Thanh tra Chính phủ từng kết luận con số… “giật mình”

GD&TĐ - Trước khi xảy ra vụ việc hơn 500 giáo viên ở Krông Pắc (Đắk Lắk) có nguy cơ mất việc làm “nóng” dư luận những ngày qua, vào tháng 10/2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có Kết luận số 2580, trong đó chỉ ra những con số khiến dư luận… “giật mình”.

Nhiều giáo viên ở Krông Pắc (Đắk Lắk) bật khóc trước thông tin bị cho nghỉ việc
Nhiều giáo viên ở Krông Pắc (Đắk Lắk) bật khóc trước thông tin bị cho nghỉ việc

Giọt nước tràn ly

Dư luận đang “dậy sóng” bởi vụ việc hơn 500 giáo viên ởhuyện Krông Pắc có nguy cơ bị mất việc. Sự việc càng được đẩy lên cao trào khi nhiều giáo viên lên tiếng họ mất hàng trăm triệu đồng mới có được suất dạy hợp đồng…

Có hay không việc “chạy” tiền đổi việc? Sự thật như thế nào còn phải chờ sự vào cuộc và kết luận của cơ quan chức năng, nhưng có một sự thật nhãn tiền là hơn 500 giáo viên này đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp!

Trở lại với vụ việc này, vào chiều 9/3, UBND huyện Krông Păk đã tổ chức họp giải quyết hơn 600 giáo viên hợp đồng lao động dư thừa mà địa phương đã tuyển dụng trước đó.

Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Pắk, trước mắt, địa phương đã có thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 200 giáo viên. Đến cuối tháng 3, UBND huyện sẽ tổ chức tuyển dụng viên chức với 83 chỉ tiêu còn thiếu. Sau khi có kết quả kỳ thi, huyện sẽ chấm dứt hợp đồng đối với những giáo viên không trúng tuyển.

Như vậy, trong hơn 600 giáo viên hợp đồng do UBND huyện tuyển dụng dư, có hơn 500 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Sau khi thông tin trên được lan truyền gây bức xúc trong dư luận, ngày 11/3, UBND huyện Krông Pắc đã họp khẩn để tìm cách tháo gỡ. Chiều 12/3, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành công văn yêu cầu huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 500 giáo viên.

Ngày 13/3, UBND huyện Krông Pắc đã có thông báo cho các giáo viên việc tạm dừng chấm dứt hợp đồng. Tuy nhiên, trả lời báo chí, nhiều giáo viên cho biết họ không thể yên tâm được vì có thể huyện sẽ chấm dứt hợp đồng với họ bất cứ lúc nào.

Dư luận cho rằng, nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng trên xuất phát từ việc 3 đời lãnh đạo huyện này đã “ký bừa” hợp đồng với 600 giáo viên, vì vậy việc hơn 500 giáo viên có nguy cơ thất nghiệp chỉ là… giọt nước tràn ly.

Ký 521 hợp đồng vượt chỉ tiêu

Lý do mà dư luận đồn đoán không phải không có cơ sở, bởi trước đó TTCP đã vào cuộc thanh tra chuyên đề công tác quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tại Đắk Lắk và kết luận huyện Krông Pắc ký 521 hợp đồng vượt chỉ tiêu biên chế giao.

Theo quy định, việc tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục được thực hiện theo Nghị quyết số 29 năm 2012 của Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của Nghị quyết này và quy định của từng địa phương.

Kiểm tra công tác này tại Đắk Lắk, TTCP khẳng định nhiều hạn chế thiếu sót, khuyết điểm. Cụ thể: Phần lớn các khối huyện, thị xã, thành phố chỉ tổ chức tuyển dụng viên chức vào năm 2013, còn các năm 2014, 2015, 2016 chưa tiến hành xây dựng phương án tuyển dụng để phục vụ nhu cầu dạy và học của đơn vị.

Để đáp ứng nhu cầu dạy học, các đơn vị chủ yếu phải ký hợp đồng lao động với giáo viên. Tính đến tháng 3/2017, các huyện, thị xã, thành phố đã ký 2.902 hợp đồng.

“Về cơ bản số lượng hợp đồng đã ký tại các huyện, thị xã, thành phố nằm trong số lượng biên chế được giao. Riêng huyện Krông Pắc, đến thời điểm thanh tra đã ký 521 hợp đồng vượt chỉ tiêu biên chế giao” - Kết luận thanh tra của TTCP khẳng định.

TTCP cũng khẳng định: Các hợp đồng, trong đó quy định loại hợp đồng lao động có thời hạn từ ngày ký đến khi tuyển dụng viên chức là chưa thực hiện đúng quy định tại Khoản 1, Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012; đồng thời việc quy định thời gian thử việc 6 tháng, 12 tháng cũng là chưa thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Bổ nhiệm thừa 32 cán bộ quản lý

Không chỉ “bỏ quên” công tác tuyển dụng trong thời gian dài, dẫn đến việc ký gần 3.000 hợp đồng sai quy định, trong đó có tới hơn 500 hợp đồng vượt chỉ tiêu, công tác bổ nhiệm cán bộ quản lý GD&ĐT tại Đắk Lắk cũng bị… buông lỏng. Những con số được chỉ ra trong kết luận của TTCP khiến dư luận không khỏi… “giật mình”.

Theo kết luận của TTCP, trong 4 năm (2013-2016), UBND huyện Krông Pắc đã bổ nhiệm thừa theo quy định tại Điểm a Khoản 1, 2 Mục II Thông tư Liên tịch số 35 ngày 23/8/2006 của liên Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ tới… 32 cán bộ quản lý tại các trường học.

Không dừng lại ở huyện Krông Pắc, Phòng GD&ĐT thị xã Buôn Hồ cũng bổ nhiệm 2 trường hợp là hiệu trưởng các trường không đủ độ tuổi để đảm bảo nhiệm kỳ 5 năm theo quy định bổ nhiệm.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk bổ nhiệm 1 trường hợp quá tuổi; 1 trường hợp khi bổ nhiệm chưa phải là viên chức theo quy định.

Đề nghị kiểm điểm hàng loạt lãnh đạoĐược biết, trước khi TTCP vào cuộc thanh tra công tác quản lý Nhà nước về GD&ĐT tại Đắk Lắk, Sở Nội vụ tỉnh này đã từng tiến hành thanh tra tại huyện Krông Pắc nhưng không phát hiện vi phạm! Chỉ đến khi TTCP vào cuộc, sự thật mới được phơi bày.

Với những khuyết điểm, tồn tại nêu trên, TTCP đề nghị, UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm điểm trách nhiệm Giám đốc Sở Nội vụ trong việc thanh tra, kiểm tra nhưng không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại UBND huyện Krông Pắc, để xảy ra trong thời gian dài không kịp thời tham mưu UBND tỉnh để có phương án xử lý.

Ngoài ra, TTCP cũng đề nghị kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc nhiệm kỳ 2015-2020 do “làm ngơ” tiếp tục ký hợp đồng với giáo viên khi đã có kiến nghị của Thanh tra tỉnh Đắk Lắk.

Có thể khẳng định rằng, nếu vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời thì không có sự việc đau lòng khiến hơn 500 giáo viên có nguy cơ mất việc như ngày hôm nay. Rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể liên quan, đồng thời có những phương án xử lý thấu tình đạt lý, bảo đảm quyền lợi của hơn 500 giáo viên.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ