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục về điều kiện cơ sở vật chất, về đội ngủ giảng viên cơ hữu đúng như tinh thần Kết luận số 51- KL/TW ngày 29/10/2012 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, năm 2013 là năm đầu tiên thực hiện Luật GDĐH. Bên cạnh việc tăng tính tự chủ cho các trường, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh thanh tra để bảo đảm việc tự chủ lành mạnh. Vừa qua chúng tôi thanh tra việc thực hiện thông tư 57 cũng với tinh thần này.
PV. Còn công tác giám sát sau thanh tra, tái thanh tra sẽ thực hiện ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Các đợt thanh tra năm 2012 đã quyết định dừng tuyển sinh 4 trường và 11 ngành, sau đó Bộ GD&ĐT đã tiến hành kiểm tra lại. Qua báo cáo của các trường và giám sát lại của Bộ, Bộ đã cho 4 trường tuyển sinh lại trong năm 2013 với chỉ tiêu hạn chế. Điều đáng mừng là các trường đều có ý thức khắc phục các sai phạm, có cải thiện lớn về đội ngũ, về cơ sở vật chất. Như Trường ĐH Đông Đô thời điểm bị thanh tra cơ sở toàn đi thuê nhưng sau khi bị thanh tra họ đã cố gắng mua được 3 ha đất. Rõ ràng qua thanh tra đã làm thay đổi nhận thức của các trường.
Bên cạnh đó, thanh tra như việc tiêm vac-xin phòng bệnh, phải có tiêm nhắc lại. Chủ trương là Bộ có việc tái thanh tra và không chỉ dừng ở việc phạt hành chính. Đơn cử vừa qua, với những trường vi phạm tuyển sinh sẽ không được giao tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh nữa mà Bộ sẽ áp đặt, chỉ giao chỉ tiêu tối thiểu. Thực chất của việc này là thu hồi quyền tự chủ trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Còn nữa, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT đã rất mạnh mẽ khi kiến nghị các bộ ngành, địa phương xử lý kỷ luật 8 Hiệu trưởng trường có sai phạm. Đó là những giải pháp mới. Vì là giải pháp mới có thể chưa vào hệ thống 100% nhưng chắc chắn có tác động tốt. Thể hiện rõ nhất là qua việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 này, các trường đã không dám xác định vống chỉ tiêu nữa.
PV. Với số lượng các trường lớn như vậy, Bộ GD&ĐT có giải pháp gì để thanh tra toàn hệ thống?
Ông Nguyễn Huy Bằng: Thanh tra sẽ phải được tăng cường cả về nguồn lực, nhân lực mới đáp ứng yêu cầu công việc. Tuy nhiên, thanh tra Bộ không có điều kiện và cũng không cần thiết phải đến thanh tra tất cả các trường. Bộ chỉ tăng cường quản lý nhà nước về thanh tra giáo dục, ban hành các văn bản liên quan đến thanh tra, kiểm tra để đưa cả hệ thống vào cuộc. Hàng năm, ngoài thanh tra Bộ thì các bộ ngành, các địa phương cũng phải tiến hành hoạt động thanh tra kiểm tra. Không thể thanh tra tất cả được. Bản thân các trường cũng phải tự thanh tra, chỉnh đốn hoạt động của mình. Tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ có hội nghị để tăng cường sự phối hợp, phân cấp quản lý cho hiệu quả.
PV. Xin cảm ơn ông!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)